Hà Nội giãn cách: Lao động bán hàng online kiếm tiền triệu mỗi ngày

Thùy Anh Thứ ba, ngày 03/08/2021 12:15 PM (GMT+7)
Thực hiện lệnh giãn cách, người dân chỉ được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Một số chợ truyền thống cũng đóng cửa, vì thế nhu cầu mua bán hàng hóa online tăng mạnh, nhất là tại chung cư.
Bình luận 0

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ bán hàng online

Chị Nguyễn Thị Vân (Chung cư Anland Hà Đông, Hà Nội) cho biết, kể từ thời điểm Hà Nội giãn cách phòng dịch Covid-19, người dân bị hạn chế ra ngoài nên họ cũng hạn chế đi chợ. Tuy đã tích trữ hàng hóa cho vài ngày nhưng thực tế vẫn phát sinh nhiều nhu cầu mua sắm nhất là các mặt hành thực phẩm hàng ngày.

"Bình thường, có nhiều người ngày nào cũng đi chợ, giờ thì không thể đi được nên mọi người chọn giải pháp đặt mua online. Rất nhiều người dân sống trong các khu chung cư đặt hàng trong hội nhóm cư dân. Ưu điểm của hình thức này là cư dân không cần ra ngoài, chỉ cần mua hàng online sẽ có người giao hàng tận nhà. Người bán ship tới và treo ở cửa hạn chế tiếp xúc sau đó người mua chuyển khoản", chị Vân nói.

Nắm bắt nhu cầu đó, kể từ thời điểm giãn cách chị đã bán hàng online  với nhiều sản phẩm như: Tôm cá tươi; hoa quả như: Na; mít; táo; sầu riêng....

Hoạt động mua bán hàng online tại chung cư ngày càng nhiều hơn, người mua và người bán đều chấp hành giuwx khoảng cách hoặc tránh tiếp xúc gần. Ảnh: N.T

Hoạt động mua bán hàng online tại chung cư ngày càng nhiều hơn, người mua và người bán đều chấp hành giữ khoảng cách hoặc tránh tiếp xúc gần. Ảnh: N.T

Chỉ trong 2 ngày, chị Vân bán được tới 2 tạ na. Giá na nhập từ Lạng Sơn là 35 nghìn đồng, trừ tiền công, cước vận chuyển, mỗi kg na chị bán có giá là 50 nghìn đồng. Tính ra với 2 tạ na chị lãi được 2 triệu đồng.

"Bình thường tôi làm kế toán, công việc tự do, thu nhập bình quân tháng cũng không dưới 20 triệu đồng, nhưng từ năm ngoái tới nay dịch Covid-19 hoành hành nên công việc ít, thu nhập giảm nhiều, tháng được 4-5 triệu đồng, tháng không", chị Vân chia sẻ.

Chính bởi khó khăn ấy mà chị phải xoay đủ nghề để mưu sinh, giờ chuyển qua bán hàng online. Mùa sen thì bán hoa sen; mùa na bán na, mùa nhãn thì bán nhãn. "Nếu cố gắng, chăm chỉ thì tiền lãi cũng kha khá, mỗi tháng được thêm 8-10 triệu đồng", chị Vân nói.

Tính đến ngày 30/7, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội đã nhận được đăng ký vận chuyển hàng hóa của hơn 15.200 tài xế xe môtô hai bánh. Trong số này, Sở Công Thương gửi danh sách 699 xe, Sở Thông tin và Truyền thông gửi thông tin 14.484 xe. Sở GTVT Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, từ chối 275 xe do biển số không phải là môtô hai bánh, còn 663 xe chờ duyệt.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, chỉ có nhân viên giao hàng của các siêu thị, sàn thương mại điện tử và công ty bưu chính chuyển phát bưu phẩm được cơ quan quản lý đăng ký, có mã QR Code thì mới được phép hoạt động.

Đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ dịch bệnh khi mua bán, giao nhận hàng 

Chị Nguyễn Thị Tâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bình thường công việc buôn bán hoa quả của chị cho thu nhập rất khá. Một tháng kiếm 15-20 triệu đồng không khó. Bởi vì ngoài bán tại sạp hàng ở chợ, chị còn bản sỉ, bán online. Thế nhưng từ ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng hóa về chậm do khó khăn trong quá trình lưu thông. Tiền trong dân cũng không dư giả nhiều nên nhu cầu mua dùng cũng hạn chế.

"Chính bởi vậy, thời gian gần đây tôi tập chung bán sỉ là chính. Tiền lời lãi cũng thấp hơn trước vì chủ yếu bán sỉ, lấy số lượng", chị Tâm nói.

Mặc dù thu nhập của những người bán hàng online khá là tốt, nhưng những nhóm này cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Một số đơn vị giao, nhận hàng và bán hàng online phải xịt khử khuẩn trước khi giao hàng. Ảnh: N. Trang

Một số đơn vị giao, nhận hàng và bán hàng online phải xịt khử khuẩn trước khi giao hàng. Ảnh: N. Trang

Anh Nguyễn Văn Nam - một người bán gà online trong một group của chung cư quận Hoàng Mai cho biết, công việc khá vất vả, ngoài ra còn đối mặt với nhiều nguy cơ. Lý do là bởi phải đi ship quá nhiều, tiếp xúc với nhiều người dân.

"Lo thì có lo nhưng vì miếng cơm manh áo, vẫn phải đi thôi. Vả lại công việc bán hàng online thực phẩm thiết yếu không bị cấm vì thế phải cố gắng. So với việc không có việc làm, không có lương thì việc này còn tốt chán", anh Nam nói.

Cũng theo anh Nam trước đây, khi Hà Nội chưa giãn cách, anh thuê ship chuyển hàng. Thế nhưng bây giờ shipper không được hoạt động nên anh phải tự đi giao nhận. Tính ra, doanh số bán hàng không giảm đi thậm chí còn tăng lên (từ 10-15%, mỗi ngày được 1 triệu -1,2 triệu đồng) chỉ có điều nguy cơ bị lây bệnh cũng cao hơn vì thời gian qua tại các chợ đầu mối của Hà Nội ghi nhận khá nhiều ca dương tính với virus Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Mai (chung cư FLC Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: cũng may chị ở chung cư nên việc mua hàng online khá thuận lợi. Chị chỉ cần đặt hàng có người ship qua, treo ở cửa sau đó nhắn và chuyển khoản. Hàng hóa sau khi nhận chị sẽ phun xịt khuẩn trước khi cầm. Gần như mọi quá trình giao dịch không xảy ra tiếp xúc gần, vì thế giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tật.

"Thật may là quá trình mua bán lương thực, thực phẩm thiết yếu không hề khó khăn, vì thế dù giãn cách người dân chúng tôi vẫn có đủ đồ dùng và cảm thấy rất yên tâm khi thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19", chị Mai nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem