Vay tiền mua nhà ở TP.HCM vẫn chưa hết khó

Quốc Hải Thứ tư, ngày 12/07/2023 16:45 PM (GMT+7)
Áp lực lạm phát vẫn tiếp tục đi lên khiến kỳ vọng lãi suất cho vay mua nhà giảm về mức trên dưới 10% như thời điểm trước dịch Covid-19 sẽ cần thêm thời gian, ít nhất là đến cuối năm 2023.
Bình luận 0
Vay mua nhà vẫn chưa hết khó! - Ảnh 1.

Lãi suất vay mua nhà vẫn đang ở mức cao (lên đến 12%-14% sau thời gian ưu đãi) khiến người mua nhà "chùn chân". Ảnh: Quốc Hải

Lãi cao, nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng "xuống tiền"

Chị Nguyễn Lan Chi (nhân viên truyền thông một doanh nghiệp thực phẩm tại Gò Vấp) chia sẻ, dù sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã hơn 15 năm nay nhưng vợ chồng chị vẫn chưa "tự tin" để mua một căn chung cư với mức giá từ 1,8 - 2,5 tỷ đồng.

"Dù có một khoản tiết kiệm nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định đi thuê nhà một thời gian nữa vì tham khảo thấy mức trả lãi hàng tháng của các ngân hàng vẫn còn rất cao", chị Chi nói.

Trong vai người đi vay tiền, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ phòng giao dịch, chi nhánh của một số ngân hàng (NH) tại TP.HCM để tìm hiểu về thủ tục, điều kiện vay tiền mua nhà ở.

Tại một phòng giao dịch của VPBank trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), chúng tôi được nhân viên tư vấn thông báo chi tiết về lãi suất cho vay mua BĐS với thời gian tối đa lên đến 25 năm, lãi suất ưu đãi từ 10,5%/năm cho năm đầu tiên. Sau thời gian đó, lãi suất được "thả nổi" lên 14%/năm.

Tương tự, tại TPBank trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình), chúng tôi cũng được tư vấn mức lãi suất 8% chỉ áp dụng cho khách vay mua nhà trong 6 tháng đầu, trong 6 tháng tiếp theo sẽ áp dụng mức 12%/năm, từ tháng 13 cũng tính lãi thả nổi theo thị trường, rơi vào khoảng 13,5%/năm.

Đến cuối tháng 4/2023, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022. Đây là mức cao nhất kể từ trước tới nay - số liệu của Ngân hàng Nhà nước, công bố.

Chính bởi mức lãi suất còn khá cao (12%-14% sau thời gian ưu đãi), nên nhà đầu tư cũng đang khá e dè với việc sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà.

Dữ liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, tính đến 27/6, tín dụng chảy vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng xuống tiền đầu tư.

Vay mua nhà vẫn chưa hết khó! - Ảnh 3.

BVSC kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1 – 1,5% vào cuối năm 2023, tức tương đương còn 10 - 12%/năm. Ảnh: Quốc Hải

"Việc tháo gỡ khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản", TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định.

Thị trường BĐS nửa cuối năm 2023 sẽ ra sao?

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc chuyên trang Batdongsan.com.vn nhận định, thị trường bất động sản đã trải qua nửa đầu năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức chưa thể khắc phục như: Giao dịch suy giảm, nhu cầu mua bất động sản tiếp tục rơi vào thấp điểm, tâm lý đầu tư yếu, thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi…

Theo ông Quốc Anh, mặc dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt gỡ khó, từ tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, đến hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động thế nhưng các chính sách này vẫn chưa thẩm thấu sâu vào thị trường bất động sản.

Đặc biệt, trong quý II/2023, hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp 3,58% (so với 8,51% cùng kỳ 2022), lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất vay vẫn neo ở mức cao, huy động vốn qua kênh trái phiếu vẫn chưa phục hồi.

"Việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà, áp lực lãi suất lớn và giá nhà vẫn đang quá cao là những rào cản lớn khiến thanh khoản thị trường chưa thể tốt lên.

Chưa kể, tình trạng lệch pha cung cầu diễn ra trong những năm qua đã khiến nhiều người mua có nhu cầu ở thực không tìm được phân khúc nhà vừa túi tiền", ông Quốc Anh, nhận định.

Còn theo báo cáo về ngành bất động sản của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới công bố cho thấy, thị trường BĐS nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức.

Cụ thể, BVSC nhận định, mặt bằng lãi suất huy động giảm trở lại và hiện đạt trung bình 7 - 8%/năm kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất cho vay cũng hạ nhiệt so với mức cao vào cuối 2022, tuy nhiên vẫn dao động trong khoảng 12 - 14%/năm (sau ưu đãi năm đầu).

Vì vậy, BVSC kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1 – 1,5% vào cuối năm 2023, tức tương đương còn 10 - 12%/năm, tùy ngân hàng.

Bên cạnh đó, BVSC cũng nhấn mạnh, một số chính sách sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho ngành bất động sản trong năm 2023. Trong đó, Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65, tạo cơ chế để doanh nghiệp BĐS giảm áp lực thanh toán trái phiếu hoặc thanh toán bằng bất động sản. Áp lực đáo hạn trái phiếu trong 2023-2024 được chuyển sang năm 2024-2025.

Ngoài ra, thông tư 02 về cơ cấu nợ, tạo cơ chế để Ngân hàng xem xét cơ cấu nợ cho các lĩnh vực khó khăn (BĐS thuộc trong danh sách các ngành nghề được cơ cấu). Thời hạn cơ cấu tối đa 12 tháng. Thông tư giúp các khoản nợ đáo hạn từ 2023 đến 06/2024 chuyển sang 2024 - 2025.

"Tổng thể chính sách, trì hoãn/kéo giãn các khoản nợ đến hạn sang thời điểm khác. Áp lực sẽ quay trở lại trong cuối 2024 và năm 2025", BVSC, dự báo.

Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, thị trường bất động sản TP.HCM trong quý II/2023 có tín hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa ổn định, đòi hỏi chính quyền thành phố và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần phải vừa tập trung tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng vừa điều chỉnh "sân chơi người chơi – luật chơi" để giải quyết sự lệch pha cung – cầu và quản lý hiệu quả, đảm bảo lành mạnh, cạnh tranh trong thị trường bất động sản.

"Tuy doanh nghiệp đã có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng do các chính sách nới lỏng của ngân hàng, nhưng dự đoán quý III/2023, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ so với 6 tháng đầu năm 2023 do không nhiều các dự án xây dựng mới.

Chính phủ và chính quyền thành phố vẫn phải tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động, giải tỏa các khó khăn nội tại, đẩy mạnh thanh lý các sản phẩm đã hoàn thiện", phía Sở Xây dựng TP.HCM nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem