PGS.TS. Trần Thành Nam: "Có thể ngành bạn chọn hôm nay sẽ không còn nhu cầu của xã hội ngày mai"

Tào Nga Thứ hai, ngày 29/04/2024 06:13 AM (GMT+7)
PGS Trần Thành Nam gửi lời nhắn nhủ tới thí sinh trước mùa tuyển sinh đại học năm 2024: "Mỗi cá nhân đều phải có năng lực thích ứng linh hoạt với sự thay đổi nghề nghiệp, xác định việc học tập là suốt đời".
Bình luận 0

Nên chọn ngành gì để học đại học?

"Cách chọn ngành để học đại học", "Nên chọn ngành gì để có tương lai"; "Trắc nghiệm chọn ngành"... là những từ khóa nhiều thí sinh đang tìm kiếm khi mùa tuyển sinh đại học năm 2024 đang đến gần. Chọn ngành, chọn nghề là một trong những quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của mỗi người. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác giảng dạy, tư vấn tâm lý và tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chỉ ra một số sai lầm của thí sinh trong việc chọn ngành hiện nay.

PGS.TS. Trần Thành Nam: "Có thể ngành bạn chọn hôm nay sẽ không còn nhu cầu của xã hội ngày mai"- Ảnh 1.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

"Một số sai lầm phổ biến của các bạn học sinh khi chọn ngành hiện nay là chọn ngành nghề theo phong trào, theo hot trend, theo các chuyên gia tư vấn trên tiktok mà nhiều khi không quan tâm đến việc nó có phù hợp với năng lực sở thích của bản thân hay không.

Nhiều học sinh cũng lựa chọn ngành học để mong được "nhàn", "dễ kiếm việc", "có nhiều tiền" theo định hướng của một số người mà không quan tâm đến xu hướng ngành nghề và nhu cầu nhân lực có thể thay đổi rất nhanh, cũng không quan tâm đến việc học nghề đó có bền vững và mang đến hạnh phúc nghề nghiệp sau này hay không.

Nhiều học sinh thậm chí hoang mang giữa biển thông tin về ngành nghề và các chuyên gia tư vấn, chọn đại một ngành vì không biết chọn gì. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các bạn thường bỏ học sau năm đầu tiên vì thấy không phù hợp. Điều này gây ra căng thẳng và lãng phí tiền bạc", PGS Nam cho hay.

Việc lựa chọn ngành nghề không phù hợp với bản thân khiến tình trạng sinh viên kêu than "ngồi nhầm chỗ" sau mỗi mùa tuyển sinh vẫn xảy ra. Khi đó, các em nghỉ học thì dở dang mà học tiếp cũng không xong vì không có động lực, không đủ điều kiện hoặc bản thân không đáp ứng được yêu cầu của ngành học. Theo PGS Trần Thành Nam: "Trong trường hợp nếu các em đã lựa chọn một ngành học và cảm thấy không thích hợp, trước hết cần phải xác định chính xác lý do khiến bạn không phù hợp (do tính cách, năng lực) hay chỉ là do bạn thiếu kiên nhẫn, ngại khó và né tránh những vấn đề tâm lý khác thì mới có hướng phù hợp.

Thứ hai nữa là phải xác định vậy điều bạn thực sự muốn và năng lực thực sự đáp ứng cho nghề nghiệp sau này là gì? Trao đổi cụ thể với giáo viên, cha mẹ và cố vấn học tập để tìm ra những con đường chuyển đổi ngành học, học song bằng hay những giải pháp nào khác đỡ tốn kém và đảm bảo hiệu quả.

Nếu bạn chưa thực sự chắc chắn về lựa chọn khác của mình, hãy tiếp tục đi theo những gì bạn đã lựa chọn trước đây. Nhưng tranh thủ trau dồi những kỹ năng mềm, những năng lực sáng tạo đổi mới, năng lực lãnh đạo, thích ứng và công nghệ để có thể sẵn sàng làm được nhiều vị trí công việc. Cho đến khi bạn chắc chắn về con đường phía trước mới chuyển sang ngành học khác phù hợp với sở thích và năng lực bản thân".

PGS Trần Thành Nam gửi lời nhắn nhủ: "Các bạn nên nhớ rằng trong thời đại ngày nay, chúng ta chẳng thể nào hình dung được tương lai 10 năm 20 năm sau như thế nào. Có thể ngành nghề bạn chọn hôm nay rất phù hợp nhưng sẽ không còn nhu cầu của xã hội ngày mai nữa. Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ làm nhiều nghề và thay đổi nghề nghiệp sau mỗi chu kỳ 5-10 năm.

Vì thế nên mỗi cá nhân đều phải có năng lực thích ứng linh hoạt với sự thay đổi nghề nghiệp, xác định việc học tập là suốt đời. Mỗi cá nhân phải tự rà soát, điều chỉnh mục tiêu của mình để cập nhật thêm những năng lực mới, kỹ năng sử dụng công nghệ mới nhằm tăng giá trị của bản thân để mình không bị lỗi thời và hết hạn sử dụng trước khi hết tuổi lao động".

"Phải định hướng rõ bản thân"

Cũng liên quan đến việc lựa chọn ngành nghề, chia sẻ với các học sinh, bà Hoàng Thúy Nga, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết: "Thí sinh cần chọn ngành trước khi chọn trường. Các em phải định hướng rõ bản thân đam mê cái gì, yêu thích cái gì từ đó đưa ra lựa chọn cho bản thân. Có học sinh đăng ký 10 nguyện vọng vào 10 ngành khác nhau. Nguyện vọng 1 ngành Quản trị kinh doanh, nguyện vọng 2 ngành Luật, nguyện vọng 3 ngành Du lịch… Như vậy, bản thân học sinh đó chưa định hướng rõ sở trường năng lực của mình. Các em hãy chọn ngành để làm sao sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bản thân rất mong muốn được làm công việc đó.

PGS.TS. Trần Thành Nam: "Có thể ngành bạn chọn hôm nay sẽ không còn nhu cầu của xã hội ngày mai"- Ảnh 2.

Thí sinh băn khoăn trước các cơ hội lựa chọn ngành nghề. Ảnh: Tào Nga

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng: "Việc chọn ngành, chọn nghề, liên quan đến cả một tương lai rất dài. Lời khuyên là nên cho chính bản thân mình nhiều cơ hội. Chúng ta phải tạo ra nhiều năng lực cốt lõi, có nghĩa không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học cách tiếp cận liên ngành.

Ví dụ, học Kinh tế nhưng các em có thể học thêm Luật, hay Khoa học dữ liệu dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải có thêm một tấm bằng nữa nhưng tích lũy một khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai.

Thậm chí, điều đó còn giúp các em có năng lực vượt trội hơn trong tương lai. Do vậy, "ngành hot" cũng phụ thuộc vào chính chúng ta. Nếu giỏi trong một lĩnh vực nào đó, đẩy năng lực mình lên tới một mức rất cao việc kiếm việc làm, đạt được mức lương theo khái niệm hot là không khó khăn".

TS Đỗ Thị Vân Dung, Phó trưởng Khoa Kinh tế Đô thị, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đưa ra lời khuyên bổ ích: Chúng ta đều biết rằng thời gian quý hơn cả tiền bạc, nhất là với các em học sinh đang đứng trước sự lựa chọn to lớn của cuộc đời trong thời gian ngắn tới đây.

Thay vì nghe theo định hướng của cha mẹ, anh chị, những người đi trước, các em hãy khám phá bản thân mình trước. Hãy nhìn kỹ vào bản thân để thấy sở thích của mình của mình như thế nào, môn học nào mình giỏi và tính cách của mình trầm lắng hay sôi động.

Chỉ khi nhìn nhận rõ nhất bản thân của mình thì các em mới có thể chọn đúng nghề, đi đường dài với nghề, tiết kiệm thời gian, tránh đi sai đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem