Doanh nghiệp “xoay trục” để vượt khó, sẵn sàng tăng tốc khi kinh tế phục hồi

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 30/12/2023 06:56 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh khó khăn của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp phía Nam đã nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng linh hoạt để duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Bình luận 0

Doanh nghiệp chủ động thay đổi để thích ứng khó khăn

Ông Lê Thế Hải, CEO Công ty CP găng tay Bình Phước, cho hay nhu cầu của các thị trường xuất khẩu thời gian qua sụt giảm mạnh, nếu bình thường là 10 phần thì nay chỉ còn 6 phần.

Theo ông Hải, doanh nghiệp của ông xuất khẩu vào thị trường Mỹ là chính, nhưng người Mỹ hiện nay đang giảm chi tiêu tốt đa. Cụ thể, găng tay xuất khẩu sang thị trường Mỹ chủ yếu là để phục vụ ngành hàng nail và sản xuất. 

Với ngành nail thì hiện nay 2-3 tuần người Mỹ mới đi làm một lần (trước đây tuần nào cũng đi), còn sản xuất thì họ cũng tiết giảm 30%-50%, thay vì lúc trước 10 người công nhân thì nay họ còn 6-7 người luân phiên liên tục và khống chế chi phí tới mức tối đa, trước thì sử dụng 2 đôi găng tay/ngày thì nay chỉ còn 1 đôi/ngày.

Doanh nghiệp “xoay trục” để vượt khó, kỳ vọng kinh tế phục hồi - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP găng tay Bình Phước. Ảnh: DNCC

Riêng với thị trường châu Âu thì hiện đang khá suy thoái. Ví dụ như thị trường Anh lúc trước trung bình xuất khẩu được 1 tháng 1 container, nhưng giờ phải đến 6 tháng doanh nghiệp mới xuất được một container.

"Để kịp thời thích ứng, chúng tôi tìm kiếm các thị trường ngách và tiết giảm các chi phí liên quan đến vận chuyển, các chi phí liên quan đến khâu trung gian, quá trình phân phối từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi cũng chia nhỏ đơn hàng ra theo yêu cầu của khách hàng để giúp họ giảm bớt chi phí tài chính quá lớn, có đủ hàng hóa để sử dụng liên tục chứ không phải lưu trữ như trước", ông Hải nói.

Doanh nghiệp “xoay trục” để vượt khó, kỳ vọng kinh tế phục hồi - Ảnh 2.

Các DN phải xoay trục để kịp thời thích ứng và vượt qua những khó khăn. Ảnh: DNCC

Ông Phạm Văn Việt, CEO Việt Thắng Jeans, cho hay thị trường dệt may thời gian qua đã có những tín hiệu ấm dần lên, nhưng bức tranh chung vẫn khó khăn kéo dài, đơn hàng vẫn dưới năng lực sản xuất của các DN.

Bản thân Việt Thắng Jeans trước đây cũng "đánh" vào phân khúc hàng thời trang chất lượng cao để xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU với giá trị xuất khẩu cao hơn. Tuy nhiên, khi kinh tế ở những thị trường này gặp khó, người dân thắt lưng buộc bụng, những mặt hàng thời trang giá cao lại trở thành lực cản, khi xu hướng người dân chi tiêu ít hơn, ưu tiên hàng giá rẻ hơn.

Do đó, Việt Thắng Jeans đã phải "xoay trục", sản xuất hàng giản đơn, bớt đi sự cầu kỳ để cho ra những sản phẩm thời điểm này có giá thành thấp hơn.

"Ngoài thay đổi mẫu mã, DN cũng tìm kiếm những thị trường mới như Canada, Úc... Nhờ đó, đơn hàng của DN cũng cải thiện hơn và DN không phải cắt giảm lao động năm nay", ông Việt chia sẻ.

Tính đến hết tháng 10/2023, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, có tới 44% doanh nghiệp có doanh thu giảm và 50% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm.

Khảo sát cũng ghi nhận có tới 73% doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất; 59% doanh nghiệp đề xuất được giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…

Ở nhóm xây dựng và bất động sản, Xây dựng Hòa Bình (HBC) sau 4 quý liên tiếp "chạm đáy" về doanh thu, doanh nghiệp này liên tục có những cuộc tái cấu trúc, từ nội bộ nhân sự đến chiến lược kinh doanh. Trong đó, một trong những động thái đáng chú ý nhất là việc DN "xoay trục" ra nước ngoài.

Chủ tịch HBC Lê Viết Hải từng nhiều lần khẳng định trong bối cảnh thị trường bị "co hẹp", doanh nghiệp này sẽ ưu tiên mở hướng ra nước ngoài, dù chiến lược này sẽ gặp nhiều thách thức và đòi hỏi sự dài hơi.

Trong diễn biến mới nhất, Hòa Bình thông báo phối hợp với PrimeTech Constructions triển khai dự án Matevulu Sands Hotel and Resorts tại Quốc đảo Vanuatu, do Matevulu Sands Limited là chủ đầu tư. Dự án có tổng giá trị khoảng 42.425 tỷ đồng. Trong đó, HBC sẽ là tổng thầu thiết kế và thi công các hạng mục xây dựng trị giá khoảng 21.219 tỷ đồng.

Kỳ vọng các giải pháp gỡ khó trong năm mới 2024

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 01/NQ-CP 2023. Trong đó, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm là sự đột phá và quyết liệt vào cuộc của các cấp có thẩm quyền trong việc triển khai Nghị quyết đến thực tế đúng với tinh thần, ý nghĩa mà Chính phủ đặt ra.

Tuy nhiên, trên thực tế những diễn biến lại không được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. 

Một cuộc khảo sát mới thực hiện và công bố cuối tháng 10/2023 của HUBA cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn đã làm tăng tồn kho ngoài dự kiến, ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh. Sự kết hợp giữa lực cầu suy yếu, lạm phát cao, gánh nặng nợ tạo nên khó khăn thực sự cho một số doanh nghiệp.

Doanh nghiệp “xoay trục” để vượt khó, kỳ vọng kinh tế phục hồi - Ảnh 5.

Nhiều DN vẫn đang gặp khó vì thiếu đơn hàng. Ảnh: Quốc Hải

"Doanh nghiệp ở một số ngành như vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, gỗ… vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng. Doanh nghiệp thuê đất hàng năm khu công nghiệp không được cấp giấy đất để vay vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp nông nghiệp khó vay vốn, tài sản thế chấp bị đánh giá quá thấp, nên thiếu hụt vốn kinh doanh", ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản hầu hết khó khăn do không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn.

Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công là khó khả thi. Kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản.

"Kỳ vọng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét tháo gỡ bằng cách định giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường; tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được thế chấp tài sản đất thuê hàng năm và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp", đại diện HUBA, kỳ vọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem