Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan không có chức quyền nhưng thao túng SCB ra sao?

Ngọc Linh Thứ ba, ngày 09/04/2024 15:30 PM (GMT+7)
Các luật sư cho rằng Trương Mỹ Lan không có chức vụ, quyền hạn tại SCB nên không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản. Nhưng theo VKS, việc chiếm tới 91,536% vốn điều lệ, bà Lan đã chi phối biến SCB thành công cụ rút tiền để phạm tội.
Bình luận 0

Phiên toà xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát và sai phạm ở SCB tiếp tục trong giai đoạn nghị án. Sáng 11/4, hội đồng xét xử sẽ tiến hành tuyên án với các bị cáo.

Trước đó, trong các phiên tranh luận đối đáp, các luật sư bào chữa cho Trương Mỹ Lan có quan điểm cho rằng, tại SCB, HĐQT và Chủ tịch HĐQT mới là người có quyền quyết định mọi hoạt động của ngân hàng, Trương Mỹ Lan không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB nên theo Điều 353, Bộ luật Hình sự, bà Lan không phải là chủ thể của tội Tham ô tài sản.

Bào chữa bổ sung cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, cần có cách tiếp cận phù hợp để nhận định, tách vai trò của bà Trương Mỹ Lan trong vụ án. Luật sư này cho biết, bà Lan không có chức vụ, không có trách nhiệm và quyền hạn để chi phối SCB, biến SCB thành công cụ rút tiền phục vụ mục đích của mình.

Theo ông Thiệp, không phải ai muốn vào bộ máy quản lý ngân hàng đều vào được bởi có nhiều vòng kiểm soát và quy trình cụ thể. Rất khó để tự bố trí người vào các chức vụ quan trọng của ngân hàng. Nội dung này có thể cho thấy bà Lan khó có thể dùng quyền lực của mình để áp đặt lên SCB.

"Việc đưa ra suy đoán tất cả cán bộ chủ chốt SCB làm thuê cho bà Trương Mỹ Lan và bà Lan trả lương cho các nhân sự này là thiếu căn cứ. Không có bằng chứng nào cho thấy bà Lan trả lương cho các nhân sự của SCB", ông Thiệp nêu.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan không có chức quyền nhưng thao túng SCB ra sao?- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà. Ảnh: Lê Giang

Bên cạnh đó, ông Thiệp cho rằng luận cứ việc bà Lan sở hữu hơn 91% cổ phần nên có thể chi phối hoạt động SCB. Qua đó, bà Lan sử dụng đại hội cổ động để thực hiện ý đồ của mình… Điều này không có căn cứ khi các biên bản đại hội cổ đông phê duyệt các khoản vay của ngân hàng. Việc sở hữu phần lớn cổ phần chỉ thể hiện trong phiếu biểu quyết của đại hội cổ đông nên bà Lan không phải chủ thể tham ô.

Theo VKS, Trương Mỹ Lan không trực tiếp quản lý tài sản của SCB nhưng do đã thâu tóm, sở hữu/chi phối phần lớn cổ phần, chiếm tới 91,536% vốn điều lệ SCB để nắm quyền hạn của đại hội cổ đông, là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty cổ phần, có quyền bầu, miễn nhiệm ra các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).

Từ đó, Trương Mỹ Lan quyết định việc bố trí nhân sự lãnh đạo chủ chốt SCB quyết định cá nhân nào là thành viên HĐQT và ai là Chủ tịch HĐQT, cũng như các vị trí lãnh đạo chủ chốt khác tại SCB để thông qua đó bà Lan quyết định điều hành mọi hoạt động của SCB trong đó có hoạt động cho vay rút tiền để bà Lan sử dụng.

Các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt của SCB qua các thời kỳ tuy là người có chức vụ, có trách nhiệm quản lý tài sản tại SCB nhưng lại không phải là người có quyền hạn cao nhất mà chỉ có vai trò thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Đối với Trương Mỹ Lan là người nắm quyền hạn của đại hội cổ đông, là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, điều hành các đối tượng có chức vụ tại SCB thực hiện tội phạm. Trương Mỹ Lan coi SCB như một công cụ tài chính, một nơi cất giữ tiền để bất cứ lúc nào cần tiền sử dụng thì sẽ chỉ đạo rút tiền.

VKS dẫn chứng, tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp là hoàn toàn có căn cứ. Cơ quan tố tụng có đủ căn cứ chứng minh Trương Mỹ Lan sở hữu 65% cổ phần SCB, có quyền chi phối, định đoạt đối gần 30% cổ phần SCB do 5 công ty nước ngoài đứng tên sở hữu. Bằng việc sở hữu, chi phối phần lớn cổ phần SCB nêu trên đã chi phối quyết định, điều hành mọi hoạt động của SCB.

Với các tài liệu chứng cứ thu thập được như đã nêu trên, dù chưa có kết quả tương trợ tư pháp cũng đã có đủ căn cứ chứng minh việc thâu tóm cổ phần, kết luận hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan.

Trương Mỹ Lan thông qua việc thâu tóm cổ phần, nắm quyền biểu quyết của ĐHĐCĐ, cơ quan có quyền hạn cao nhất tại SCB, là người có quyền hạn quyết định nhân sự của HĐQT SCB, Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành mọi hoạt động SCB, lợi dụng quyền hạn của mình chiếm đoạt tiền của SCB.

Theo VKS, thủ đoạn của bị cáo Trương Mỹ Lan là chỉ đạo miệng tất cả mọi việc trong chuỗi hành vi vi phạm tội, không để lại bút tích, bị cáo không đứng tên khoản vay, tài sản, cổ phần, vv... nên bị cáo tin tưởng rằng hành vi phạm tội của bị cáo không thể bị phát hiện và cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý bị cáo. Chính vì vậy, bị cáo Trương Mỹ Lan và luật sư của bị cáo đề nghị đi xác minh người đứng tên chủ tài khoản, đứng tên công ty không phải bị cáo, người thân bị cáo. Tuy nhiên, toàn bộ kết quả điều tra gồm toàn bộ hồ sơ tín dụng, lời khai của tất cả các bị cáo tại SCB, các bị cáo, cá nhân, đối tượng có liên quan thuộc Vạn Thịnh Phát và lời khai của chính bị cáo Trương Mỹ Lan trong quá trình điều tra: các công ty trên thành lập theo chỉ đạo của bị cáo, phục vụ việc giải quỹ rút tiền để bị cáo sử dụng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ cần yêu cầu số tiền cần rút, cán bộ SCB và nhân viên Vạn Thịnh Phát phải phối hợp hợp thức. Nếu không có việc bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập công ty ma, thuê cá nhân đứng tên ký hồ sơ thì cán bộ nhân viên SCB không thể tự lập hồ sơ và giải ngân được. Việc bị cáo Trương Mỹ Lan đổ tội cho cán bộ thì cán bộ nhân viên SCB tự liên hệ yêu cầu các công ty ma, cá nhân đứng tên ký hồ sơ khống thể hiện sự ngoan cố của bị cáo, dám thực hiện hành vi phạm tội bằng nhiều thủ đoạn phương thức tinh vi nhưng không dám nhận trách nhiệm. Qua phiên tòa nhiều bị cáo đã mù quáng nghe theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan đã phải trình bày về sự thất vọng đối với bản chất và thái độ của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Phần xét hỏi công khai tại phiên tòa đã thể hiện rõ: Khi được báo cáo về việc các Chi nhánh bị NHNN TP.HCM kiểm tra theo thẩm quyền, việc tiếp tục hợp thức các khoản vay tại một số chi nhánh lớn là không thể thực hiện được; Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bộ chủ chốt tại SCB phải có phương án tháo gỡ để tiếp tục giải ngân cho vay.

Cơ quan điều tra đã thu thập hồ sơ của 1284 khoản vay khống nêu trên, đều là hồ sơ hợp thức, phần lớn và giải ngân trước, hoàn thiện hồ sơ hoặc vừa giải ngân vừa hoàn thiện hồ sơ.

Đối với phần bào chữa của một luật sư bảo vệ Trương Mỹ Lan nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử thấy đề nghị tử hình một nữ doanh nhân. Đại diện VKS đáp trả sắc lẹm: "Luật sư không biết rằng, chưa bao giờ trong lịch sử có một nữ doanh nhân sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền lớn đến mức không có từ nào để diễn tả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem