Cuộc sống người lao động tật nguyền trong đại dịch Covid-19 (Bài 1): Gánh nặng oằn vai cơm áo gạo tiền

Chinh Hoàng Thứ tư, ngày 10/11/2021 18:34 PM (GMT+7)
Những phận người không may mắn bị tật nguyền từ nhỏ hoặc trải qua biến cố do tại nạn trong cuộc sống gây ra, trong đại dịch Covid-19, khó khăn càng thêm chồng chất.
Bình luận 0

Xóm trọ nằm trong con hẻm nhỏ số 700 đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, TP.HCM có tổng 11 phòng. Những người thuê phòng tại đây đa số là lao động nghèo làm nghề buôn bán tự do. Đặc biệt có nhiều người bị tật nguyền từ nhỏ, thân hình của họ không còn lành lặn, có cả người bị khiếm thị… và nghề để họ kiếm sống là bán vé số, dụng cụ vệ sinh…

Áp lực cơm áo gạo tiền

"Cứ mỗi lần thấy trời đang nắng bỗng dưng đổ mưa là điều khiến tôi cảm thấy sợ hãi và ám ảnh. Bởi sau một lần bị tai nạn nhiều năm về trước, tôi được bác sĩ chẩn đoán tổn thương tủy sống ở hai chân dẫn đến bại liệt nên khi trở trời, vết thương hành đau nhức tôi chỉ biết khóc và cắn răng chịu đựng", anh Quách Văn Nhứt mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt.


Cuộc sống người người lao động bị tật nguyền, khiếm thị sau đại dịch (Bài 1): Gánh nặng đè trên thân hình không lành lặn - Ảnh 1.

Anh Quách Văn Nhứt, lao động tự do với nghề bán vé số. Anh bị tàn tật hai chân và chỉ quanh quẩn bán vé số ở cây xăng cạnh nhà trọ mình sống. Ảnh: Chinh Hoàng.

Anh Nhứt quê gốc ở Trà Vinh. Sau một biến cố tai nạn khiến anh không thể đi lại bằng chính hai chân của mình được nữa, anh quyết định lên TP.HCM mưu sinh bằng nghề bán vé số, tính đến nay đã được 21 năm. Trong căn phòng trọ nhỏ, chật hẹp diện tích chưa đến 15m2 của anh có đến 3 chiếc xe lăn "độ chế", chủ yếu phục vụ cho việc đi lại buôn bán của mình.

Khi chính quyền TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội vì Covid-19, gia đình của anh Nhứt gồm vợ và 2 con (đang học trung học) sống dựa vào nhau qua những phần quà, tiền hỗ trợ của các mạnh thường quân. 

Anh bảo: "Tôi đau ốm thường xuyên, ngoài vết thương ở chân ra, do ngồi nhiều hiện phần mông của tôi bị lở loét và tôi chỉ bán vé số quanh quẩn ở cây xăng gần cạnh nhà trọ. Trước khi chưa có dịch mỗi ngày tôi bán được gần 200 vé và từ khi dịch Covid-19 ập đến nay, từ sáng đến chập tối bán được 50 - 70 vé là may mắn rồi!".


Cuộc sống người người lao động bị tật nguyền, khiếm thị sau đại dịch (Bài 1): Gánh nặng đè trên thân hình không lành lặn - Ảnh 2.

Dãy nhà trọ gồm 11 phòng tại số 700 Tân Kỳ Tân Quý, nơi đây đa số cho người lao động tự do thuê. Đặc biệt phần lớn là những người bị khiếm khuyết. Ảnh: Chinh Hoàng.

Vợ anh Nhứt làm nghề buôn bán tự do (trái cây, nước dừa, hoa quả…) ở các vỉa hè trên khắp các đoạn đường của thành phố. Sáng sớm vợ anh đẩy xe đi chiều tối mới về đến nhà. Thu nhập bình quân của vợ anh Nhứt chỉ hơn 200.000 đồng mỗi ngày và hiện tại với tình hình sức khỏe của anh Nhứt, vợ anh chính là trụ cột chính trong gia đình.

Bởi tiền thuốc giảm đau hàng tháng của anh lên đến gần 6000.000 đồng. Uống nhiều thuốc tây và các loại thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng chai lờn thuốc, anh Nhất chuyển qua dùng liều nặng hơn để giảm nhanh các cơn đau tức thời.

"Có thể tới đây tôi phải nhập viện để mổ vết thương ở chân, tôi chỉ mong sao nhanh chóng lành bệnh để được cùng vợ kiếm tiền nuôi con ăn học là tôi thỏa mãn", anh trãi lòng.

Cũng may là trong nhiều tháng liền không đi làm được do dịch Covid-19, chủ nhà trọ miễn giảm 100% tiền thuê nhà, anh Nhứt chỉ trả tiền điện nước hàng tháng. 

"Những anh em khác họ cũng bị tật nguyền giống như tôi vậy, ai cũng khó khăn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đó là tình hình chung, không phải vì thế mà chúng tôi bỏ cuộc. Khi thành phố "mở cửa" mọi người đều phấn khởi, bởi vì ai cũng cần phải kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình của mình", anh Nhứt chia sẻ.

Phải vô tư vì cuộc sống đã mặc định…

Trên chiếc xe máy "độ chế" dành cho người khuyết tật, anh Trịnh Văn Tài (quê ở tỉnh Đồng Tháp), vô tư cười hồn hậu nói: "Cuộc sống đã mặc định mình là con người bị như vậy thì đành phải chấp nhận thôi. Cũng may trong suốt nhiều tháng liền đối mặt với Covid-19 tôi không nhiễm bệnh. Bị cấm cửa không ra ngoài bán vé số kiếm sống được, trong đỉnh điểm dịch bệnh ai cho gì tôi ăn đó cũng không đến nỗi khó khăn gì".


Cuộc sống người người lao động bị tật nguyền, khiếm thị sau đại dịch (Bài 1): Gánh nặng đè trên thân hình không lành lặn - Ảnh 4.

Anh Trịnh Văn Tài vô tư cười hồn hậu nói: Cuộc sống sỉnh ra mặc định đã như vậy rồi, cho nên chỉ mong hết dịch bệnh để kiếm sống nuôi con nhỏ là vui". Ảnh: Chinh Hoàng.

Anh Tài sống cách anh Nhứt một khu trọ và qua trò chuyện được biết hai người này là bạn bè thân thiết. Lượng vé bán được ngày bình thường của anh Tài nằm trong khoảng hơn 200 vé. Nhưng với tình hình bây giờ anh Tài cũng gặp phải khó khăn, ế ẩm là điều không tránh khỏi.

Ngoài kiếm tiền từ việc đi bán vé số để nuôi sống bản thân, anh Tài còn phải gửi tiền về để phụ cha mẹ già ở quê đang giúp mình chăm sóc đứa con trai nhỏ. Anh kể: "Vợ tôi đã bỏ đi từ năm 2019, giờ tôi sống ở đây một mình. Thi thoảng nghĩ cũng buồn tủi, song con trai nhỏ và cha mẹ chính là động lực lớn giúp tôi bám trụ lại thành phố mưu sinh cho đến bây giờ".

Bà Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1957), Tổ trưởng tổ 138 phụ trách quản lý những người khuyết tật, khiếm thị ở khu vực này cho hay, bình thường những người khuyết tật cuộc sống đã lắm vất vả, nay dịch bệnh họ càng khó hơn khi không ra ngoài được để kiếm tiền. Ngoài những phần quà của mạnh thường quân, bà Thu còn đi xin thêm rau củ quả để hỗ trợ thêm cho gần 80 người khuyết tật, khiếm thị  (nơi bà Thu quản lý) trong những ngày thành phố siết chặt giãn cách vì Covid-19.

"Tôi thấy vui và phấn khởi vì giúp đỡ được cho người tàn tật ngay trong thời điểm dịch bệnh và kể cả hiện tại. Tôi mong cho cuộc sống của anh em ở đây đủ đầy hơn chút nữa mới thấy an lòng được. Phải chứng kiến họ ăn bữa có bữa không, thất nghiệp rồi không có tiền chi trả phí sinh hoạt nhìn xót xa và thương lắm", bà Thu trải lòng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem