Nhu cầu nhà trọ ở TP.HCM rất lớn, vì sao DN “ngó lơ” với nhà ở xã hội chỉ để cho thuê?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 04/07/2023 12:10 PM (GMT+7)
Theo HoREA, các doanh nghiệp tư nhân không “mặn mà” làm nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, do thời gian thu hồi vốn quá lâu, khoảng 20 năm và lợi nhuận thấp. Thêm vào đó, các chính sách để hỗ trợ cho DN đầu tư phân khúc này vẫn chưa được khơi thông.
Bình luận 0

Góp ý bổ sung một số quy định về chính sách nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, dù nhu cầu thuê trọ ở TP.HCM rất lớn nhưng DN tư nhân lại "ngó lơ" với phân khúc "nhà ở xã hội chỉ để cho thuê" bởi chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để khuyến khích đầu tư.

Nhu cầu thuê trọ ở TP.HCM rất lớn nhưng vì sao DN “ngó lơ” với nhà ở xã hội chỉ để cho thuê? - Ảnh 1.

Nhu cầu thuê trọ của công nhân, người lao động ở TP.HCM hiện đang rất lớn. Ảnh: P.Uyên

Doanh nghiệp không "mặn mà", vì sao?

Theo HoREA, tại TP.HCM hiện có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 285.000 công nhân, lao động. Con số này chưa bao gồm nhiều DN lớn nằm ngoài khu công nghiệp nhưng có quy mô rất lớn, như Công ty Giày Pou Yuen (quận Bình Tân) hiện có trên 50.000 công nhân (lúc cao điểm có đến hơn 80.000 công nhân), trong đó có khoảng 80% công nhân lao động nhập cư đang thuê phòng trọ.

Tuy nhiên, thành phố hiện có khoảng 60.470 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động (chưa bao gồm các hộ gia đình dành một vài phòng cho thuê), đã đặt ra yêu cầu cần phải phát triển nhiều nhà ở xã hội cho thuê trong những năm sắp tới.

Song, trên thực tế hiện có rất ít doanh nghiệp tư nhân làm nhà ở xã hội cho thuê, hiếm hoi như Công ty Lê Thành đã thực hiện Dự án nhà ở xã hội Lê Thành - An Lạc, quận Bình Tân với 930 căn hộ nhà ở xã hội chỉ để cho thuê có diện tích từ 35-40 m2/căn.

Hoặc Công ty Thiên Phát đã thực hiện dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức (giai đoạn 1) với 2.500 chỗ thuê phục vụ công nhân, lao động tại Khu chế xuất Linh Trung 2 và đang triển khai giai đoạn 2.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chỉ ra rằng, Điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở 2014 quy định, trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.

Tuy nhiên, kể từ ngày 10/12/2015 (ngày Nghị định 100/2015/NĐ-CP có hiệu lực) cho đến nay thì không có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nào được vay vốn ưu đãi.

"Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định 'trong giai đoạn 2015 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Nghị định này'.

Có nghĩa là Ngân hàng chính sách xã hội không được cho vay đối với tất cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, bao gồm cả dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê trong giai đoạn 2015 - 2020, nên càng không có chính sách 'ưu đãi vượt trội' cho dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê", ông Châu lý giải.

Nhu cầu thuê trọ ở TP.HCM rất lớn nhưng vì sao DN “ngó lơ” với nhà ở xã hội chỉ để cho thuê? - Ảnh 2.

Các DN cũng không mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội chỉ để cho thuê do thời gian thu hồi vốn quá lâu, khoảng 20 năm và lợi nhuận thấp. Ảnh: Quốc Hải

Ngoài ra, theo báo cáo số 80/BC-BXD ngày 07/04/2023 của Bộ Xây dựng, cho đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội và 4 tổ chức tín dụng (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chưa bố trí đủ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn để tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho các nhà băng này.

Gỡ vướng cách nào?

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, Điểm e khoản 2 Điều 82 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

"Việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định lãi suất cho vay ưu đãi có tính khả thi hơn", ông Châu nhận định.

Nhưng việc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn (tối đa không quá 25 năm) để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, trong đó có cho vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn đối với dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì phải có nguồn chi ngân sách nhà nước trung hạn để thực hiện, mà thẩm quyền này thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Do đó, HoREA nhất trí với nội dung Điểm e Khoản  2 Điều 82 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quy định, trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/07/2021 của Quốc hội để bố trí nguồn vốn chi ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, để tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho Ngân hàng chính sách xã hội và 4 tổ chức tín dụng (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) được NHNN chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem