Đưa máy vừa cấy lúa vừa dúi phân xuống ruộng, nhiều người kéo đến xem ở Tiền Giang

Dương Phát Thịnh (TTKN QG) Thứ năm, ngày 14/04/2022 18:50 PM (GMT+7)
Vụ Đông Xuân năm 2021-2022, Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Gò Công thực hiện mô hình “Ứng dụng máy cấy/sạ lúa kết hợp vùi phân bón” với qui mô 100 ha/112 hộ nông dân tham gia.
Bình luận 0

Mô hình dùng máy cấy/sạ lúa kết hợp vùi phân bón sử dụng các giống lúa Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, ST24, OM545 với lượng giống gieo sạ 100 kg/ha, phương pháp sạ: sử dụng máy sạ hàng và sử dụng máy cấy. Thời gian sạ/cấy: 01/11-10/11/2021, thu hoạch vào ngày 01/02/2022, thu hoạch dứt điểm vào ngày 10/02/2022.

Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ lúa giống: 40 kg/ha, vật tư nông nghiệp gồm phân bón chậm tan: 160 kg/ha (đầu trâu TE A1 và TE A2), chế phẩm sinh học: 4 kg/ha, thuốc BVTV: 1,6 lít/ha. Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến Nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang tập huấn kỹ thuật sản xuất 3 lần cho các nông dân tham gia. 

Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công cử cán bộ phụ trách chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và theo dõi bám sát mô hình.

Theo đó, nông dân thực hiện mô hình được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật làm đất và vệ sinh đồng ruộng; lượng giống 100 kg/ha, sử dụng máy phun hạt giống, máy cấy, máy sạ hàng kéo tay, rải thưa; sử dụng phân bón đầu trâu TE A1, Đầu trâu TE A2, áp dụng công thức phân bón 68,7 N - 37 P2O- 49 K2O; thực hiện tưới nước ngập-khô xen kẽ; quản lý dịch hại theo IPM, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết, dựa theo dự tính, dự báo của cơ quan chức năng và khuyến cáo của cán bộ trực tiếp tham gia mô hình, hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc có hại cho môi trường, thiên địch và người sử dụng.

Đưa máy vừa cấy lúa vừa dúi phân xuống ruộng, nhiều người kéo đến xem ở Tiền Giang - Ảnh 1.

Máy cấy lúa kết hợp dúi phân được sử dụng trong mô hình ở TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang.


Cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình cho biết, vì mô hình áp dụng gieo sạ thưa nên lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh. Mô hình cho năng suất 7-7,2 tấn/ha, với giá bán 6.200- 6.500 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 26.000.000 đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 6.000.000 đồng/ha.

Việc thực hiện mô hình góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lúa, tăng thu nhập cho bà con nông dân so với sản xuất lúa truyền thống. 

Đặc biệt, mô hình cũng góp phần giải quyết một số hạn chế trong sản xuất lúa nước hiện tại trên địa bàn tỉnh như: hạn chế lúa cỏ, giảm lượng giống gieo sạ, giảm công lao động, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng hóa chất do phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…

Thông qua mô hình nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem