Đầu tháng 12 vừa qua, Sở du lịch TP.HCM đã công bố 100 điều thú vị về thành phố, dựa trên hơn 104.000 lượt bình chọn. Danh sách được chia thành 10 hạng mục gồm chương trình tham quan, điểm tham quan, điểm giải trí - chương trình giải trí, điểm mua sắm, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng - quán ăn, quán cà phê, điểm check in, sự kiện du lịch- văn hóa - thể thao và món ngon.
Trong đó 100 điều thú vị ấy, có 10 điểm mua sắm mà du khách không thể bỏ qua, nhất là dịp Tết Dương lịch 2024 này.
Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành (quận 1) bắt đầu hoạt động từ năm 1914. Công trình có tổng diện tích hơn 13.000m2, giới hạn bởi các trục đường: Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang. Đây là một trong những công trình biểu tượng của TP.HCM, thu hút nhiều người dân, du khách đến mỗi ngày.
Ngôi chợ có 16 cửa, trong đó có 4 cửa lớn Đông, Tây, Nam, Bắc, chia làm 4 khu vực với 11 ngành hàng, khu vực 1 và 2 chủ yếu là các gian vải sợi và quần áo; khu vực 3, 4 là hàng tạp phẩm, tạp hóa, mỹ phẩm, thực phẩm, công nghệ chế biến, hàng tươi sống và đồ uống... Chợ có hơn 1.400 hộ với chừng đó sạp kinh doanh.
Chợ Bến Thành đã trải qua hơn 100 năm, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của TP.HCM. Không chỉ tới chợ để mua sắm hay thưởng thức ẩm thực, khu chợ còn là địa điểm check-in vô cùng đặc biệt với chiếc đồng hồ bốn mặt ở cửa Nam.
Chợ Bình Tây
Chợ Bình Tây hay còn gọi Chợ Lớn nằm trên đường Tháp Mười, quận 6 được xây dựng theo kỹ thuật của Pháp trên khuôn viên rộng 25.000m2. Ngôi chợ do một thương gia người Hoa là Quách Đàm bỏ tiền xây dựng năm 1928. Kiến trúc hình bát quái được xem là điểm nhấn của chợ, gồm 12 cổng, bên trong có hoa viên rộng rãi để khách ngồi nghỉ.
Chợ Bình Tây kinh doanh hơn 30 mặt hàng khác nhau, chia thành 5 khu vực gồm các loại gia vị, bánh mứt, quần áo, giày dép, đồ gia dụng gia đình, lương thực và các ngành hàng khác. Khu vực nhà lồng có hơn 1000 sạp, ngoài nhà lồng có 912 sạp. Các ngành hàng được bố trí, sắp xếp hợp lý, tập trung theo từng khu vực kinh doanh nhằm phát huy thế mạnh của từng ngành. Vì thế, nơi đây rất được lòng các chủ tiệm kinh doanh mua về bán lại tại các chợ nhỏ và shop trên địa bàn TP.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ nằm lọt thỏm trong các con hẻm quanh khu chung cư cũ Lê Hồng Phong ở trung tâm quận 10. Đây là một trong những chợ hoa đầu mối lớn nhất TP.HCM. Ngôi chợ có hơn 30 năm tuổi đời hoạt động cả ngày lẫn đêm. Hoa ở đây được các thương lái vận chuyển từ khắp các vựa hoa lớn nhất đến từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây như Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Không chỉ nổi tiếng về hoa, ở đây còn đa dạng về ẩm thực với nhiều món ăn như bột chiên, bún bò, canh bún... Trong đó phải kể đến hai món ăn vặt thơm ngon và lạ miệng là bánh lọt vào của người Campuchia và bánh hẹ của người Hoa.
Phố đồ cổ Lê Công Kiều
Phố đồ cổ ở đường Lê Công Kiều (quận 1) có tên khác là "chợ Kiều" mà dân chơi đồ cổ vẫn thường quen gọi đã tồn tại từ trước 1975 tại TP.HCM. Ngày xưa, phố Lê Công Kiều chỉ là một con hẻm nhỏ, đến năm 1920, người Pháp mở rộng và đặt tên là đường Reims. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi thành Lê Công Kiều, tên của một đốc binh thời phong trào Cần Vương chống Pháp và con đường giữ tên này cho đến bây giờ.
Con phố dài khoảng 300m với hơn 40 hộ kinh doanh buôn bán, là một trong những điểm bán đồ cổ tồn tại lâu năm nhất ở Sài Gòn.
Nơi đây chủ yếu kinh doanh các món đồ cổ từ tiền, tượng Phật, những chiếc bình gốm thời nhà Nguyễn, nhà Thanh đến cả các món vật dụng như chén, đĩa, đèn măng-xông, bát nhang, lư đồng, bát nhang hay chiếc cát-sét, tivi cũ, đầu quay băng đã qua sử dụng. Các món đồ thông thường ở đây có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng.
Cà phê Chợ Đồ Cổ
Nằm trong con hẻm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), quán cà phê chợ đồ cổ được xem là thiên đường dành cho dân chơi đồ cổ và chốn hoài niệm về Sài Gòn xưa. Quán hoạt động vào thứ 7 và chủ nhật, vé vào cửa 40.000 đồng mỗi người nhưng có thể dùng để đổi một món ăn hoặc đồ uống.
Ngoài những người đam mê hoài niệm, chợ còn thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài tới tham quan, mua sắm và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Đường sách TP.HCM
Đường sách TP.HCM được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 1/2016. Đây là mô hình Đường sách đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng trên con đường Nguyễn Văn Bình (quận 1), dài 144m. Với 3 khu vực riêng biệt bao gồm: 20 gian hàng sách của các NXB nổi tiếng; Khu vực triển lãm các loại sách quý hiếm, sách chủ đề và là nơi tổ chức các cuộc giao lưu ra mắt sách; Khu vực cà phê sách.
Trung tâm thương mại Vincom
Hiện có 13 trung tâm thương mại Vincom đang hoạt động ở TP.HCM. Bên trong Vincom có nhiều hệ thống cửa hàng với các thương hiệu nổi tiếng, đa dạng sản phẩm giúp cho các chị em thỏa sức mua sắm dịp này. Nổi bật nhất là các chi nhánh ở quận trung tâm như Vincom Đồng Khởi (quận 1), Vincom Center Landmark (quận Bình Thạnh).
Trung tâm thương mại Takashimaya
Trung tâm thương mại đầu tiên của Takashimaya ở Việt Nam hoạt động vào năm 2016, tại khu đắc địa quận 1, rộng hơn 15.000m2, gồm 5 tầng của cao ốc Saigon Centre.
Dịp cuối năm này, mọi người có thể thả ga mua sắm các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, trang sức của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Trung tâm thương mại này cũng thường xuyên có các hoạt động giải trí, chương trình kích cầu mua sắm vào các dịp lễ, Tết, sự kiện đặc biệt của thành phố.
Crescent Mall
Crescent Mall là trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn quốc tế, nằm trong khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, thuộc đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM. Trung tâm này do công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 112.000m2, cung cấp 120 cửa hàng bán lẻ, 6.000m2 siêu thị, khu chiếu phim hiện đại, khu ẩm thực quốc tế, hàng loạt nhà hàng và quán café ngoài trời.
Sau khi mua sắm ở khu Crescent Mall, du khách có thể sang dạo quanh công viên Cầu Ánh Sao – Hồ Bán Nguyệt cạnh đó. Tới đây, khu vực này sẽ mở ra khu phố ẩm thực, thương mại sầm uất nhất quận 7.
Các hãng hàng không ở Việt Nam đang tích cực nhận thêm máy bay nhằm phục vụ hành khách trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Với gần 18.000 vận động viên tham dự, Giải Marathon Quốc tế TP.HCM làm sống động mùa lễ hội trong Tuần lễ Du lịch TP.HCM diễn ra từ 5-/8/12.
NVIDIA đã mua lại VinBrain -- công ty mới trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup và chuyên phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.
“Ông lớn” ngành sữa Nhật Bản là Glico chọn Việt Nam là thị trường ra mắt sản phẩm sữa bột mới dành cho trẻ em từ 3 tuổi, trước cả Nhật Bản. Phía tập đoàn đánh giá Việt Nam là một thị trường sữa rất tiềm năng.
Tháng 11, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, giá điện và giá nhà thuê là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng tăng lên.
Người dân cần nắm thông tin giá vé, giờ hoạt động... của tuyến Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) để có thể đi lại bằng phương thức này, bắt đầu từ ngày 22/12/2024.