Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Không thể chấm dứt hẳn tình trạng cán bộ e dè, sợ sai

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 13/10/2023 15:07 PM (GMT+7)
Ngày 13/10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị. TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) và thực hiện mô hình thành phố trong thành phố.
Bình luận 0
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Không thể chấm dứt hẳn tình trạng cán bộ e dè, sợ sai - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại hội nghị. Ảnh: P.A

Ba năm thực hiện chính quyền đô thị, TP.HCM còn nhiều vướng mắc

Giám đốc Sở Nội vụ TP Huỳnh Thanh Nhân cho hay, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) và thực hiện mô hình thành phố trong TP. Đây chính là cơ hội lớn để TP.HCM phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có.

Phân tích những mặt tích cực, ông Mãi cho rằng từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chính quyền đô thị cho đến nay, có thể khẳng định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, nền công vụ có chuyển biến tích cực.

"Tổ chức bộ máy được tinh gọn, bước đầu khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Đội ngũ cán bộ, công chức chú trọng nâng cao phẩm chất, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tinh thần phục vụ nhân dân", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND TP.HCM đã phát hiện kịp thời các bất cập để chấn chỉnh. Đó là việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa triệt để; bất cập trong việc tổ chức biên chế; các địa phương thiếu sự chủ động ở một số công tác như điều hành ngân sách, đầu tư.

Việc thực hiện quyền làm chủ của người dân khi không tổ chức HĐND quận, phường phải tiếp tục được nghiên cứu. Chính quyền phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe nhân dân và được nhân dân giám sát.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM là phù hợp nhưng cần tiếp tục hoàn thiện. Với những bất cập, UBND TP đã tập hợp đầy đủ nhưng để điều chỉnh theo thẩm quyền. Những nhóm công việc ngoài thẩm quyền, UBND TP.HCM sẽ tích cực đề xuất trung ương nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết 131 và Nghị định 33.

Chủ tịch TP.HCM nói gì về cán bộ e dè, sợ trách nhiệm?

Bên lề hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, mới đây, lãnh đạo TP đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng của các cơ quan thành phố về nội dung nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Trước tình trạng một bộ phận cán bộ còn e dè, sợ sai, Chủ tịch UBND TP thẳng thắn nhìn nhận việc chấm dứt hẳn tình trạng này là không thể. Theo ông Mãi, ngay các nước phát triển, tình trạng này vẫn còn ở tỷ lệ, mức độ nhất định. Vì thế, TP.HCM không thể tránh được. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình đã có những cải thiện.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Không thể chấm dứt hẳn tình trạng cán bộ e dè, sợ sai - Ảnh 3.

Sau 3 năm TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị, vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: V.N

"Nếu không cải thiện, thời gian qua chắc chắn không thể tải được lượng công việc khổng lồ, vừa đối diện khó khăn, vừa nỗ lực vượt qua khó khăn về kinh tế xã hội, nhất là khối lượng công việc rất lớn để cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội", Chủ tịch UBND TP nhìn nhận.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các cấp tập trung xây dựng chính quyền các cấp, cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả; cải cách hành chính. Trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm ở từng cơ quan, xây dựng và triển khai khung năng lực cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết bất cập về biên chế của TP.

Đẩy nhanh xây dựng chính quyền số để đến cuối năm 2025, TP cơ bản chuyển hoạt động nền hành chính lên nền tảng số. Nghiên cứu và triển khai các biện pháp phát huy quyền làm chủ của người dân, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời phát huy tốt vai trò giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu về mô hình chính quyền đô thị tại TP, để chuẩn bị cho tổng kết 5 năm thực hiện, có định hướng triển khai thời gian tới.

"Nói cách khác là TP cần cái áo rộng hơn, phù hợp hơn cho vai trò lớn hơn. Chiếc áo cho một siêu đô thị mà dân số có thể không dừng lại ở 10, 13 triệu người mà có thể là 15, 16 hay 20 triệu dân", ông Mãi nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem