Chuyện đả hổ ở Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Thứ năm, ngày 03/02/2022 10:39 AM (GMT+7)
Chuyện đả hổ nổi tiếng nhất xưa nay, chắc là chuyện "Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương" trong tiểu thuyết Thủy Hử của nhà văn Thi Nại Am (Trung Quốc). Nhưng có điều, tuy nổi tiếng nhưng cũng chỉ là chuyện tiểu thuyết, tức chuyện bịa. Còn có thật hay không, chưa biết.
Bình luận 0
Chuyển đả hổ ở Sài Gòn  - Ảnh 1.

Tượng hổ được trang trí tại đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: H.B.Đ

Vậy ở Sài Gòn có chuyện đánh hổ thật, liệu có đáng tin không? Trước hết, phải xem Sài Gòn xưa có hổ không? Chắc chắn có.

Nhưng có điều, Sài Gòn đã sớm trở thành nơi thị tứ đông đúc, thành thử những loài động vật hoang dã cũng đã phải sớm rút đi để dành chỗ cho con người. Về sau, cũng lai rai có đấy. Và từ vài chục năm nay, luôn luôn có hổ thường trực nằm trong Sở thú.

Nhưng nếu nói về chuyện người đánh nhau với hổ, thì có thể khẳng định rằng ở Sài Gòn từng diễn ra, thậm chí đánh với hổ để biểu diễn cho sứ thần nước ngoài xem luôn mới hãi.

Chuyện vốn thế này, vào thời Sài Gòn còn là Gia Định thành, tức lâu lắm rồi. Vào thời trị vì của vua Gia Long, vị Tổng trấn Gia Định thành bấy giờ là Lê Văn Duyệt.

Chức tổng trấn thời ấy to lắm, coi sóc toàn bộ mọi chuyện ở Nam bộ, quyền hành của Tổng trấn có thể nói là to nhất triều đình thời bấy giờ.

Cho nên, Lê Văn Duyệt muốn được lên chức to như thế, công trạng và uy tín chính trị phải vào dạng lẫy lừng. Điểm lại hành trang của ông có thể kể qua hàng loạt thành tích như: phò tá Gia Long từ thời còn bôn tẩu, cùng Gia Long sang bên Vọng Các (Bangkok, Thái Lan) mài chí phục quốc, tham gia trận hải chiến Thị Nại đánh bại quân Tây Sơn...

Thành thử ông được xếp vào hàng "ngũ hổ tướng" của nhà Nguyễn, cùng với Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu.

Chuyển đả hổ ở Sài Gòn  - Ảnh 2.

Lăng Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), thường được người dân tôn kính gọi bằng Lăng Ông. Ảnh: H.B.Đ

Tuy quyền cao chức trọng, nhưng Lê Văn Duyệt lại không có con, thành thử ông có nhận nuôi một người con là Lê Văn Khôi. 

Căn cứ Tộc phả Bế - Nguyễn, ông tổ đời thứ 9 của Lê Văn Khôi, vốn họ Nguyễn. Đời ông tổ thứ 8 đổi theo Bế (họ mẹ). Đến ông tổ đời thứ 5, vì có công dẹp nhà Mạc nên đời đời tập chức phiên thần, cai quản địa phương và trở thành dòng họ lớn ở Cao Bằng. Đến tháng 9 năm Canh Thân (1740), năm đầu Cảnh Hưng, vua Lê Hiển Tông lại cho đổi làm họ ghép là "Bế - Nguyễn". Cũng theo tộc phả này, Lê Văn Khôi là con trai Bế Kiện.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi: "Năm Gia Long thứ 18 (1819), ở hai trấn Thanh Nghệ và Thanh Bình (nay đổi là Ninh Bình), Thiên Quan (tên phủ, nay đổi là Nho Quan), những lưu dân, thổ phỉ tụ họp nhau làm giặc, quan sở tại không kiềm chế nổi, vua sai tả quân Lê Văn Duyệt tới đó kinh lược. (Khi ấy) Khôi mộ quân lệ thuộc dưới trướng, đánh dẹp thường có công. Duyệt yêu mến dùng làm nanh vuốt".

Trần Trọng Kim cho biết chi tiết:" Lê Văn Khôi, khởi binh làm loạn, bị quan quân đuổi đánh, mới chạy vào Thanh Hóa, gặp Lê Văn Duyệt xin đầu thú. Ông Duyệt tin dùng cho làm con nuôi, đổi tên họ là Lê Văn Khôi, rồi đem về Gia Định cất nhắc cho làm đến Phó vệ úy" (Việt Nam sử lược, tr.445).

Rồi do được làm con nuôi của tổng trấn, nên Lê Văn Khôi cũng được cất nhắc phong chức. Lê Văn Duyệt đương thời làm Tổng trấn Gia Định thành, nên sứ giả các nước lân cận như Xiêm La, Cao Miên, Ai Lao... qua lại rất đông. Sứ giả đến, chuyện tiếp yến, mua vui, sai quyền, đấu võ, ca hát, nhảy múa... không thể thiếu được.

Biết Khôi giỏi võ, nhân sứ thần Xiêm La qua chơi, nên có người thách Khôi đánh nhau với hổ. Nói chơi ai ngờ Khôi làm thật, đánh nhau với hổ để biểu diễn cho sứ Xiêm xem luôn. Sau này, có ông võ sỹ quyền Anh Mike Tyson từng tuyên bố: "Nếu trả đúng tiền, tôi có thể đánh nhau với cả sư tử".

Chuyển đả hổ ở Sài Gòn  - Ảnh 3.

Tranh ngũ hổ Hàng Trống. Ảnh: TL

Chuyện ông võ sỹ tuyên bố như trên, đến nay vẫn chưa thấy đánh, rõ ràng cũng chỉ nói phét cho vui miệng. Còn chuyện Lê Văn Khôi đánh hổ quả thực đã diễn ra.

Từ đấy uy tín Lê Văn Khôi lên cao dữ dội, nhiều người theo về. Đến lúc vua Gia Long băng hà, rồi Lê Văn Duyệt khuất núi... Lê Văn Khôi bèn kéo cả Nam bộ khởi nghĩa chống lại triều đình. Vua Minh Mạng phải mất đến 3 năm mới dẹp được.

Theo sử sách, vua Minh Mạng và tả quân Lê Văn Duyệt vốn có hiềm khích. Minh Mạng tuy ghét nhưng không dám làm gì Lê Văn Duyệt vì công lao và uy quyền quá lớn của ông với triều đình.  Năm 1832, ngay sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng bèn tìm cách giành lại quyền lực của mình ở Gia Định. Vua bãi bỏ chế độ tổng trấn, tất cả đổi là tỉnh, trực thuộc vào triều đình, cắt đặt quan lại vào thay. Trong những quan lại ấy có Nguyễn Văn Quế làm tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm bố chính, Nguyễn Chương Đạt làm án sát.

Chuyển đả hổ ở Sài Gòn  - Ảnh 4.

Hình ảnh Lê Văn Duyệt trên tờ bạc 100 đồng của chế độ VNCH. Ảnh: TL

Ngay khi tới Gia Định, Bạch Xuân Nguyên làm một báo cáo dày trong đó lên danh sách, tìm bằng chứng, rồi buộc Lê Văn Duyệt nhiều tội trong đó có các tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và âm mưu chống triều đình… Nhưng vì ông đã chết nên cho người đánh mộ ông 100 roi. Đồng thời, nhiều thuộc hạ của Lê Văn Duyệt cũng bị bắt, và 16 người nhà của Lê Văn Duyệt bị giết chết.

Những hành động này đã thúc đẩy các thuộc hạ của Lê Văn Duyệt, trong đó có con nuôi ông là Lê Văn Khôi, lo sợ cho số phận của mình, nên dấy binh nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Lê Văn Khôi. (Xem vi.wikipedia.org)

Những người có tham gia, dính líu trong vụ này đều bị cho lên đoạn đầu đài hết, xác gom lại thành một nấm mồ tập thể, mà nay trong sử sách còn gọi là khu vực mả Ngụy, tức nằm gần Công Trường Dân Chủ ngày nay. Riêng Lê Văn Khôi đã chết trước khi khởi nghĩa bị dập tắt, nên thoát nạn, chứ thời ấy mà dính phải cái tội mưu phản thì cầm chắc mấy cái án như voi dày, tứ mã phanh thây hoặc lăng trì tùng xẻo.

Một cách nào đó, tráng sĩ đánh hổ Lê Văn Khôi cũng đã góp phần định vị hình hài của Nam bộ ngày nay.

Nhắc về chuyện này, một số vị thủ cựu cho rằng, Lê Văn Duyệt là một trong "ngũ hổ tướng", mà con nuôi lại đi "đả hổ". Thế chẳng phải là điềm bất tường hay sao? Việc này khác nào "con đi đả cha", làm chuyện trái với đạo trời. Chuyện Lê Văn Khôi phản lại triều đình đã có điềm báo từ trước rồi đấy thôi.

Theo sách Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt của Lê Đình Chân, khi Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn thành Gia Định, một hôm, có sứ thần Xiêm La (Thái Lan) ngồi trên vọng đài xem các võ sĩ ta đấu với hổ. Dân chúng thành Gia Định chen chúc nô nức đến xem. Lệnh của Tả quân là chỉ được bắt sống. Nhưng võ sĩ Lê Văn Khôi gặp con hổ dữ đã bị nó chồm lên và tát ngay vào gáy. Khôi né mình đánh một côn sắt vào hổ, hổ ngã lăn giãy giụa một lúc rồi chết. Sứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi.

Nhưng Tả quân tức giận truyền cho quân sĩ bắt trói chịu tội. Lê Văn Khôi đến trước vọng đài cúi đầu xin tha tội vì đã lỡ giết hổ mà lệnh chỉ bắt sống. Võ sĩ xin đấu lại để chuộc tội, Tả quân bớt giận, truyền lính thả hổ khác cho Khôi bắt sống. Cuộc tỉ thí lần này thật hồi hộp, vờn nhau với hổ dữ, Khôi đã dùng miếng võ hiểm đá vào hàm dưới của hổ bất ngờ. Hổ đau quá, nằm lăn ra. Khôi lấy cuộn thừng giắt trong mình trói lại, trước khán đài xin chuộc tội.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem