TP.HCM: Tiền thưởng tết Dương lịch tăng, thưởng Tết Nguyên đán giảm so với năm ngoái

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 28/12/2023 18:26 PM (GMT+7)
Khảo sát của Sở LĐTBXH TP.HCM cho thấy, tiền thưởng Tết Dương lịch bình quân cao hơn so với kết quả khảo sát của năm 2023. Trong khi đó, tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn bình quân thấp hơn so với kết quả khảo sát của năm ngoái.
Bình luận 0

Ngày 28/12, thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM cho biết, Sở này đã thực hiện khảo sát thông qua phiếu khảo sát đối với 3.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hoạt động trên địa bàn TP.HCM để nắm bắt khái quát tình hình trả lương năm 2023 và kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Bình quân tưởng Tết Nguyên đán giảm so với khảo sát năm 2023

Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, mức thưởng cao nhất thuộc các doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm; phát triển phần mềm; thương mại. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

TP.HCM: Tiền thưởng tết Dương lịch tăng, thưởng Tết Nguyên đán giảm so với năm ngoái - Ảnh 1.

Càng gần về cuối năm, người lao động càng mong chờ khoản thưởng tết. Trong ảnh, người lao động tham gia chương trình do LĐLĐ TP.HCM tổ chức. Ảnh: M.Q

Trong đó, tiền thưởng Tết Dương lịch bình quân cao hơn so với kết quả khảo sát của năm ngoái. Còn bình quân tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn thấp hơn so với kết quả khảo sát của năm trước.

Sở LĐTBXH TP.HCM đánh giá, có một số doanh nghiệp đã thông tin gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân: Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm còn nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ, trả tiền lãi vay… Việc này ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm và kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã thực hiện thông tin sớm cho người lao động biết và chia sẻ, đồng thời cố gắng chi thưởng Tết cho người lao động theo quy chế thưởng, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.

Khảo sát cũng cho thấy, ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, có trên 46% doanh nghiệp còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón (hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe). Dịp này, một số doanh nghiệp có kế hoạch tổ chức tất niên và có kế hoạch thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê.

TP.HCM: Tiền thưởng tết Dương lịch tăng, thưởng Tết Nguyên đán giảm so với năm ngoái - Ảnh 3.

Sở LĐTBXH TP.HCM dự kiến chi hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ lao động khó khăn trong dịp Tết 2024. Ảnh: M.Q

Về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở LĐTBXH TP.HCM thông tin, trung bình các doanh nghiệp nghỉ từ 8 đến 9 ngày, trong đó nhiều doanh nghiệp kết hợp bố trí giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình.

Trước đó, Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, nhằm nắm bắt tình hình trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở đã xây dựng kế hoạch về tăng cường giám sát tình hình trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, Sở phối hợp với các cơ quan có liên quan kiến nghị các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ trong dịp Tết trên cơ sở các thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của doanh nghiệp và thông tin đầy đủ, kịp thời cho người lao động biết trước kỳ nghỉ ít nhất 20 ngày; đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch như đã thỏa thuận.

Đồng thời, Sở tổ chức 3 đoàn khảo sát trực tiếp tại 24 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, ưu tiên chọn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết, nhất là các doanh nghiệp chậm trả lương, nợ bảo hiểm xã hội, gặp khó khăn về đơn hàng, phải cắt, giảm việc làm của người lao động, doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội hoặc đã xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công trong năm 2023.

Song song đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cũng thành lập đoàn giám sát trực tiếp để khảo sát tại ít nhất 20 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn quản lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem