TP.HCM tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu cho sản phẩm OCOP

Phúc Minh Thứ bảy, ngày 12/11/2022 17:04 PM (GMT+7)
Sự chủ động sáng tạo, cải tiến, phát triển sản phẩm của các chủ thể sản xuất có thể được coi là bước đầu thành công của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại TP.HCM. Giai đoạn tiếp theo, TP.HCM sẽ tiếp tục chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Ứng dụng KHKT, chế biến sâu sản phẩm OCOP

TP.HCM hiện có 27 sản phẩm OCOP 3-4 sao. Nhiều sản phẩm trong số này được đánh giá cao do ngoài yếu tố bản địa, các chủ thể sản xuất còn ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế biến sâu để góp phần gia tăng giá trị, chuẩn hóa từ đầu vào, chế biến đến đầu ra.

TP.HCM tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu cho sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm bột rau sấy lạnh đạt chuẩn OCOP 4 sao của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi, TP.HCM) được chuẩn hóa từ đầu vào, sản xuất đến đầu ra. Ảnh: Hồng Phúc

Chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi), cho biết quy trình sản xuất các sản phẩm bột rau sấy lạnh OCOP 4 sao của công ty hiện nay là một chuỗi khép kín. Doanh nghiệp chủ động về vùng trồng rau, đầu tư máy móc, chế biến và không ngừng tiếp cận khách hàng, thị trường để có bao bì, mẫu mã phù hợp.

"Nhờ vậy, chúng tôi nâng tầm được các loại rau tươi, mang lại giá trị cao hơn nhiều so với bán rau tươi. Rau sấy lạnh giữ nguyên đặc trưng, mùi vị, công dụng của rau tươi, phù hợp lối sống đô thị bận rộn. Đầu tư công nghệ, máy móc, cơ hội xúc tiến các sản phẩm đi thị trường các nước cũng dễ dàng hơn", chị Hương nói.

Theo đánh giá của Sở NNPTNT TP.HCM, Chương trình OCOP trên địa bàn TP.HCM đã góp phần thúc đẩy sự khơi gợi và phát triển các ý tưởng của chủ thể sản xuất. Từ đó, các sản phẩm mới mang tính độc lạ, chất lượng cao đã được nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thành công như bột rau má, bột tía tô, bột lá sen, bún dưa hấu, bánh tráng thanh long, mật dừa nước cô đặc, đường từ mật dừa nước, bơ đậu phộng và điều…

Sự chủ động sáng tạo, cải tiến, phát triển sản phẩm của các chủ thể sản xuất có thể được coi là bước đầu thành công của chương trình.

Sở NNPTNT TP.HCM cho rằng tiềm năng của các sản phẩm OCOP còn mở ra, bởi nếu gắn kết được hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch, gắn kết với các tuyến, tour du lịch hiện có trên địa bàn thành phố sẽ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP.

Chuẩn hóa sản phẩm OCOP TP.HCM

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Nội dung này cũng được đề cập trong Quyết định 1943/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, ban hành ngày 8/6/2022, về việc phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

TP.HCM tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu cho sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Sản phẩm mật ong rừng sữa ong chúa OCOP 4 sao của Công ty Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Hồng Phúc

Thứ nhất, TP.HCM sẽ chuẩn hóa sản phẩm OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương. Cụ thể, TP.HCM định hướng phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

TP.HCM cũng sẽ chuẩn hóa các sản phẩm mới được hình thành dựa trên nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc. Trong đó ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được các nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ đặc sản, nguyên liệu địa phương, tri thức bản địa nhằm thúc đẩy chế biến sâu và nâng cao giá trị sản phẩm; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố.

TP.HCM tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu cho sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Giai đoạn 2022-2025, TP.HCM sẽ tiếp tục chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP. Ảnh: Hồng Phúc

Thứ hai, TP.HCM phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm OCOP cần được đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, chất lượng, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP.

Thứ ba, TP.HCM cũng có định hướng thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế số gắn với thị trường xuất khẩu, gắn với lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực.

Thứ tư, TP.HCM chú trọng nâng cao năng lực quản trị; kỹ năng đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; kiến thức và năng lực về sở hữu trí tuệ; tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm nông thôn để phát triển sản phẩm OCOP theo hướng sâu hơn và bền vững hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem