Vốn đầu tư công "tạo sóng", những "ông lớn" nào hưởng lợi?

Thế Anh Thứ hai, ngày 21/02/2022 12:49 PM (GMT+7)
Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm Quốc gia.
Bình luận 0

Đầu tư công tạo "sóng" tăng trưởng

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công chính là động lực để kéo nền kinh tế tăng trưởng và có ý nghĩa kép, tức là còn kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ hiệu quả, lâu dài cho nền kinh tế.

Trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư công các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia. Điển hình là các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đang được triển khai đến nay đã có một số dự án thành phần hoàn thành chuẩn bị đưa vào khai thác.

Giải ngân đầu tư công những "ông lớn" nào hưởng lợi? - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành. Ảnh: V.D

Tiếp đó là dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022, chia thành 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 146.990 tỷ đồng.

Dự án này cũng đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Cũng chính từ chủ trương đầu tư công dự án cao tốc Bắc – Nam đã tạo ra "sức bật" tăng trưởng "ấn tượng" đối với cổ phiếu nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng được kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công như: Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 (Mã: C4G); Công ty CP FECON (Mã: FCN); Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HOSE: HHV); Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – VINACONEX (HOSE: VCG)...

Điều này thể hiện ngay trên thị trường chứng khoản năm 2021 ghi nhận 1 năm với sự "ăn nên làm ra" duy trì được đà tăng trưởng khi cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng "ấn tượng" trên sàn chứng khoản và tạo ra nhiều đợt sóng cao trào khiến cho các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Giải ngân đầu tư công những "ông lớn" nào hưởng lợi? - Ảnh 2.

VINACONEX đang có những kỳ vọng năm 2022. Ảnh: VCG

Đơn cử, trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu của CTCP Tập đoàn CIENCO4 (Upcom: C4G) đã tăng 227% (dù C4G đã chốt thực hiện phát hành thêm cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu); cổ phiếu DPG của CTCP Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG) tăng 209%; cổ phiếu FCN của CTCP Fecon (HoSE: FCN) tăng 113%; cổ phiếu G36 của Tổng công ty 36 (Upcom: G36) tăng gần 100%....

Sự tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp xây dựng này được đánh giá nhờ có tác động tích cực từ chủ trương giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng giao thông.

Theo các chuyên gia dự báo, bước sang năm 2022, các doanh nghiệp ngành xây dựng, đầu tư hạ tầng được nhận định là có nhiều triển vọng tích cực hơn nữa. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 dự kiến đạt 50.000 tỷ đồng trong đó hướng tới 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài dự kiến là 729km.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem