Nông thôn mới chuyển đổi số ở Bình Định, nông sản lên sàn thương mại điện tử, quét mã QR ra nguồn gốc

Thăng Bình Thứ hai, ngày 30/10/2023 17:09 PM (GMT+7)
Nông nghiệp, nông thôn Bình Định đang tập trung chuyển đổi số, từng bước ứng dụng công nghệ số giúp truy xuất nguồn gốc nông sản, áp dụng quét mã QR, dễ dàng tiêu thụ sản phẩm.
Bình luận 0

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng

Để đưa bưởi da xanh và những nông sản trên địa bàn ra thị trường, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã liên kết tiêu thụ với các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh Bình Định. 

Đặc biệt, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart và bán sản phẩm trên sàn trên sàn giao dịch này.

Nông sản sạch của Bình Định lên sàn thương mại điện tử, quét mã QR có ngay nguồn gốc sản phẩm  - Ảnh 1.

Bưởi Hoài Ân, Bình Định, chỉ cần quét mã QR có ngay nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: TB.

Theo anh Thái Thành Việt - thành viên HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, HTX đã ký kết hợp đồng với 60 thành viên là bà con trên địa bàn huyện và ký hợp đồng liên đới tiêu thụ sản phẩm trên 100ha.

HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân sẽ quản lý sản phẩm của 60 hộ thành viên này, sau đó thu gom về HTX và phân loại sản phẩm để bán. Một vụ bưởi da xanh sẽ được bán trên sàn điện tử Postmart khoảng 50 tấn.

"Những sản phẩm này đều đã được dáng mã QR giúp nhận diện nhãn hiệu bưởi da xanh Hoài Ân và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sau khi đưa lên sàn thương mại điện tử sẽ được người khách hàng lựa chọn, tin tưởng, giúp sản phẩm được bán nhanh hơn", anh Việt cho hay.

Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định là một trong những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất Bình Định. Những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây ăn quả trên địa bàn không ngừng tăng mạnh.

Nông sản sạch của Bình Định lên sàn thương mại điện tử, quét mã QR có ngay nguồn gốc sản phẩm  - Ảnh 2.

Những khu vườn trồng cây ăn quả của nông dân Bình Định. Ảnh: TB.

Đến nay, diện tích cây ăn quả đã trồng trên địa bàn huyện Hoài Ân đạt gần 1.500 ha. Tập trung tại các xã Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và thị trấn Tăng Bạt Hổ.

Trong đó, bưởi da xanh là một trong những cây ăn quả được người dân huyện này chú trọng tăng năng suất. Diện tích bưởi da xanh đến nay đạt 342 ha, đã cho sản phẩm trên 206 ha, sản lượng trên 1.671 tấn/ năm. Hiện đã có 45 ha diện tích cây bưởi da xanh đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.

Người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh chụp quét mã QR

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân Nguyễn Thanh Vương cho hay, việc truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR đã được Trung tâm thực hiện từ năm 2019 đến nay. Việc này được thực hiện trên những sản phẩm được công nhận sản phẩm VietGAP, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân sẽ phối hợp với địa phương thực hiện, triển khai quy trình đăng ký mã QR cho bà con. Đồng thời thực hiện giám sát, kiểm tra, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc để dán mã trên sản phẩm.

"Người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh chụp quét mã QR sẽ có ngay những thông số như vườn bưởi, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm…", ông Vương nói. 

Nông sản sạch của Bình Định lên sàn thương mại điện tử, quét mã QR có ngay nguồn gốc sản phẩm  - Ảnh 3.

Người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh chụp quét mã QR sẽ có đầy đủ thông số về nông sản. Ảnh: TB.

Hiện nay, toàn huyện Hoài Ân đã thực hiện truy xuất được nguồn gốc cho 25 sản phẩm như bưởi da xanh, dừa xiêm, mít Thái, tiêu hột, lúa hữu cơ, gạo hữu cơ,… Từ năm 2022 đến nay, đã cấp được 6.000 mã cho sản phẩm nông nghiệp của huyện.

"Việc dán mã QR giúp nhận dạng sản phẩm. Người nông dân có trách nhiệm làm ra sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng biết được sản phẩm xuất phát từ đâu, được trồng theo quy trình nào, tăng độ tin cậy cho sản phẩm, tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm bưởi da xanh Hoài Ân", ông Vương cho biết.

Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đã phối hợp với Sở TTTT tỉnh này, rà soát đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Nông sản sạch của Bình Định lên sàn thương mại điện tử, quét mã QR có ngay nguồn gốc sản phẩm  - Ảnh 4.

Nông dân Bình Định có thu nhập cao nhờ chuyển đổi số. Ảnh: TB.

Không chỉ huyện Hoài Ân mà hiện nay ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định cũng đang triển khai hàng loạt giải pháp chuyển đổi số. 

Trong lĩnh vực trồng trọt đã triển khai thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho rau an toàn hợp chuẩn VietGAP nhãn hiệu "Lá lành" của HTX Phước Hiệp và HTX Thuận Nghĩa.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định sử dụng phần mềm trong quản lý dữ liệu về bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh. 

Sở NNPTNT tỉnh Bình Định phối hợp với Sở TTTT rà soát đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, đang rà soát các ứng dụng, phần mềm hiện có để phân loại và số hóa, tạo thành dữ liệu chung của tất cả lĩnh vực để xác định được cơ sở dữ liệu trong từng lĩnh vực.

Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 11 của Tỉnh uỷ Bình Định về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đây mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá, công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại những hiệu quả tích cực. Tỉnh Bình Định đã làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp theo tính ứng dụng cao, an toàn, hữu cơ, VietGAP…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình hành động số 11 của tỉnh Bình Định thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.

Hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng còn nhiều khó khăn, giá cả không ổn định; việc nhân rộng các mô hình công nghệ còn hạn chế; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm còn nhiều hạn chế…

Trước những tồn tại đặt ra, Bí thư Bình Định yêu cầu các cấp, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế cũng như tồn tại để thúc đẩy nông nghiệp tốt hơn.

Cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp, ngành trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cấp uỷ, lãnh đạo địa phương. Chú trọng bố trí nhân lực, nguồn lực để tăng cường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đầu tư nghiên cứu hạ tầng, đổi mới ứng dụng tốt hơn nữa ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp.

"Chúng ta ứng dụng những tiến bộ khoa học của thế giới có nghiên cứu, cái gì phù hợp thì triển khai ngay ứng dụng để thúc đẩy ngành nông nghiệp đi tắt, đón đầu. Nhân rộng được các mô hình mới, hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân", Bí thư Bình Định yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem