Chủ lò bánh tráng ở Củ Chi đầu tư khủng, mỗi ngày sản xuất 10 tấn, thu hơn 300 triệu đồng

Lê Giang Thứ tư, ngày 27/09/2023 07:19 AM (GMT+7)
Lớn lên bên lò bánh tráng ở Củ Chi, anh Mai Văn Nghĩa tạo bước ngoặt lớn cho gia đình khi chuyển đổi công nghệ sản xuất với dây chuyền máy móc hiện đại để nâng cao sản lượng lên đến 10 tấn, doanh thu hơn 300 triệu mỗi ngày.
Bình luận 0

Táo bạo đổi mới đưa máy móc thay sức người

Sinh ra ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM), anh Mai Văn Nghĩa lớn lên đã quen với mùi của bột, cái nóng của lò bánh đỏ lửa cùng những giàn phơi bánh hàng hàng lớp lớp của gia đình và xóm giềng. Nghề làm bánh tráng bao đời được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở huyện Củ Chi này gắn với người dân như mối duyên tiền định.

Năm 1998, anh Mai Văn Nghĩa kế thừa nghề làm bánh tráng gia đình với cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh. Khi đó lò bánh tráng của gia đình anh còn thô sơ, phơi bánh với nắng trời.

Mỗi ngày sản xuất 10 tấn thu hơn 300 triệu, chủ lò bánh tráng ở Củ Chi đầu tư khủng cỡ nào? - Ảnh 1.

Anh Mai Văn Nghĩa chủ lò bánh tráng Thành Danh tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (TP.HCM) giới thiệu bánh tráng vừa được sản xuất bằng máy. Ảnh: Lê Giang

Vì vậy, hình ảnh vất vả của nghề tráng bánh hoàn toàn thủ công, phơi khô phụ thuộc ông trời luôn ám ảnh anh đến lúc trưởng thành. "Hôm nắng còn đỡ, vào mùa mưa thì gần như nhà nào cũng phải nghỉ vì làm ra cũng không có chỗ để phơi, lúc đó lại không đủ hàng giao cho khách rồi lại hụt vốn", anh Nghĩa nhớ lại.

Nhận thấy việc sản xuất bánh tráng theo hình thức thủ công không còn phù hợp và năng suất không cao, anh khuyên gia đình mạnh dạn đầu tư hệ thống tráng và sấy bánh tự động giúp nâng cao năng suất. Anh Nghĩa quyết tâm tìm ra cách làm mới cho nghề truyền thống của gia đình.

Mỗi ngày sản xuất 10 tấn thu hơn 300 triệu, chủ lò bánh tráng ở Củ Chi đầu tư khủng cỡ nào? - Ảnh 2.

Máy tráng bánh và hấp trong dây chuyền sản xuất khép kín tại lò Thành Danh của anh Mai Văn Nghĩa. Ảnh: Lê Giang

Vừa làm vừa mày mò tìm hiểu từ chính các hộ làm bánh tráng khác trong xã, anh Nghĩa cho rằng nếu ứng dụng công nghệ tự động hóa sẽ góp phần khá lớn vào quá trình sản xuất, từ khâu tráng bánh cho đến sấy khô mà không trông chờ chuyện trời mưa hay nắng.

Sau đó anh nghiên cứu và đưa máy sấy bánh tráng vào hoạt động. Sau 3 lần nâng cấp thay đổi, hiện nay anh chỉ dùng 1 máy sấy nhưng năng suất hơn 3 máy ngày trước.

"Vì sản xuất thủ công trước đó nên có những thời điểm không đủ hàng cung cấp ra thị trường. Từ lúc lắp đặt hệ thống tráng và sấy khô bánh liên hoàn, sản lượng tăng gấp ba lần, không lo thiếu hàng giao cho khách", anh Nghĩa cho biết.

Mỗi ngày sản xuất 10 tấn thu hơn 300 triệu, chủ lò bánh tráng ở Củ Chi đầu tư khủng cỡ nào? - Ảnh 3.

Với mô hình sản xuất dây chuyền tự động, lượng nhân công được giảm đáng kể tiết kiệm chi phí vận hành sản xuất. Ảnh: Lê Giang

Đầu tư lớn, doanh thu "khủng"

Mạnh dạn thay mô hình sản xuất mới đã mang lại năng suất lớn, đồng nghĩa với đổi thay cả nguồn lợi kinh tế cho gia đình. Nhưng không chỉ có vậy, quyết định thay đổi ấy còn thay thế cả cách làm truyền thống lâu đời qua hướng sản xuất hiện đại, tự động hóa, giảm lệ thuộc vào thời tiết, và nhất là giúp yên tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, lò bánh tráng Thành Danh có cơ ngơi khang trang rộng hơn 2.000m2 gồm khu dây chuyền tráng bánh, sấy khô tự động và khu sơ chế đóng gói thành phẩm. Tổng chi phí đầu tư anh và gia đình bỏ ra hơn chục tỷ đồng.

Mỗi ngày sản xuất 10 tấn thu hơn 300 triệu, chủ lò bánh tráng ở Củ Chi đầu tư khủng cỡ nào? - Ảnh 4.

Bánh tráng sản xuất bằng máy thành mảng lớn sau khi được sấy khô chuẩn bị được đem đi cắt với nhiều kích thước và kiểu dáng khác nhau theo yêu cầu khách hàng. Ảnh: Lê Giang

Với việc ứng dụng máy có năng suất cao, số lượng nhân công tại lò bánh tráng của anh giảm đáng kể, hiện nay còn 60 nhân công. Vì thế, chi phí sản xuất cũng giảm nên giá thành bánh tráng tại lò của anh tốt hơn so với các lò bánh tráng khác hiện nay.

Mỗi ngày, lò bánh tráng anh Nghĩa cho ra 10 tấn bán tráng thành phẩm. Với giá bán 31.000 đồng/kg, doanh thu của anh Nghĩa đạt 310 triệu một ngày.

Mỗi ngày sản xuất 10 tấn thu hơn 300 triệu, chủ lò bánh tráng ở Củ Chi đầu tư khủng cỡ nào? - Ảnh 5.

Với dây chuyền sản xuất hiện đại, mỗi ngày lò Thành Danh cho ra 10 tấn bánh tráng thành phẩm. Ảnh: Lê Giang

Đổi dây chuyền sản xuất, anh Nghĩa đầu tư tiếp đến kênh bán hàng. Ngoài bán cho thương lái truyền thống, anh khai thác thêm kênh phân phối, bán hàng qua mạng, các app và có hiệu quả khá rõ khi đơn đặt hàng tăng lên, thu hút lượng khách hàng lớn.

Áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất bánh tráng cho năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn, đáp ứng đa dạng chủng loại và kích cỡ theo yêu cầu khách hàng, đặc biệt là không còn lệ thuộc vào điều kiện thời tiết. Với sự đầu tư táo bạo của mình, lò bánh tráng Thành Danh trở thành một trong những cơ sở uy tín thu hút khách hàng khắp mọi miền đất nước.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem