Hôn mê vì chủ quan không theo dõi đường huyết

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 16/09/2022 12:05 PM (GMT+7)
Đường huyết là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, một số bệnh nhân đã không theo dõi chỉ số đường huyết nên đã dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Bình luận 0
Hôn mê vì chủ quan không theo dõi đường huyết - Ảnh 1.

Bác sĩ đang tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM mới tiếp nhận trường hợp người bệnh L.M.H (65 tuổi, ngụ tại Bình Tân) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Theo thông tin từ người nhà, bà H. mắc bệnh đái tháo đường típ 2 và tiến hành điều trị từ đầu năm 2021.

Thời gian gần đây, bà H. thường xuyên có các biểu hiện như hồi hộp, khó thở, chân tay run, vã mồ hôi,... Tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sau khi đánh giá sức khỏe tổng thể, bác sĩ xác định nguyên nhân hôn mê của bà H. là do hạ đường huyết. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị song song phục hồi chức năng, bà H. và người thân đã được hướng dẫn phương pháp tự theo dõi đường huyết tại nhà.

ThS BS. Trần Viết Thắng - Phó trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với người bệnh. Bằng cách tự theo dõi và kiểm soát đường huyết ở mức ổn định, người bệnh vừa có thể tránh được biến chứng vừa nâng cao hiệu quả điều trị và phục hồi.

Khi chỉ số phản ánh lượng đường trung bình trong máu (HbA1C) giảm được 1% thì tỷ lệ nguy cơ tử vong do đái tháo đường giảm 21%; Nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ giảm 37%; Nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 14%. Song song đó, thói quen này còn giúp người bệnh phát hiện sớm và có cách xử trí phù hợp khi rơi vào tình trạng hạ đường huyết.

Theo ThS BS. Trần Viết Thắng, muốn kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần tuân thủ cũng như có sự phối hợp giữa chế độ ăn uống, vận động thể lực và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là duy trì thói quen tự theo dõi đường huyết mỗi ngày.

Tần suất đo đường huyết mỗi ngày tùy thuộc vào loại bệnh (típ 1, típ 2, thai kỳ), tình trạng người bệnh, tình trạng mức đường huyết mục tiêu, phác đồ điều trị của bác sĩ hoặc tùy thuộc vào điều kiện của người bệnh mà bác sĩ có thể đề xuất cho người bệnh số lần theo dõi đường huyết thích hợp. Trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng hạ đường huyết, bị bệnh, chấn thương hoặc thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, người bệnh đái tháo đường nên tăng số lần thử đường huyết.

Song song với tần suất, thời điểm đo đường huyết cũng là một phần quan trọng ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả đo. ThS BS. Trần Viết Thắng cho biết có 4 thời điểm chính bao gồm: Đo đường huyết đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); Đo đường huyết sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều); Trước khi ngủ; Trước hoặc sau khi tập thể dục.

Người bệnh đái tháo đường cần giữ đường huyết ở mức ổn định. Chỉ số HbA1C mục tiêu là 7.0% (có thể thay đổi tùy theo đặc điểm của người bệnh). Trong đó, đường huyết trước ăn dao động từ 4.0 - 7.0 mmol/l và dưới 10 mmol/l thời điểm 2 giờ sau ăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem