Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP - "chắp cánh" cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn

Minh Anh Thứ sáu, ngày 15/09/2023 10:45 AM (GMT+7)
Nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến đông đảo người tiêu dùng, thời gian qua, Đắk Lắk đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua hình thành hệ thống gian hàng, điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương.
Bình luận 0

Đi vào hoạt động gần 1 năm nay, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP  Núi Xanh Mart  tại số 395 Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột đã trở thành điểm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch. Núi Xanh Mart  hiện có trên 100 sản phẩm OCOP cùng các mặt hàng thực phẩm tươi, khô và rau xanh đạt tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ. Nơi đây được định hướng phát triển trở thành siêu thị đặc sản OCOP, là điểm kết nối giao thương nông sản Việt các tỉnh, thành trong cả nước.

Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP - "chắp cánh" cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 1.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, UBND TP Buôn Ma Thuột thăm quan điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP Núi Xanh Mart

Định kỳ hằng tuần, điểm kết nối tổ chức thêm phiên chợ "Thực phẩm sạch", xây dựng không gian ẩm thực OCOP với nhiều hoạt động đa dạng, thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử, quảng bá trên nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook…

Bà Hoàng Thị Thúy – Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh chia sẻ: "Việc mở điểm đại diện kết nối và trưng bày các sản phẩm nông nghiệp an toàn nhằm quảng bá cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Góp phần giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường".

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 7 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP. Buôn Ma Thuột và đang hoạt động khá hiệu quả. Tại các điểm trưng bày, nhiều mặt hàng, sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu và được khách tham quan, người tiêu dùng quan tâm, như: Cà phê, cacao, tiêu, tinh bột nghệ, trà mãng cầu, trà thảo dược, hạt macca, hạt điều, sầu riêng, bơ, vải thổ cẩm…

Theo nhiều chủ thể, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không chỉ là nơi giao thương, kết nối, đưa sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng mà còn giúp người tiêu dùng hiểu rõ, tin tưởng, giúp sản phẩm giữ vững thị trường, giải quyết khâu tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch gắn với kết nối cung cầu trong và ngoài nước.

Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP - "chắp cánh" cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 2.

"Phiên chợ" các sản phẩm OCOP do Núi Xanh Food tổ chức thu hút đông đảo khách thăm quan, mua sắm

Là một trong những chủ thể có 4 sản phẩm OCOP gồm: Tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong, trà gừng hòa tan, bột sắn dây bày bán tại các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, bà Trần Thị Kim Luyến, hộ kinh doanh đến từ huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi: "Tham gia trưng bày sản phẩm tại các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP đã giúp tôi có cơ hội quảng bá, đưa sản phẩm chất lượng của mình đến gần hơn với người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, thời gian qua, chủ thể OCOP còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ trong việc kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử".

Chị Nguyễn Thị Yên (du khách đến từ TP Hồ Chí Minh) cho hay: "Tôi đến Đắk Lắk tham quan nhiều lần và lần này đã có thể dễ dàng chọn mua sản phẩm OCOP tại điểm trưng bày về làm quà cho gia đình và bạn bè. Tôi thấy gian hàng đa dạng sản phẩm, mẫu mã, bao bì đẹp, đầy đủ các thông tin nên rất yên tâm. Mong rằng Đắk Lắk sẽ có nhiều điểm bán hàng OCOP hơn nữa để du khách thuận tiện tìm mua và lựa chọn".

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, giai đoạn 2022-2025, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan ban ngành tập trung vào khuyến khích, lồng ghép kinh phí để hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố mở rộng và phát triển ít nhất 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Hệ thống các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk được thiết kế và xây dựng theo một bộ nhận diện thống nhất nhằm tạo thương hiệu cho chuỗi hệ thống và sản phẩm OCOP. Đồng thời, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), nhất là đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP - "chắp cánh" cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn - Ảnh 3.

Người dân tham quan, lựa mua sản phẩm tại điểm kết nối và trưng bày sản phẩm nông nghiệp sạch

Việc xây dựng chuỗi hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk nhằm mục tiêu chính là kết nối, giới thiệu, nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; chắp thêm đôi cánh để nông sản đặc trưng của Đắk Lắk có điều kiện khẳng định thương hiệu, vươn xa hơn tới các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định công nhận 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao (19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao), là những sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Cà phê, cacao, hạt macca, hạt điều, tinh bột nghệ, trà mảng cầu…

Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí, nâg cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem