Trái thanh long Bình Thuận sẽ “bay thẳng” sang Hà Lan, châu Âu

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 15/04/2022 19:00 PM (GMT+7)
Trái thanh long Bình Thuận sẽ có thêm cơ hội để "bay thẳng" sang Hà Lan và châu Âu thông qua sự hỗ trợ từ Dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam.
Bình luận 0

Cơ hội cho trái thanh long Bình Thuận

Dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là chủ dự án và Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam cung cấp viện trợ.

Dự án được thực hiện trong 3 năm tại 4 tỉnh gồm: Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Thuận và Long An.

Ngân sách dự án hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó ngân sách do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý, thực hiện trên 2 tỷ đồng. Ngân sách do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam quản lý, thực hiện trên 2 tỷ đồng (tương đương 80.105 euro).

Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện vị thế của nông dân sản xuất thanh long, xoài và bưởi tại một số tỉnh, thành của Việt Nam.

Thu hoạch thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Ảnh: Trần Khánh

Thu hoạch thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Ảnh: Trần Khánh

Dự án triển khai dựa trên việc áp dụng các biện pháp, cách làm, công nghệ sáng tạo và bền vững và hướng đến thị trường cao cấp trong nước và quốc tế.

Trước đó, ngày 11/4, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam cùng với Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã khảo sát một số vườn trồng thanh long trên địa bàn tỉnh để phục vụ dự án.

Cụ thể, Đoàn khảo sát đã đã đến thăm mô hình trồng thanh long của ông Nguyễn Văn Tám, hội viên nông dân và là thành viên của HTX thanh long xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam).

Mô hình thứ 2 là vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc).

Đây là 2 hộ nông dân trên địa bàn 2 huyện của tỉnh Bình Thuận được chọn tham gia vào mô hình trình diễn để giúp nâng cao chất lượng trái cây.

Mục đích của chuyến khảo sát nhằm tìm hiểu từ nguồn nước tưới; kỹ thuật canh tác; việc sử dụng phân, thuốc; thị trường xuất khẩu.

Đoàn khảo sát cũng đã giới thiệu mục tiêu, hướng hỗ trợ của dự án, cũng như đòi hỏi những yêu cầu mà nông dân phải thực hiện.

Thời gian qua, thị trường tiêu thụ thanh long Bình Thuận gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm. Ảnh: Trần Khánh

Thời gian qua, thị trường tiêu thụ thanh long Bình Thuận gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm. Ảnh: Trần Khánh

Qua chuyến khảo sát, các chuyên gia của Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các nông dân trong canh tác. Tuy nhiên, việc trồng thanh long Bình Thuận vẫn còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục. 

Thông qua việc chọn các nông hộ nồng cốt,  dự án sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất.

Ngoài việc hỗ trợ phân, thuốc, kỹ thuật canh tác, dự án còn sẽ tạo ra cầu nối liên kết trái để xuất khẩu trái cây, trong đó có thanh long Bình Thuận sang thị trường châu Âu.

Tính thực tế của dự án là cần thiết cho trái thanh long Bình Thuận

Cả 2 chủ vườn thanh long Bình Thuận đều bày tỏ niềm vui khi được tham gia dự án.

Ông Nguyễn Văn Tám ở xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, thị trường thanh long đang gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi hi vọng dự án sẽ hỗ trợ nông dân phát triển, để cải thiện thu nhập thông qua nâng cao chất lượng trái thanh long", ông Tám nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc) cảm ơn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đã quan tâm đến những nông dân đang trồng thanh long như ông.  

Nông dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Ảnh: Trần Khánh

"Đây là cơ hội tốt để học hỏi kinh kiệm thực tiễn từ yêu cầu của chính thị trường châu Âu. Chúng tôi sẽ nhiệt tình tham dự án, để lấy kinh nghiệm chia sẻ cho bà con nông dân khác nữa", ông Dũng chia sẻ.

Thời gian qua, đã có khá nhiều dự án của nước ngoài hỗ trợ cho thanh long Bình Thuận.  Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều dự án vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Trao đổi với Báo Dân Việt, ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đánh giá cao tính thực tế từ dự án lần này của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam.

Ông Hoàng cho biết, thực ra ngân sách của dự án không lớn, chỉ hơn 4,1 tỷ đồng hỗ trợ cho 4 tỉnh. Tuy nhiên, tính thực tế của dự án nằm ở quy mô nhỏ gọn khi triển khai.

Dự án bắt đầu lựa chọn và triển khai trên quy mô nhỏ. Mỗi huyện chỉ chọn 1 hộ nông dân, và chỉ thực hiện bước đầu trên 500 trụ thanh long.

Mục đích làm sao để trái thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hà Lan và châu Âu. Điều kiện đó gần như tương đồng tiêu chuẩn GlobalGAP.

Từ hộ dân đầu tiên, dự án sẽ nhân rộng ra 300 hộ khác trong cùng một huyện. Như thế, 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc được chọn triển khai sẽ có 600 hộ dân thực hiện theo phương thức của dự án.

Ông Hoàng cho biết, toàn bộ sản phẩm làm ra sẽ được doanh nghiệp ở Hà Lan và châu Âu bao tiêu.

Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đánh giá rất cao tính thực tế từ dự án lần này của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đánh giá rất cao tính thực tế từ dự án lần này của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam. Ảnh: Trần Khánh

Ngoài Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, dự án còn có sự tham gia kết nối của 3 đơn vị uy tín khác trong nước.

Trong đó có 1 công ty cung cấp phân bón, 1 đơn vị cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, và 1 cơ quan kiểm định chất lượng đất, nước và sản phẩm cuối cùng.

"3 đơn vị đầu ngành này sẽ tham gia hỗ trợ miễn phí để hoàn thành giai đoạn thí điểm", ông Hoàng cho biết.

Cho đến khi 600 nông hộ trồng thanh long làm ra được sản phẩm đồng nhất, các nông dân hoặc tổ chức khác có thể tìm đến để học hỏi kinh nghiệm.

Lúc này, 3 đơn vị tham gia sẽ không cung cấp dịch miễn phí nữa mà kinh doanh tính phí.

Ông Hoàng cho rằng, đây mới là cách làm hợp lý. Vì theo ông, dự án có sự tham gia trực tiếp từ các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, vốn là các đơn vị đầu ngành trong việc cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào.

"Các dự án trước đây chưa phát huy hiệu quả do thiếu tính liên kết với nông dân, dù kinh phí hỗ trợ lớn. Hướng đi của dự án này rất rõ ràng vì mục tiêu chính yếu là thị trường tiêu thụ", ông Hoàng đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem