Dấu mốc nào của ngành xây dựng tác động mạnh đến thị trường bất động sản?

Thái Nguyễn Thứ hai, ngày 01/01/2024 14:42 PM (GMT+7)
Năm 2023, ngành xây dựng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có thị trường bất động sản. Do đó, nhiều giải pháp của Chính phủ và Bộ, ngành được đưa ra có tác động lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt trong năm 2024.
Bình luận 0

Thị trường bất động sản hưởng lợi khi 2 dự án luật thông qua

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) chính thức được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở được sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành với thị trường bất động sản; bổ sung các quy định điều chỉnh vấn đề mới phát sinh, hoàn thiện chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về nhà ở. Đồng thời, luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp... qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền có nhà ở của công dân, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật; Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Cùng với đó, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch, lành mạnh, bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều dấu mốc nào của ngành xây dựng tác động mạnh đến thị trường bất động sản? - Ảnh 1.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua (Ảnh: TN)

Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, có mục tiêu: Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; Giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Đề án đề ra với mục tiêu đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, tạo nguồn cung nhà ở xã hội thiếu nghiêm trọng, mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế của công nhân lao động. Đồng thời, còn là giải pháp “cứu cánh" cho doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn, thị trường gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro. Ngoài ra, việc giải quyết nguồn cung phân khúc này sẽ là “chìa khóa" giải tỏa vấn đề lệch pha cung cầu, góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Từ đề án này, nhiều doanh nghiệp đã có động lực xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 317 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 159.000 căn, với tổng diện tích hơn 8,1 triệu m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 419 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.500 căn với tổng diện tích khoảng 22,6 triệu m2…

Nghị quyết 33/NQ-CP tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Với sự tham mưu và trình của Bộ Xây dựng, ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...

Nhiều dấu mốc nào của ngành xây dựng tác động mạnh đến thị trường bất động sản? - Ảnh 2.

Nghị quyết 33 tháo gỡ khó khăn về pháp lý và nguồn vốn cho thị trường bất động sản (Ảnh: TN)

Mục tiêu của Nghị quyết gồm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản; Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân. 

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp, nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng", tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá BĐS lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành lành mạnh theo cơ chế thị trường. Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhằm hiện thực hóa mục tiêu nói trên, ở các phương diện: Pháp lý, tín dụng, cung - cầu bất động sản…

Ngay khi Nghị quyết được ban hành, các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản nhận định: Nghị quyết có các quan điểm và mục tiêu bám sát thực trạng những vấn đề tạo ra khó khăn, vướng mắc, lệch lạc của thị trường hiện tại, từ đó giao nhiệm vụ đến từng Bộ, ngành liên quan với những nhóm vấn đề sát thực tiễn… Nghị quyết sẽ tiếp thêm động lực để thị trường bất động sản hồi phục và phát triển.

Năm 2023, Bộ Xây dựng đã nỗ lực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hàng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước…

Cũng trong năm 2023, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công 2 hội nghị do Thủ tướng chủ trì là Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững (ngày 14/7) và Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (ngày 03/8).



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem