TP.HCM khôi phục các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian tôn vinh sản phẩm làng nghề

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 13/10/2023 16:10 PM (GMT+7)
UBND TP.HCM giao UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện chủ trì, phối hợp khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa các sản phẩm làng nghề và nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu.
Bình luận 0
TP.HCM khôi phục các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian tôn vinh sản phẩm làng nghề - Ảnh 1.

Sản xuất sản phẩm mành trúc trại Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: T.Đ

UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Quyết định số 801/QĐ.TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình).  

Mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề, thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ, cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện chủ trì, phối hợp khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa các sản phẩm làng nghề và nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu.

Liên quan đến việc công nhận làng nghề, phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn TP, Sở NNPTNT TP đã có công văn gởi Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất ban hành quy định, hướng dẫn phong tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi cấp TP nghề truyền thống, làng nghề làm cơ sở để đề xuất phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đãi ngộ cụ thể đối với nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống khi được công nhận theo quy định Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ để làm động lực cho các địa phương lập hồ sơ xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Sở NNPTNT TP cho biết, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn TP, số hộ tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn dần chuyển sang nghề khác có thu nhập ổn định hơn (chủ yếu là thương mai - dịch vụ). Do đó, các làng nghề không đảm bảo được các tiêu chí về công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định của Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

TP.HCM khôi phục các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian tôn vinh sản phẩm làng nghề - Ảnh 3.

Sản phẩm rổ rá của Làng nghề đan đát An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Ảnh: T.Đ

Bên cạnh đó, về thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn tồn tại nhiều khó khăn, đó là sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Các sản phẩm thủ công như mành trúc, mây tre lá bị cạnh tranh bởi các sản phẩm công nghiệp, bền đẹp và nhiều mẫu mã thu hút.

Hiện nay, tại TP.HCM có 9 loại hình làng nghề đang hoạt động và phát triển. Trong đó, có 7 loại hình làng nghề tiểu thủ công nghiệp, như: Làng nghề bánh tráng, làng nghề đan đát, làng nghề mành trúc, làng nghề đan giỏ trạc, làng nghề se nhang, làng nghề muối, nghề chế biến khô thủy sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem