Chuyển đổi số đang giúp gia tăng giá trị ngành chăn nuôi huyện Phú Giáo của Bình Dương

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 25/11/2023 06:08 AM (GMT+7)
Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Phú Giáo (Bình Dương) đến năm 2023 đạt 623 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, quy mô chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi công nghệ cao và chuyển đổi số đã làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn.
Bình luận 0

Doanh nghiệp làm công nghệ cao

Ở xã Phước Sang (huyện Phú Giáo), trang trại bò sữa của Công ty CP Anova Agri Bình Dương đang ứng dụng nhiều công nghệ cao vào sản xuất. Việc quản lý chăn nuôi được kiểm soát bằng phần mềm tiên tiến.

Ông Nguyễn Thanh Trung - Tổng Giám đốc công ty cho biết, trang trại có quy mô 470ha, được xây dựng năm 2013 với số vốn hơn 215 tỷ đồng. Công ty đang ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa thông qua phần mềm quản lý đàn của châu Âu.

Trang trại bò sữa của Công ty CP Anova Agri Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Trang trại bò sữa của Công ty CP Anova Agri Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Công nghệ điều khiển khí hậu trong chuồng nuôi được công ty kiểm soát bởi máy đo và phần mềm quản lý, nhằm cân bằng nhiệt luôn ở một mức phù hợp. Công nghệ dinh dưỡng và kiểm soát việc cho bò ăn được áp dụng phù hợp theo từng lứa tuổi và từng nhóm bò cụ thể.

Công ty cũng áp dụng công nghệ làm lạnh và bảo quản sữa tự động. Việc quản lý chất lượng sữa được thực hiện nhờ tự động điều chỉnh, hạ nhiệt độ của sữa xuống ở mức phù hợp, từ đó có thể giữ sữa tươi được nhiều ngày.

Tất cả những công nghệ đang được áp dụng đều chạy bằng hệ thống quản lý phần mềm. Ông Trung chia sẻ, hệ thống quản lý phần mềm này cũng đã được các chuyên gia nước ngoài nội địa hóa bằng tiếng Việt, phục vụ công tác chuyển giao cho nông dân sau này.

Hiện nay, lượng sữa tươi của Việt Nam đưa vào chế biến không không nhiều so với nhu cầu thị trường. Nhiều công ty sữa phải nhập thêm sữa khô, sữa bột từ các nước về. Vì vậy, sữa tươi vẫn đang có thị trường tốt.

Mặt khác, bò sữa nuôi bằng kỹ thuật tiên tiến, chi phí sản xuất sẽ thấp hơn, chất lượng sữa khai thác luôn ổn định ở mức cao hơn. Từ đó, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu tại trại chăn nuôi công nghệ cao luôn cao hơn giá thu mua từ các hộ chăn nuôi thông thường. Hiện tổng đàn bò sữa của công ty có trên 1.000 con, cung cấp ra thị trường 8 triệu lít sữa chất lượng cao mỗi năm.

Chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Anova Agri Bình Dương. Ảnh: Duy Chí

Chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Anova Agri Bình Dương. Ảnh: Duy Chí

Ông Trần Minh Đức - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo cho biết, việc áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào mô hình chăn nuôi giúp giảm bớt thời gian và sức lực cho người lao động; nâng cao độ chính xác, vừa an toàn dịch bệnh là xu hướng tích cực của ngành chăn nuôi hiện nay.

Những thành công của công ty Anova Agri Bình Dương đang tạo động lực cho ngành chăn nuôi địa phương chuyển dịch từ chăn nuôi theo truyền thống sang chăn nuôi hiện đại.

Nuôi vịt trong trại lạnh dưới tán cao su

Tại xã An Thái, anh Phạm Ngọc Thành đang phát triển thành công mô hình nuôi vịt công nghệ cao trong môi trường lạnh. Từ năm 2012, anh tận dụng diện tích cao su sẵn có, xây dựng mô hình nuôi vịt cạn dưới tán cây.

Lúc đầu, việc quản lý thức ăn, dịch bệnh gặp rất khó khăn; tỷ lệ hao hụt đầu con ở mức cao. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại nuôi vịt trong chuồng lạnh, năm 2018, anh bắt đầu chuyển hướng nuôi vịt công nghệ cao.

Chuồng nuôi vịt công nghệ cao của anh có đầy đủ hệ thống sàn, điện lạnh, hầm biogas xử lý chất thải. Bên trong trại nuôi vịt, các dãy nhà bạt được dọn dẹp tươm tất, không có mùi hôi thối.

Chuồng nuôi vịt trong trại lạnh có đầy đủ hệ thống sàn, điện lạnh, hầm biogas xử lý chất thải. Ảnh: Hải Sâm

Chuồng nuôi vịt trong trại lạnh có đầy đủ hệ thống sàn, điện lạnh, hầm biogas xử lý chất thải. Ảnh: Hải Sâm

Mỗi nhà bạt được lót tầm lưới bằng nhựa làm sàn, cách mặt đất khoảng nửa mét. Trần nhà được lắp tấm xốp cách nhiệt, và gắn thêm máy quạt phun hơi nước để tạo không khí mát mẻ. Hệ thống nước uống và dây chuyền máng ăn đều được điều khiển qua phần mềm trên điện thoại di động.

Theo anh Thành, chi phí đầu tư cho 1.000 con vịt tốn khoảng 200 triệu đồng. Cơ sở vật chất này có thể sử dụng trong vòng 5-7 năm. Nhờ khâu ăn uống hoàn toàn tự động, vịt ít tiếp xúc với con người và môi trường bên ngoài nên hạn chế được dịch bệnh.

Sau 3 năm nuôi, từ 1.000 con vịt giờ đây trang trại của anh đã mở rộng lên gần 20.000 con. Anh kể, trước đây, nuôi 1 lứa vịt theo cách truyền thống phải nuôi mất 52-55 ngày; tiêu tốn khoảng 300 bao cám/1.000 con vịt/lứa.

Hiện tại, cách nuôi bằng công nghệ cao chỉ cần 45 ngày, tiêu tốn 270 bao cám, vịt có thể xuất chuồng với trọng lượng bình quân 3,5kg/con (tăng 200gam so với nuôi truyền thống). Với giá vịt giao động từ 50.000-52.000 đồng/kg đem lại lợi nhuận cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng/lứa.

Tại xã Tân Hiệp, anh Mai Đình Long cho biết, những năm gần đây, giá mủ cao su liên tục giảm, đời sống gia đình gặp khó khăn. Từ khi được Hội Nông dân các cấp triển khai mô hình nuôi vịt trên cạn bằng công nghệ trại lạnh, anh đã mạnh dạn đầu tư 4 trại, với công suất nuôi 6.000 con vịt.

Theo anh Long, nuôi vịt bằng thiết bị tự động, ít tốn nhân công, lại tận dụng được khoảng cách đất trống giữa các hàng cây cao su để làm trại nuôi. Cứ 2 tháng, anh cho xuất bán một lứa. Trừ hết chi phí, anh thu về hơn 500 triệu đồng/năm. Có thêm thu nhập, đời sống gia đình anh không ngừng được cải thiện.

Ngày càng nhiều nông dân ở Phú Giáo nuôi vịt trong trại lạnh do hiệu quả mô hình này mang lại. Một nông dân nuôi vịt trại lạnh ở xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo). Ảnh: Trần Khánh

Ngày càng nhiều nông dân ở Phú Giáo nuôi vịt trong trại lạnh do hiệu quả mô hình này mang lại. Một nông dân nuôi vịt trại lạnh ở xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo). Ảnh: T.L

Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, huyện Phú Giáo đang dần chuyển từ sản xuất số lượng sang gia tăng giá trị, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang sản xuất quy mô lớn.

Trong đó, vai trò của công nghệ nhất là công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được chú trọng.

Xã Tân Hiệp đang vận động người dân tập trung chuyển đổi mô hình ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật số vào trong sản xuất. Ví dụ như phát triển các trang trại nuôi vịt bằng trại lạnh, các trang trại chăn nuôi mang tính công nghiệp quy mô lớn

Ông Đoàn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao chiếm ưu thế so với chăn nuôi nhỏ lẻ, với trên 97,5% số lượng heo; 91% số lượng gà vịt theo phương thức công nghiệp.

Khu vực nông nghiệp nông thôn tiếp tục chiếm tỉ trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Phú Giáo. Huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt bình quân hàng năm từ 7%/ năm.

"Huyện Phú Giáo sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển vật nuôi chủ lực, khuyến khích phát triển các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, triển khai chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Đồng cho biết.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem