Cô giáo vùng cao mong học sinh có áo ấm đến trường khi đông đến

Bảo Yến Thứ năm, ngày 27/07/2023 10:30 AM (GMT+7)
“Mùa đông, nhiều học sinh vẫn phải mang chiếc áo mỏng chống chọi với cái rét để đến lớp. Không ít lần cô giáo cắm bản phải vận động phụ huynh góp củi để đốt lửa ở trong lớp giúp học sinh bớt lạnh”.
Bình luận 0

Đó là những nỗi trăn trở nhiều năm nay của cô Đèo Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Chiến khi nói về những khó khăn của học sinh vùng cao nơi cô đang công tác.

Trường của xã vùng 3 đặc biệt khó khăn

Trường Tiểu học Ngọc Chiến được thành lập từ năm 2018 trên cơ sở 2 trường: Trường Tiểu học Ngọc Chiến A và Trường Tiểu học Ngọc Chiến B. Trường đóng trên địa bàn xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Đây là xã thuộc vùng III, vùng đặc biệt khó khăn của huyện.

Xã Ngọc Chiến là nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em là Thái, Mông, La Ha và Kinh, trong đó dân tộc Thái và Mông chiếm phần lớn. Ở nơi đây, người dân sống chủ yếu dựa vào những ruộng lúa, nương ngô và táo mèo. Nguồn thu nhập bấp bênh khiến cho cái nghèo cái khó vẫn còn đeo bám.

Cuộc sống khó khăn, vì miếng cơm manh áo, nhiều bậc cha mẹ bấm bụng rời xa quê hương, gửi con lại cho ông bà để mưu sinh nơi xứ người. Vì vậy, những đứa trẻ nơi đây lớn lên thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc và tình yêu thương của bố mẹ. 

Nói về mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình học sinh, cô Thu Huyền cho hay: “Cuộc sống của người dân còn thiếu thốn nên nhiều gia đình đã gửi con lại cho ông bà để đi làm ăn xa. Vì vậy, việc học của các em học sinh vẫn chưa được gia đình quan tâm. Nhiều lúc trò ốm đau nghỉ học nhưng phụ huynh cũng không báo lại với cô giáo. Với trách nhiệm của một giáo viên, nếu không thấy trò đến lớp thì không khỏi lo lắng. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ đến tận nhà để gọi trò”.

Cô giáo vùng cao mong học sinh có áo ấm đến trường khi đông đến - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Ngọc Chiến đóng trên địa bàn xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Đây là xã thuộc vùng III, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Ảnh: Dân Việt

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt về công tác giáo dục trên địa bàn xã, ông Lò Văn Xây – Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến thông tin, các nhà trường nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, học sinh vùng cao cũng được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cũng nhấn mạnh, đây là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn. Các lớp cắm bản chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng.

“Đặc biệt, người dân ở các bản vùng cao hầu hết đều là dân tộc Mông, nhận thức của phụ huynh còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc phụ huynh không cho con đi học hết cấp, chỉ học xong lớp 9 là cho con nghỉ học giúp gia đình hoặc cho gả vợ lấy chồng...” – ông Xây cho hay.

Điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn

Ở xã đặc biệt khó khăn, thiếu sự quan tâm từ phụ huynh nên con đường đến trường của những đứa trẻ vùng cao Ngọc Chiến càng trở nên chông chênh. Từ những năm 2011 - 2012 lên trường nhận công tác, cô Huyền đã phải chứng kiến sự thiếu thốn của học sinh nơi đây. Lúc đó, vì thiếu giáo viên cô Huyền vừa làm công tác quản lý, vừa nhận chủ nhiệm lớp Một. Hình ảnh những em học sinh lấm lem, nhem nhuốc bùn đất khiến cho cô giáo vùng cao xót xa. Vì vậy, mỗi lần về nhà cô lại kêu gọi mọi người tặng đồ cũ cho các em.

Theo năm tháng học sinh lớn lên, những bộ quần áo cũ không thể truyền lại cho thế hệ đàn em kế tiếp. Vì vậy, sự thiếu thốn đó lại tiếp diễn với thế hệ sau. Nỗi lo đau đáu được cho con em vùng cao vui bước đến trường trong lòng “người lái đò” vẫn chưa thể nào vơi.

Cô giáo vùng cao mong học sinh có áo ấm đến trường khi đông đến - Ảnh 2.

Đông về có chiếc áo ấm đến trường là niềm mơ ước của của các trò vùng cao . Ảnh: Dân Việt

“Mùa đông trên này lạnh lắm, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán có nơi còn xuất hiện băng tuyết. Thế nhưng, việc các em chỉ có tấm áo mỏng đến lớp giữa trời đông giá còn nhiều. Để giúp học sinh bớt lạnh khi đến trường các cô giáo đã phải vận động phụ huynh góp củi đốt lửa sưởi ấm, hay mỗi lần về nhà các cô lại xin những chiếc áo cũ mang lên lớp tặng học sinh” - cô Huyền xót xa khi nói về sự thiếu thốn của học sinh vùng cao.

Không chỉ là chiếc áo ấm mà những đôi dép, cây bút, cái thước của học sinh cũng là nỗi trăn trở cho cho cô giáo vùng cao.

“Có lần mình lên lớp bắt gặp một em học sinh không đi dép, khi được cô giáo hỏi lý do thì em ấy bảo quên ở nhà. Nhưng ở đây mình đã quen với cảnh các em đi đường xa đứt dép chưa có tiền mua nên phải đi chân đất đến trường, vậy nên mình lại đi mua dép cho em” – cô Huyền nhớ lại.

Cô giáo vùng cao mong học sinh có áo ấm đến trường khi đông đến - Ảnh 3.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Trường Tiểu học Ngọc Chiến có học sinh thi đỗ vào Trường PTDT Nội Trú THCS & THPT Mường La chiếm tỉ lệ cao nhất. Ảnh: Dân Việt

Năm học 2023 - 2024 sắp đến, Trường Tiểu học Ngọc Chiến sẽ đón chào 1.350 học sinh. Với địa bàn trải rộng, người dân sống rải rác nên những học sinh được ở gần điểm trường của phải đi bộ khoảng 2 – 3km. Có những em ở bản xa như bản Huổi Mùa xuống trường chính học cũng phải đi bộ lên tới 12km.

Mặc dù nhà trường có hơn 250 em học sinh thuộc diện ở bán trú nhưng cơ sở vật chất của nhà trường chỉ có thể đáp ứng được cho gần 50 em. Bởi vì những chiếc chăn ấm mùa đông, tủ lạnh để dự trữ, bảo quản thức ăn, hay chiếc tivi để các em biết thêm những điều bổ ích về thế giới rộng lớn… vẫn còn rất thiếu.

Nhằm giúp cô trò Trường Tiểu học Ngọc Chiến có thêm cơ sở vật chất dạy và học, học sinh có thêm chiếc áo ấm, cặp sách, đồ dùng học tập, ti vi… Báo Điện tử Dân Việt rất mong sự chung tay của các nhà hảo tâm và bạn đọc trên cả nước.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về

Trường Tiểu học Ngọc Chiến (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La)

Số điện thoại cô Đèo Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng nhà trường: 0845.161.886

Hoặc gửi về: Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 21210000524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 21723



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem