TP.HCM: Hơn 37.000 người trên 18 tuổi chưa được tiêm vaccine Covid-19

Bạch Dương Thứ năm, ngày 16/12/2021 17:14 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM với các sở - ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức, lãnh đạo Sở Y tế TP cho biết, đáng lo nhất hiện nay là số ca thở máy và tử vong vẫn ở mức cao.
Bình luận 0
TP.HCM: Hơn 37.000 người trên 18 tuổi chưa được tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện hồi sức Covid-19. Ảnh: BVCC

60-70 ca tử vong mỗi ngày

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến ngày 14/12, thành phố đang quản lý 76.428 F0 điều trị tại 3 tầng. Số ca tử vong trong 14 ngày qua dao động từ 60-70 ca/ngày, hiện còn 511 ca thở máy xâm lấn.

"Đây là con số chúng tôi lo lắng nhất", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói và cho biết, qua phân tích số ca thở máy và số ca tử vong có nhiều đặc điểm giống nhau, như có độ tuổi trên 50, người có bệnh nền và chưa tiêm vaccine.

Về độ bao phủ vaccine, tuần qua, TP đã tiến hành tiêm mũi nhắc lại và bổ sung. Đến nay có 5.747 mũi tiêm bổ sung cho người suy giảm miễn dịch, hơn 11.000 người được tiêm mũi nhắc lại và sẽ tăng nhanh trong thời gian sắp tới.

Giám đốc Sở Y tế cho biết, trừ quận 6 và huyện Nhà Bè chưa có số liệu, hiện TP có trên 37.000 người trên 18 tuổi chưa được tiêm vaccine.

Về tiến độ bảo vệ nhóm người nguy cơ trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 14/12 có 19/21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn (trừ huyện Nhà Bè và huyện Củ Chi). Trong đó, 3 quận lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ nhiều nhất là các quận: Phú Nhuận, 4, Bình Tân.

Các quận huyện và TP.Thủ Đức đã khảo sát được 109.350 người thuộc nhóm nguy cơ, nhưng chỉ mới lập danh sách 54.509 người. Trong số này có 4.545 người đã được tiêm 1 mũi (chiếm 8,3%), 46.932 người tiêm 2 mũi (chiếm 86,1%) và 3.032 người chưa tiêm (chiếm 5,6%).

"Các địa phương cần sớm triển khai cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ, đây là dữ liệu quan trọng cho thành phố trong việc chăm sóc sức khỏe cho họ. Chúng ta đã bỏ công sức đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người để phát phiếu thì khi thu phiếu chịu khó nhìn kỹ, chỗ nào các bác, các chú chưa đánh dấu thì nhờ bổ sung cho đủ", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

8 F0 được phát hiện trong trường học

PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, trong 2 ngày đầu thí điểm cho học sinh khối lớp 9 và 12 học trực tiếp trở lại. Tỷ lệ học sinh đến trường các khối lớp 9 đạt 90,69%, lớp 12 đạt 93,62%. Qua giám sát, Sở GD-ĐT và Sở Y tế phát hiện 8 F0, trong đó có 6 học sinh, 2 giáo viên. Tất cả đều không có triệu chứng, không cần nhập viện.

TP.HCM: Hơn 37.000 người trên 18 tuổi chưa được tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh 3.

Học sinh sát khuẩn tay trước khi vào học. Ảnh: Mạnh Tùng

Để chủ động ứng phó với biến thể Omicron, ngoài việc tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, cảng biển, ngành y tế đã dành riêng Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly người có kết quả dương tính và giải trình tự gene. Hiện có 2 tổ chức tham gia giải trình tự gene là Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Viện Pasteur. Đến nay, OCRU nhận 19 mẫu nhập cảnh, Viện Pasteur nhận 15 mẫu (14 mẫu nhập cảnh, 4 mẫu cộng đồng), hiện có 14 mẫu mang biến chủng Delta, các mẫu còn lại đang chờ kết quả.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, hiện nay có 370 nhà thuốc Pharmacity và 320 nhà thuốc của các địa phương đăng ký tham gia phòng chống dịch với 3 hoạt động chính: cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0; truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 và là cầu nối giữa F0 với các cơ sở chăm sóc F0 tại nhà.

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế về việc tiếp tục hỗ trợ, bổ sung lực lượng y tế tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Nội dung văn bản nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng khá cao. TP.HCM vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động các Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y dược, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

Tuy nhiên, một số bệnh viện, Trung tâm Hồi sức Covid-19 cần bổ sung thêm nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM 1.000 bác sĩ (trong đó có 300 bác sĩ có chuyên môn hồi sức, cấp cứu), 2.000 điều dưỡng (trong đó có 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu). Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

Trước đó, ngày 15/12, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM đã hoàn thành sứ mệnh và chính thức được chuyển giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục công việc tiếp nhận và điều trị những trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem