TP.HCM: Mở lại chợ, có thực sự khó không?

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 16/08/2021 17:23 PM (GMT+7)
Hơn 2/3 chợ truyền thống tại TP.HCM vẫn đang tạm đóng, dù lãnh đạo TP.HCM nhiều lần đốc thúc mở lại. Trong khi nhiều nơi vẫn dè dặt thì một số chợ vẫn mạnh dạn mở lại với nhiều biện pháp an toàn.
Bình luận 0

Quận, huyện nói khó

UBND TP.HCM mới đây đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở Công Thương hướng dẫn TP.Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng phương án tổ chức hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống và các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo TP.HCM thúc mở lại các điểm bán thực phẩm tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Sở Công Thương TP.HCM, hiện TP chỉ có khoảng 40 chợ đang hoạt động, 197 chợ (tính cả 3 chợ đầu mối) vẫn còn đang tạm đóng. Hơn nửa tháng qua, TP chỉ có thêm 8 chợ mở lại.

TP.HCM: Mở lại chợ, có khó không? - Ảnh 1.

Hơn 2/3 chợ truyền thống tại TP.HCM vẫn đang tạm đóng. Ảnh: Hồng Phúc.

Tiếp tục thúc mở lại chợ, lần này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã yêu cầu các quận huyện phải đăng ký thời hạn, tiến độ triển khai cụ thể, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ tháo gỡ nếu có vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ban quản lý một số chợ tại TP cho biết đã trình phương án tái mở cửa chợ hoặc bố trí địa điểm phù hợp để tổ chức bán hàng trình chính quyền địa phương nhưng chưa được chấp thuận.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng nhận định việc tạm dừng hoạt động hoặc mở lại các chợ truyền thống do UBND quận huyện căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế quyết định.

Tuy nhiên, thời gian qua, sau khi khảo sát, đánh giá lại tiêu chí an toàn, một số quận huyện cho biết việc mở lại chợ gặp khó khăn bởi các yếu tố khách quan như tình hình diễn biến dịch bệnh tại khu vực xung quanh chợ phức tạp, chợ thuộc khu vực địa bàn thực hiện phong tỏa, thiếu hụt nhân sự để thực hiện chốt chặn, kiểm tra công tác đảm bảo phòng chống dịch khi tổ chức mở bán lại.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương, đại diện ban quản lý chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) cho biết, đây là chợ đầu tiên trên địa bàn quận Phú Nhuận mở lại để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân. So với các nơi khác, chợ Nguyễn Đình Chiểu từ trước đến nay chưa nay ghi nhận ca mắc Covid-19.

Dù vậy, khi hoạt động lại, theo bà, chợ cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc tổ chức sao cho đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Ngoài ra, việc vận hành an toàn cũng phải đòi hỏi ý thực tự giác chấp hành các quy định phòng dịch của người dân khi đến mua sắm.

Mở lại chợ, có thực sự khó không?

Chợ Bình Thới (quận 11) và chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) là hai chợ truyền thống bền bỉ nghĩ ra nhiều cách đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 để mở bán trở lại thời quan qua tại TP.HCM.

Cuối tháng 6, chợ Bình Thới đóng cửa vì ghi nhận ca mắc Covid-19. Chỉ khoảng 10 ngày sau, sau khi được xét nghiệm, thực hiện khử khuẩn, tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống chợ này hoạt động lại, trang bị vách ngăn để tránh tiếp xúc giữa người mua và người bán.

TP.HCM: Mở lại chợ, có khó không? - Ảnh 3.

Chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) lắp vách ngăn, bán hàng theo combo đóng sẵn. Ảnh: Hồng Phúc.

Mở không được bao lâu, chợ lại tạm đóng vì có ca mắc mới. Ngày 1/8, chợ mở bán lại với một mô hình mới toanh: Không bán trong nhà lồng nữa mà dọn ngay ra sân, tận dụng ánh sáng tự nhiên họp chợ. Chợ Bình Thới hiện chỉ có khoảng 15 tiểu thương, bán hàng theo combo đóng túi sẵn, người vào chợ chỉ mua sắm theo một chiều, tiểu thương được xét nghiệm Covid-19 định kỳ.

Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng ban quản lý chợ Bình Thới, cho hay ban quản lý và tiểu thương chợ rất cầu thị, tiếp thu các ý kiến đóng góp và làm theo chỉ dẫn phù hợp để có phương án hoạt động chặt chẽ, hiệu quả. Dù đóng rồi lại mở nhưng quan trọng nhất là đảm bảo phòng dịch. Do đó, đến nay, chợ được tiểu thương và người dân ủng hộ.

Tương tự, chợ Nguyễn Tri Phương cũng đã hai lần đóng rồi lại mở, và lần mở sau lại siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch so với lần đầu. Khảo sát thực tế cũng cho thấy, số lượng tiểu thương ngành hàng rau củ quả, thịt cá… đều giảm nhiều so với lần mở lại đầu tiên, vách ngăn được tại các sạp, tiểu thương đeo thẻ để nhận diện.

Đại diện ban quản lý chợ cũng nhận định việc mở lại chợ trong thời điểm này cũng khá khăn do dịch phức tạp sau khi xem xét các điều kiện an toàn từ giãn cách, xét nghiệm tiểu thương theo định kỳ và nhu cầu của người dân nên mở lại.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương, đại diện ban quản lý chợ Nguyễn Đình Chiểu cũng cho hay mở lại chợ đồng nghĩa việc cực hơn, do phải kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng đây là giải pháp hỗ trợ nhu cầu thực phẩm của người dân, giảm bớt áp lực cho kênh siêu thị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem