Vì sao TP.HCM giữ ngôi "đẻ ít nhất nước" suốt 20 năm?

Bạch Dương Thứ tư, ngày 12/04/2023 14:19 PM (GMT+7)
Trung tuần tháng 4 tới đây, dự kiến dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu. Mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu trong khi mỗi phụ nữ ở TP.HCM chỉ sinh chưa đến 1,4 con, thấp nhất cả nước.
Bình luận 0
Vì sao TP.HCM giữ ngôi "đẻ ít nhất nước" suốt 20 năm? - Ảnh 1.

Phụ nữ TP.HCM đang trong diện sinh ít con nhất cả nước. Ảnh: B.D

Theo điều tra biến động dân số năm 2021 do Tổng cục Thống kê công bố, 4 vùng có mức sinh cao hơn mức thay thế gồm: Trung du miền núi phía Bắc (2,43 con), Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung (2,32), Tây Nguyên (2,36 con), Đồng bằng sông Hồng (2,37 con).

Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt mức 1,82 con và Đông Nam bộ là 1,61 con.

Tính theo đơn vị địa phương, TP.HCM là thành phố đông dân nhất cả nước (gần 10 triệu người), gấp 30 lần dân số Bắc Kạn (ít nhất), nhưng phụ nữ ở TP.HCM lại "lười" sinh nhất. Chi cục Dân số TP.HCM cuối năm 2022 thông tin, ước tính tổng tỷ suất sinh của thành phố này là 1,39 con. 

Theo các chuyên gia, đây là mức sinh thấp ở mức nghiêm trọng, nếu TPHCM không có những biện pháp để can thiệp, thời gian tới mức sinh sẽ càng giảm sâu hơn. Khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, số người trẻ, nguồn lao động thay thế không đủ đáp ứng sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM cho biết, độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là khoảng 18-35 tuổi. Ngày nay, do áp lực của cuộc sống, công việc, làm xuất hiện tình trạng xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng. 

Thêm vào đó, việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí... Có tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt.

Ngoài ra, trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu, tâm lý thích dịch chuyển... cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, mức sinh thấp tại TP.HCM đã kéo dài 20 năm qua, ở dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và hiện nay đang ở mức rất đáng lo ngại. Do đó, cần phải có chính sách khuyến sinh.

Vì sao TP.HCM giữ ngôi "đẻ ít nhất nước" suốt 20 năm? - Ảnh 3.

Em bé sinh đúng ngày 1/1/2023 tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: B.D

Trước thực tế đó, ngành dân số TP.HCM đã đưa ra và đang truyền thông khẩu hiệu: "Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ hai con". Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc triển khai chính sách khuyến sinh tại TP.

Chi cục Dân số, Kế hoạch hoá gia đình TP.HCM đã đề xuất Sở Y tế tham mưu UBND trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về Chính sách Dân số và Phát triển tại thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có chính sách ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số.

Cụ thể, đề xuất hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại thành phố; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con, có hộ khẩu thường trú tại thành phố; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ dưới 10 tuổi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem