Trung Quốc, Nhật Bản đổ xô mua một loại tinh bột của Việt Nam, trong đó mua của tỉnh Tây Ninh nhiều nhất

K.Nguyên Thứ năm, ngày 22/06/2023 09:56 AM (GMT+7)
Do tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc ở mức thấp trong khi giá FOB Bangkok Thái Lan ở mức cao nên khách hàng Trung Quốc đổ xô hỏi mua tinh bột sắn của Việt Nam, đặc biệt tại Tây Ninh. Trong khi đó, Nhật Bản cũng tăng mua sắn của Việt Nam với số lượng tăng đột biến.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2023, Việt Nam xuất khẩu được 192.910 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 80,22 triệu USD, tăng 1,6% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với tháng 4/2023, nhưng so với tháng 5/2022 giảm 25,7% về lượng và giảm 29,5% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2022. 

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 415,8 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 5,1% so với tháng 5/2022. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 528,56 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 5/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 88,67% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước với 171.060 tấn, trị giá 70,63 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 7,1% về trị giá tháng 4/2023, nhưng so với tháng 5/2022 vẫn giảm 29,2% về lượng và giảm 32,7% về trị giá. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,22 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 467,62 triệu USD, giảm 8% về lượng và giảm 18,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Ngoài thị trường Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2023, mặc dù tổng lượng xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một thị trường vẫn tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý là các thị trường như: Nhật Bản, Malaysia, thị trường Đài Loan... 

Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản tiếp tục tăng mạnh với 2.390 tấn, trị giá 1,22 triệu USD, tăng tới 1.285% về lượng và tăng 947,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc, Nhật Bản đổ xô mua một loại tinh bột của Việt Nam, trong đó mua của tỉnh Tây Ninh nhiều nhất - Ảnh 1.

Do tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc ở mức thấp trong khi giá FOB Bangkok Thái Lan ở mức cao nên khách hàng Trung Quốc đổ xô hỏi mua tinh bột sắn của Việt Nam, đặc biệt tại Tây Ninh. Trong khi đó, Nhật Bản cũng tăng mua sắn của Việt Nam với số lượng tăng đột biến. Trong ảnh: Chế biến tinh bột sắn tại Quảng Trị. Ảnh: T.L

Do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, Nhật Bản, hiện giá sắn củ tươi tại Tây Ninh cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 1.000-1.200 đồng/kg. Năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, khả năng sản lượng sắn vụ 2023/24 của khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ sụt giảm đáng kể so với năm trước. Tại các nhà máy chế biến, nguồn hàng sắn nguyên liệu tồn kho ít nên giá bán cao. 

"Tồn kho tinh bột sắn tại Trung Quốc ở mức thấp, giá FOB Bangkok Thái Lan ở mức cao nên phía khách hàng Trung Quốc cũng chấp nhận mua ở mức giá khá cao, cho dù đã vào mùa nắng nóng. Khách hàng Trung Quốc hỏi mua tinh bột sắn tại Tây Ninh nhiều hơn, giá dao động quanh mức 520 USD/tấn, FOB", Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 3,07 triệu tấn sắn lát (HS 071420), với trị giá 842,34 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và tăng 5,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

 Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia là 4 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Đáng chú ý, lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan và Việt Nam tăng, trong khi giảm từ Lào.

 Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023, với 385.740 tấn sắn lát, trị giá 104,82 triệu USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,55% trong tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, cao hơn so với mức 10,71% của 4 tháng đầu năm 2022. 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát từ Thái Lan với 2,68 triệu tấn, trị giá 736,06 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 87,27% trong tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.

 Đối với mặt hàng tinh bột sắn, trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,2 triệu tấn tinh bột sắn (HS 11081400), trị giá 559,31 triệu USD, giảm 28,3% về lượng và giảm 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong đó, Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 624.670 tấn, trị giá 303,47 triệu USD. 

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 434.250 tấn, trị giá 194,08 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 37,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 36,11%, thấp hơn so với mức 36,15% của 4 tháng đầu năm 2022. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem