Tỏa sáng di sản nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

Lê Giang Thứ bảy, ngày 09/12/2023 08:08 AM (GMT+7)
Tối 8/12, tại Công viên 23/9 (quận 1), TP.HCM đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO chính thức vinh danh loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5/12/2013 – 05/12/2023).
Bình luận 0
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Di sản tỏa sáng - Ảnh 1.

Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng, với 3 chương: chương 1 Mối tơ duyên - khắc họa khởi nguồn hình thành nên loại hình đờn ca tài tử, chương 2 Hội tụ thăng hoa - thể hiện sức sống của đờn ca tài tử trong đời sống của người dân Nam bộ và chương 3 Di sản tỏa sáng - phản ánh sức lan tỏa của đờn ca tài tử trong lòng đô thị hiện đại và nhịp sống xã hội hôm nay, khắc họa rõ nét quá trình hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử Nam bộ từ cuối thế kỷ 19 đến ngày nay. Ảnh: LG.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Di sản tỏa sáng - Ảnh 2.

Trong quá trình khẩn hoang và hình thành vùng đồng bằng Nam bộ, cư dân nơi đây đã sáng tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật dân gian hàm chứa những giá trị độc đáo và quý báu. Trong đó, phải kể đến Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: LG.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Di sản tỏa sáng - Ảnh 3.

Trải qua hơn 100 năm định hình và phát triển, di sản đờn ca tài tử được nhiều thế hệ nghệ nhân dày công vun đắp, sáng tạo ra nhiều trình thức hòa tấu, nhiều dạng thức sinh hoạt, sáng tác và cải biên hàng trăm làn điệu, biên soạn vô số lời ca mới thấm đậm tình người, tình đất phương Nam… Tất cả góp phần giúp cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này khẳng định vị thế và sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng. Đến nay, đờn ca tài tử Nam bộ vẫn được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi trên khắp 21 tỉnh/thành phố từ Ninh Thuận cho đến Mũi Cà Mau. Ảnh: LG.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Di sản tỏa sáng - Ảnh 4.

Đờn ca tài tử hôm nay không chỉ được bảo tồn và phát huy ở vùng nông thôn mà còn được lưu giữ cả trong môi trường đô thị hiện đại như ở TP.HCM. Loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh này vẫn ngự trị ở mọi không gian sinh hoạt cộng đồng: từ làng quê, cánh đồng, cho đến nhà máy, công trường, trường học, khu du lịch sinh thái và đặc biệt vẫn phổ biến và thăng hoa ở Thành phố mang tên Bác. Ảnh: LG.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Di sản tỏa sáng - Ảnh 5.

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản tỏa sáng”. Ảnh: LG.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Di sản tỏa sáng - Ảnh 6.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM tặng khen thưởng động viên các tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, tại chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng”. Ảnh: LG.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Di sản tỏa sáng - Ảnh 7.

Trước đó, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ TP.HCM giải “Hoa sen vàng” lần thứ VI diễn ra 4/12 - 7/12 là sự kiện văn hóa vô cùng ý nghĩa, được diễn ra định kỳ hai năm/1 lần nhằm góp phần bảo tồn, phát huy và tạo điều kiện lan tỏa sâu rộng giá trị độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử. Liên hoan cũng nhằm mục đích biểu dương, tôn vinh các nghệ nhân, các tài tử đờn, tài tử ca đang sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho phong trào hoạt động đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: LG.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Di sản tỏa sáng - Ảnh 8.

Tại liên hoan lần này, ban tổ chức chia ra hai bảng thi. Bảng A gồm 22 đội văn nghệ khối phong trào thuộc thành phố Thủ Đức và các quận/huyện tham gia tranh tài; được tổ chức tại 2 cụm tại thành phố Thủ Đức và quận 10. Trong khi đó, bảng B có gần 100 tiết mục dành cho thí sinh tự do. Các thí sinh sẽ thi diễn tại Trung tâm Văn hóa TP.HCM, quận 1. Theo đó, công chúng khán giả đã có những cảm xúc lắng đọng khi thưởng thức những thanh âm ngọt ngào của loại hình nghệ thuật đã được thế giới vinh danh. Ảnh: LG.

Đưa đờn ca tài tử đồng hành cùng khai thác du lịch tại TP.HCM

Tại hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn TP.HCM" diễn ra ngày 8/12 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - nhánh TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam cho biết, TP.HCM là nơi giao thoa, hội tụ và lan tỏa văn hóa đặc trưng phương Nam, đồng thời là địa phương thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa, thành phố cũng là nơi tập trung đông đảo nhân lực đờn ca tài tử. Việc đưa đờn ca tài tử khai thác du lịch không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch thành phố mà còn phát huy giá trị, duy trì sức sống và gìn giữ di sản này.

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị phù hợp để bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử. Trong đó, ý kiến cần mở rộng không gian và thời gian biểu diễn đờn ca tài tử. Đồng thời, việc đào tạo và phát triển đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng biểu diễn và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật này là yêu cầu cấp bách.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem