Cần có Luật chính quyền đô thị bao phủ rộng hơn cho đô thị đặc biệt như TP.HCM

Bạch Dương Thứ tư, ngày 08/11/2023 15:48 PM (GMT+7)
Ngày 8/11, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát với UBND TP về thực hiện chủ đề năm 2023 và Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM
Bình luận 0
Cần có Luật chính quyền đô thị bao phủ rộng hơn cho đô thị đặc biệt như TP.HCM - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: H.C

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM đã thực hiện đồng bộ các nội dung trong chủ đề năm 2023 một cách đầy đủ, toàn diện, không có thiên lệch, không buông lơi, buông lỏng lĩnh vực nào với nhiều giải pháp cụ thể cho từng nội dung.

Trong đó, chú trọng từ trách nhiệm công vụ, người đứng đầu, sửa đổi quy chế làm việc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chuyên viên tham mưu trực tiếp và cuối cùng là hiệu quả công việc, động lực làm việc trong đội ngũ công chức dần được khôi phục trở lại.

Về thực hiện Nghị quyết 131 xây dựng chính quyền đô thị sau 3 năm, hệ thống tổ chức bộ máy tiếp tục được hoàn thiện, vận hành ổn định, đội ngũ cán bộ, công chức đã được sắp xếp hợp lý, phù hợp với năng lực và điều kiện địa phương các quận, huyện, TP Thủ Đức…

Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng việc phân cấp, uỷ quyền được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. UBND TP đã ban hành 13 quyết định phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền địa phương cấp cơ sở cũng như các cơ quan cấp TP.

Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục uỷ quyền cho chính quyền địa phương, cấp cơ sở trên tinh thần Nghị quyết 98. Ông cũng cho rằng Nghị quyết 98 là nghị quyết lớn, giúp giải quyết một phần nội dung Nghị quyết 131 nhưng cũng là phục vụ cho hoạt động của chính quyền đô thị TP.HCM. Cụ thể, Nghị quyết 131 chỉ nói về tổ chức bộ máy nhưng Nghị quyết 98 nêu rõ cơ chế vận hành của tổ chức bộ máy trên các lĩnh vực khác nhau.

UBND TP đang chuẩn bị trình chính phủ ban hành Nghị định về phân cấp, quản lý cho chính quyền TP.HCM 12 lĩnh vực với trên 50 nội dung. Qua đó, đề nghị các cơ quan Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ uỷ quyền, phân cấp cho TP.HCM liên quan đến chính quyền đô thị. Đồng thời, cần có Luật về chính quyền đô thị  lớn hơn, bao quát hơn cho đô thị đặc biệt như TP.HCM.

Cần có Luật chính quyền đô thị bao phủ rộng hơn cho đô thị đặc biệt như TP.HCM - Ảnh 3.

TP.HCM đã triển khai chính quyền đô thị được 3 năm. Ảnh: B.H

Theo lãnh đạo Sở Tài chính, ở TP.HCM có khoảng 13.000 địa chỉ nhà, đất công. Thời gian qua, việc thực hiện đề án cho thuê, liên doanh liên kết tài sản công theo Nghị định 151 (quy định chi tiết một số điều trong Luật Quản lý tài sản công) gặp không ít vướng mắc. Mẫu hồ sơ có nhiều mục cần ý kiến của nhiều đơn vị, gây khó khăn trong quá trình lập đề án.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu thực tế, theo Nghị định 93 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM, việc cho thuê tài sản công phải do UBND TP phê duyệt đề án, nên tất cả đề án đều dồn gây áp lực lớn. Do đó cần phải phân cấp ủy quyền cho các đơn vị phê duyệt.

Trước đó, UBND TP cũng từng kiến nghị Trung ương về việc ủy quyền nêu trên nhưng Bộ Tài chính có văn bản phản hồi không có căn cứ pháp lý cho việc ủy quyền. Khi trình đề án phân cấp mới thay cho Nghị định 93, TP đã đưa nội dung phân cấp ủy quyền phê duyệt cho thuê tài sản công vào nội dung đề án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem