Nghệ thuật bình dân
Ðờn ca tài tử (ÐCTT) được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Bộ môn nghệ thuật này từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Dẫu thế, nó cũng khó nằm ngoài sức cạnh tranh khốc liệt giữa vô vàn những bộ môn nghệ thuật giải trí khác đang biến hoá mỗi ngày để tìm cho mình chỗ đứng giữa sự đào thải của thị trường. Vậy điều gì sẽ tạo vị thế cho ÐCTT trụ lại và cắm rễ giữa thời đại 4.0 bên cạnh sự giang tay hỗ trợ giúp đỡ của các cơ quan chức năng?
Sức sống của ÐCTT vẫn nằm trong hai chữ “bình dân”. Bởi nó vốn là loại hình nghệ thuật dân gian được sinh ra và nuôi dưỡng từ nếp sống bình dị của những người dân chân chất, mộc mạc. Ca từ của những bài ca đều gắn liền với nếp sinh hoạt của con người, thể hiện tình yêu đôi lứa, ca ngợi tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước… Nó được cất lên từ tất cả mọi người thuộc những thành phần khác nhau của xã hội, không phân biệt giàu nghèo, chỉ cần chỗ nào thuận tiện là hát, không câu nệ sân khấu hay khán giả, vì chính người hát, người đờn, người quây quần cùng đã là khán giả của chính họ.
Từ nhỏ được nghe cha mẹ, nghe ông bà, cô chú ngân nga những bài bản như Tứ đại oán (nhịp 4), Tình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang... trong những buổi gặt lúa, những lúc giăng câu hay những buổi đám tiệc lớn nhỏ ở khắp ấp, khóm, xã, phường… mà trong mỗi người dân Nam Bộ đã hình thành cái chất tài tử và niềm đam mê bất tận. Chị Châu Ngọc Nhường, tài tử Câu lạc bộ ÐCTT Cà Mau, tâm sự: “Ngoài nội trợ, tôi đã theo đuổi niềm đam mê này được 10 năm. Bộ môn này giống liều thuốc giải đi cơn mệt nhọc sau những giờ làm việc căng thẳng. Trong sinh hoạt hàng ngày, mọi lúc mọi nơi tôi đều có thể hát. Tôi không biết nó đã ăn sâu vào máu thịt mình từ khi nào. Ngày xưa, cứ nghe mấy cô chú hàng xóm hát, hay nghe qua băng đĩa… là tôi cứ ngân nga theo, bắt chước hát riết cũng thành hình thành dạng. Biết là trong thời đại 4.0 này có nhiều bộ môn nghệ thuật nhưng tôi khẳng định, không có gì làm mai một được ÐCTT vì nó đã thấm vào tâm thức người dân, tâm trí của mỗi tài tử”.
Không chỉ song hành với quá trình phát triển của lịch sử và tiến trình xây dựng văn hoá của người dân, ÐCTT còn tồn tại và chứa đựng những câu chuyện khác nhau phản ánh nhiều mặt trong đời sống, những giá trị thiết thực về tinh thần cho con người. Phải khẳng định, những gì là một phần của máu thịt thì chúng ta khó lòng chối bỏ và muốn gắn bó hơn mỗi ngày. Tài tử Nguyễn Ðức An, Câu lạc bộ ÐCTT tỉnh Cà Mau, tâm sự: “Niềm đam mê có sẵn từ nhỏ. Sau khi trưởng thành và theo đuổi con đường học vấn, tôi gặp lại những cô chú tiếp tục truyền lửa cho tôi với bộ môn này. Tôi có thời gian trau dồi, học hỏi. Nếu lửa đam mê mà truyền được đến thế hệ trẻ như chúng tôi thì ÐCTT mới có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các loại hình giải trí của thời đại mới. Cá nhân tôi nghĩ, đổi mới và cải cách không phải là vấn đề quá lớn với bộ môn này vì nguồn cội cơ bản đã có ông cha ta dựng lên từ trước, còn chúng ta chỉ việc kế thừa và phát huy thôi”.
Ðúng là nghệ thuật bình dân thì nên dựa vào Nhân dân, dựa và cái đời, cái chất mộc nhất làm nên bản sắc của nó mà sinh tồn. Ðiều đó có nghĩa là ÐCTT ở giai đoạn này cần nguồn lực sáng tác mạnh mẽ hơn để cho ra đời những bài ca mới, tránh tình trạng nghe đi nghe lại những câu hát đã quá cũ và nhàm chán. Bên cạnh đó, các tài tử cũng chú trọng trau dồi giọng hát, cách hát, kỹ thuật hát, học thêm những kỹ năng khác kèm với hát, như đàn tấu, biểu diễn sân khấu…
Chị Ðặng Thị Thu Huyền, tài tử thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh Sóc Trăng, trăn trở: “Mỗi lần các tài tử xuất hiện trên sân khấu biểu diễn, khán giả vẫn mê lắm chứ. Nhưng họ cần nghe hát những bài bản mới. Một bài cũ mà nghe đi nghe lại sẽ chán. Nhưng cũng lớp lang đó, khán giả được thưởng thức những lời bài hát nói lên những khía cạnh của cuộc sống, những vấn đề nóng hổi trong xã hội... giúp họ trút bớt những căng thẳng, áp lực cuộc sống làm họ bớt mệt mỏi đầu óc thì ai lại không thích nghe, giải trí tinh thần như thế vừa bổ ích vừa đẹp, nhẹ nhàng tâm hồn. Bên cạnh đó, người tài tử cũng nên học thêm cách hát, luyến láy nhả chữ sao cho duyên dáng, ngọt ngào… Tự bản thân mình làm mới mình cũng chính là cách thiết thực nhất làm bộ môn mà mình yêu sống hoài với người mộ điệu”.
Trẻ hóa thế hệ tài tử
ÐCTT cần thế hệ kế thừa, hay nói nôm na là trẻ hoá chính những nhân tố trong bộ môn nghệ thuật này. Nó không phải là điều quá viển vông nếu chúng ta biết cách làm. Chính trong những gia đình của các tài tử đã có sẵn những thế hệ kế thừa đầy tài năng và tâm huyết. Không gì bằng cha truyền con nối, nghề dạy nghề. Chỉ khi có được nguồn lực trẻ tiếp tục sáng tạo và phát huy ÐCTT thì mới tiếp tục tạo ra một số lượng khán giả trẻ đến với bộ môn nghệ thuật này.
Anh Phạm Văn Ðồng, tài tử ở Câu lạc bộ ÐCTT huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu, cho biết, anh có cậu con trai 7 tuổi là Phạm Gia Bảo, hiện là tài tử nhí đi biểu diễn cùng mình khắp mọi nơi. “Con trai nghe cha ca hát nên mê luôn. Thấy con bập bẹ hát theo, tôi mừng và dạy cho con hát theo bài bản. Hiện tại có nhiều nơi mời hai cha con đi biểu diễn cùng, cha có khán giả lớn, con cũng có khán giả nhí. Các bé khi thấy con tôi hát thì nhìn rất ngưỡng mộ. Nhiều bé còn nói phụ huynh hỏi chỗ học ở đâu để có thể hát được như con tôi”, anh Ðồng chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc đào tạo thêm thế hệ các nghệ sĩ trẻ cũng là vấn đề cần đặt nặng để trẻ hoá lực lượng ÐCTT. Việc đãi cát tìm vàng sẽ bắt đầu từ những cuộc thi địa phương hay những kỳ liên hoan ÐCTT từng khu vực để xây dựng lực lượng kế thừa các bậc đi trước và phổ biến bộ môn nghệ thuật này.
Chị Ðặng Thị Thu Huyền, tài tử thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Ở địa phương tôi có các câu lạc bộ ÐCTT cấp huyện, cấp tỉnh… Từ đó, có thể phát hiện và tìm kiếm những tài năng để bổ sung cho lực lượng tỉnh nhà. Thế hệ tài tử trẻ được đi học để nâng cao nhiều kỹ năng ca diễn và cọ xát ở các cuộc thi, các kỳ liên hoan. Chẳng hạn như tôi, cũng là một nhân tố được phát hiện từ các câu lạc bộ và nhờ được đào tạo chuyên sâu nên mới có được những thành tích tốt như hiện tại”.
Ngoài ra, để nghệ thuật ÐCTT có chiều rộng, chiều sâu, nhiều tỉnh đã phát triển bộ môn này ngay trong môi trường học đường. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức đưa ÐCTT vào giới thiệu ở các trường học để các em học sinh tiếp cận, làm quen và tìm hiểu thêm giá trị di sản văn hoá mà ông cha đã để lại. Ðã 3 năm nay kế hoạch được triển khai, đưa ÐCTT vào các trường học. Các trường sẽ có những buổi ngoại khoá, các nghệ nhân sẽ trình diễn, giới thiệu, thuyết minh, tập cho các em có những kỹ năng ban đầu để hiểu biết được ÐCTT là gì và vun bồi tình yêu; nếu có năng khiếu, các em sẽ được đào tạo lâu dài. Song song đó, tỉnh Cà Mau cũng có kế hoạch bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể ÐCTT, tổ chức các lớp tập huấn tại Trung tâm Văn hoá, có câu lạc bộ ÐCTT sinh hoạt thường kỳ. Ðây chính là nơi để các em, các cháu yêu thích ÐCTT học tập và nâng cao khả năng, đưa ÐCTT lan rộng trong đời sống sinh hoạt của mọi tầng lớp Nhân dân, phục vụ cho đời sống tinh thần của Nhân dân”.
Giữa thời đại 4.0, có những bộ môn nghệ thuật âm thầm mất đi sự sống, nhưng ÐCTT thì không. Nó chỉ có thể mất sức hút tạm thời nhưng vẫn sống bền bỉ khi biết dựa vào cái gốc và giá trị độc nhất vô nhị của chính mình, đó là Nhân dân.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.
Vượt qua 4 ứng viên sáng giá trong Top 5, mỹ nhân tóc vàng Đan Mạch Victoria Kjær Theilvig đã xuất sắc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe 2024.