Người phụ nữ không ngại khó khăn làm việc nghĩa

Thứ tư, ngày 06/07/2022 06:30 AM (GMT+7)
Chị cũng là phụ nữ như bao người phụ nữ khác, cũng có một mái ấm, cũng chắt chiu từng đồng tiền bát gạo để lo cho cuộc sống.
Bình luận 0

Thế nhưng, với cái tâm làm việc nghĩa, hơn 10 năm qua, chị không quản ngại khó khăn, miệt mài thực hiện nghĩa cử cao đẹp - dành trọn tâm huyết tri ân các anh hùng liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ... Chị là Lê Thị Tâm, quê ở xã Thạch Đồng (Thanh Thủy, Phú Thọ), hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh Phú Thọ, Chi hội trưởng Chi hội HTGĐLS huyện Thanh Thủy.

Vượt hơn 2.000 cây số đưa hài cốt liệt sĩ về quê

Những lần tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (HCLS) đã mang đến cho chị Tâm nhiều kỷ niệm khó quên. Vào giữa mùa thu năm 2018, chị cùng gia đình liệt sĩ Trần Văn Bình ở xã Tân Phương (Thanh Thủy, Phú Thọ) vào Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc (Tịnh Biên, An Giang) đón HCLS trở về quê mẹ. Đồng chí Trần Văn Bình nhập ngũ năm 1967 và hy sinh nơi biên giới Việt Nam - Campuchia sau 3 năm tham gia chiến đấu. Năm ấy, mẹ anh đã 96 tuổi, cái tuổi "như chuối chín cây" nhưng vẫn ngóng đợi, trông chờ con trai trở về.

Chặng đường hơn 2.000 cây số đầy gian nan, vất vả bắt đầu từ Phú Thọ, cuối cùng cũng đã đưa chị Tâm và hai người thân của liệt sĩ vào tới Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc. Trời về khuya vắng lặng, xung quanh chỉ có tiếng côn trùng kêu râm ran. Nhìn qua khe cửa cổng chính nghĩa trang, dưới bóng đèn điện mờ, hiện lên lớp lớp hàng bia mộ màu trắng của các liệt sĩ đang yên nghỉ. Chị gọi bác quản trang và được bác sắp xếp cho chỗ ngồi nghỉ.

Tựa lưng vào tường nhà, đôi mắt chị trĩu nặng muốn ngủ nhưng bụng thì cồn cào, trống rỗng vì đói và khát. Lúc ấy, chị nghĩ và mường tượng về cảnh các anh lúc chiến tranh vào sinh ra tử, vượt suối băng đèo, không chỉ hy sinh vì đạn bom của giặc mà còn mất mát bởi đói khát, sốt rét... Các anh hy sinh để đất nước được yên bình như hôm nay, vậy thì chị đi đón các anh trở về có vất vả một chút đâu có sá gì?

Người phụ nữ không ngại khó khăn làm việc nghĩa - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Tâm cùng các cựu chiến binh thắp hương viếng liệt sĩ.

Sớm hôm sau, chị xuất trình giấy tờ để đón HCLS. Thế nhưng, sau khi làm việc với quản trang mới biết, ngôi mộ của anh Bình được chuyển về nghĩa trang này là do cơ quan chức năng Quân khu 9 quy tập, chưa bàn giao giấy tờ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nên cơ quan này chưa đưa vào danh sách của quản trang.

Vậy là chị cùng mọi người lại đi tiếp chặng đường 70km trở về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang để hoàn thiện thủ tục nhưng gặp khó khăn, lại quay về Phòng Chính sách, Quân khu 9 để trình bày, tháo gỡ. Tại đây, một đồng chí cán bộ chính sách đã nhiệt tình giúp đỡ mọi thủ tục giấy tờ. Khi cầm trên tay tờ quyết định cho di chuyển HCLS về quê thì lòng chị mới nhẹ nhõm. Chiếc xe lại lao đi trong bụi đường để kịp giờ cất bốc HCLS.

Gần 13 giờ, xe về lại nghĩa trang, các thủ tục được tiến hành nhanh gọn, đến hơn 15 giờ cùng ngày, mọi việc đã xong xuôi để khởi hành ra Bắc. Bấy giờ, trời đổ mưa trắng xóa mặt đường, đứng trên con phà giữa sóng nước mênh mông, tâm trạng chị vui mừng khôn xiết. Vậy là liệt sĩ Trần Văn Bình, sau 47 năm đã được trở về quê hương, về với mẹ già đang đêm ngày mong mỏi.

Hành trình không ngơi nghỉ...

Công việc tìm kiếm HCLS và hoạt động tri ân liệt sĩ đến với chị Tâm khi chị cùng gia đình lăn lộn vào những nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh phía Nam, tìm kiếm phần mộ người anh trai là liệt sĩ Lê Hồng Khôi. Anh Khôi hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ ngày anh Khôi hy sinh, gia đình chỉ nhận được tờ giấy báo tử với thông tin ngắn ngủi: "Hy sinh tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang gần mặt trận...". Nỗi khát khao bao năm muốn biết thông tin về nơi anh trai mình ngã xuống như thúc giục chị sớm vào tìm anh.

Từ năm 2008 đến nay, chị nhiều lần đến các chiến trường xưa để tìm kiếm, nhưng đáng tiếc là thông tin về nơi yên nghỉ của anh trai chị vẫn mông lung, chỉ biết nơi anh hy sinh là tại huyện Quế Sơn (Quảng Nam), còn hài cốt anh nằm ở đâu, gia đình chị vẫn đang hy vọng trông chờ vào kết quả tìm kiếm của cơ quan chức năng các cấp.

Nỗi niềm thôi thúc tìm HCLS anh trai khiến chị đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Chị quyết tâm tham gia công việc tìm kiếm HCLS nhằm giúp đỡ những gia đình đang ngày đêm khao khát tìm thấy hài cốt người thân đã hy sinh.

Năm 2010, chị cùng Đội CCB tình nguyện của tỉnh Bình Phước len lỏi khắp các cánh rừng, khe suối, ròng rã suốt 8 tháng trời tìm được 8 ngôi mộ liệt sĩ từ thông tin mà nhân dân và các CCB cung cấp. Trong suốt hành trình, tới đâu chị cũng xin xác nhận của các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan. Bởi không ít người lợi dụng việc đi tìm HCLS để lừa đảo và trục lợi, thậm chí còn có người chưa hiểu đúng về việc làm của chị.

Năm 2012, Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ ra đời, chị rất phấn khởi, vì đây là một tổ chức xã hội tri ân liệt sĩ có đầy đủ tư cách pháp nhân, có tôn chỉ, mục đích, quy chế rõ ràng, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt điều lệ và nhân sự lãnh đạo hội. Chị làm đơn tình nguyện xin gia nhập hội và được kết nạp ngay sau đó. Bằng những việc đã làm trong hành trình tri ân liệt sĩ, cùng với sự nhiệt thành, tận tâm, khéo léo vận động, chị đã hội tụ được hơn 30 anh chị em tham gia chi hội, trong đó phần lớn là CCB. Tại Đại hội lần thứ II, Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ, chị được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ.

Hơn 10 năm hành trình tri ân liệt sĩ, chị đã đi tới gần 400 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước và cùng Chi hội huyện Thanh Thủy có 9 chuyến đi thăm viếng nghĩa trang và tìm mộ liệt sĩ. Khi chứng kiến rất nhiều ngôi mộ còn thiếu, sai lệch thông tin hay những HCLS chưa được quy tập, hoặc đã được quy tập nhưng chưa có danh tính, chị đều chụp hình từng ngôi mộ, ghi chép thông tin liệt sĩ của huyện nhà và tỉnh Phú Thọ vào cuốn sổ tay, hy vọng sau này có thể cung cấp cho những gia đình liệt sĩ ấy.

Trong hành trình tìm kiếm liệt sĩ, chị đã thu thập được gần 2.000 thông tin về liệt sĩ quê ở Phú Thọ, góp phần cùng với Hội HTGĐLS tỉnh cung cấp cho gia đình liệt sĩ; tư vấn, hướng dẫn về thủ tục và hỗ trợ 26 gia đình đưa HCLS về quê an táng; hoặc lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN. Trong đó, 16 lần chị trực tiếp đi cùng gia đình liệt sĩ vào tận nghĩa trang liệt sĩ phía Nam để cất bốc HCLS và đưa về quê an táng. Chị dùng xe ô tô của gia đình hỗ trợ miễn phí nhiều chuyến đưa HCLS về quê và đưa gia đình liệt sĩ vào nghĩa trang lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN.

Ngoài việc trực tiếp đi tìm HCLS, thì khi nhiều gia đình đưa HCLS về quê, chị cùng với chi hội đến thăm viếng và vận động đội nhạc hiếu phục vụ miễn phí. Khi có cha mẹ của liệt sĩ qua đời, chị và các hội viên đều đến phúng viếng, động viên, chia sẻ với gia đình. Vào những ngày lễ, Tết, chị cùng chi hội tổ chức tuyên truyền, vận động, kêu gọi ủng hộ để trao quà, sổ tiết kiệm tặng các gia đình liệt sĩ, người có công và ủng hộ hoạt động chung của Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ. Trong đó, gia đình chị đã hỗ trợ hơn 200 triệu đồng cho các gia đình liệt sĩ đi tìm kiếm, di chuyển hài cốt và các hoạt động tri ân liệt sĩ.

Ghi nhận tấm lòng của chị Tâm, nhiều gia đình liệt sĩ đã có thư cảm ơn tới chị và chi hội. Cá nhân chị được tặng bằng khen của Hội HTGĐLS Việt Nam, giấy khen của Hội HTGĐLS tỉnh Phú Thọ vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động tri ân và xây dựng tổ chức hội. Ngoài ra, chị còn được nhận bằng khen, giấy khen của Hội CCB, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bù Đăng (Bình Phước); Bảng Vàng ghi công của Hội CCB huyện Bù Gia Mập (Bình Phước)...

Hơn 10 năm qua, chị Lê Thị Tâm đã dành nhiều tâm huyết, công sức, tiền bạc, phương tiện cho một nghĩa cử cao đẹp. Chị Tâm đã hành động đúng như tên mà bố mẹ đặt cho mình!

* Bài có sự biên tập ở title


HOÀNG QUÝ LÊ (Theo QĐND) (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem