Doanh nghiệp bất động sản hết lòng "chiều khách" để kích cầu thị trường

Quốc Hải Thứ ba, ngày 04/07/2023 10:51 AM (GMT+7)
Ngoài việc mạnh tay chiết khấu để thu hút khách hàng mua sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản còn mạnh tay bán luôn các quỹ đất lớn để tạo dòng tiền, cơ cấu lại nợ và tạo thanh khoản cho thị trường.
Bình luận 0

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, việc nhiều chủ đầu tư chủ động tung ra chính sách ưu đãi, khuyến mại, thanh toán linh hoạt nhằm kích cầu là cần thiết. Bởi trong bối cảnh đợi chờ những chính sách gỡ khó được Chính phủ đưa ra kịp "ngấm" vào thị trường, các giải pháp tự cứu lấy mình lúc này là rất cần thiết.

Doanh nghiệp bất động sản hết lòng “chiều khách” để kích cầu thị trường - Ảnh 1.

Các DN bất động sản đang đề ra nhiều giải pháp để "tự cứu lấy mình" trong bối cảnh khó khăn, chờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ kịp "ngấm" vào thị trường. Ảnh: Quốc Hải

Doanh nghiệp bất động sản hết lòng "chiều khách"

Theo quan sát của Dân Việt, trong bối cảnh thanh khoản thị trường vẫn khá ảm đạm, nhiều chủ đầu tư đã tung ra các chính sách bán hàng sáng tạo, chủ yếu tập trung đưa ra các ưu đãi về tiến độ thanh toán và hỗ trợ lãi suất, nhằm thu hút khách mua.

Chẳng hạn, tại TP.HCM, mới đây Masterise Homes - đơn vị phát triển dự án Masteri Centre Point - liên tiếp tung ra những chính sách thanh toán linh hoạt, giúp người mua nhà có nhiều lựa chọn tốt.

Theo đó, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn một trong hai gói tài chính tùy theo kế hoạch tài chính cá nhân. Với gói tài chính thứ nhất, chỉ cần thanh toán 35% là có thể vào nhận nhà ở ngay trong 3 năm đầu, bước sang năm thứ 4 mới phải trả mỗi tháng 5% trong vòng 13 tháng liên tiếp.

Còn nếu không có sẵn tài chính, khách hàng có thể lựa chọn phương án vay vốn ngân hàng với ưu đãi lãi suất 0% cùng ân hạn nợ gốc trong 18 tháng đầu, 18 tháng tiếp theo trả lãi tối đa 6,5%/năm. Đồng thời, chủ đầu tư còn đưa ra chính sách tặng tất cả khách hàng 12 tháng phí quản lý và gói nội thất rời.

Ở khu vực phía Bắc, tại dự án chung cư Imperia Smart City (Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), chủ đầu tư cam kết hỗ trợ người mua được hưởng gói vay lãi suất 0% trong thời gian lên tới 2 năm. Chưa kể còn miễn phí 5 năm phí quản lý dịch vụ hay giảm 1,3 tỷ/căn nếu trả bằng vốn tự có.

Hoặc, dự án Melody Residence đưa ra mức chiết khấu 38% giá trị căn hộ cho người mua khi thanh toán trước toàn bộ, còn người dùng vốn vay sẽ được ân hạn nợ gốc 24 tháng và ngân hàng cam kết hỗ trợ lãi suất mua nhà dưới mức 10%/năm đi kèm giảm trừ 50% phí quản lý trong 2 năm đầu.

Tương tự, với The Sakura thuộc khu đô thị Vinhomes Smart City phía Tây Hà Nội, đơn vị này đưa ra chính sách hỗ trợ vay 70% giá trị căn hộ với lãi suất 0% kéo dài 24 tháng (không quá 26/6/2025) và quà tặng 5 năm phí quản lý; chiết khấu lên tới 18% khi thanh toán bằng vốn tự có.

Doanh nghiệp bất động sản hết lòng “chiều khách” để kích cầu thị trường - Ảnh 2.

Các DN cũng nhanh chóng tái cơ cấu bộ máy nhân sự, quản trị để vượt qua khó khăn. Ảnh: Quốc Hải

Ngoài đẩy mạnh chiết khấu, khuyến mãi…, các DN bất động sản cũng thay đổi về cách quản trị để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Mới đây, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của "ông lớn" Phát Đạt (HoSE: PDR), ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT PDR cho hay, thay vì chỉ bán sỉ như trước kia, với các dự án đang triển khai Bình Dương Tower, Bắc Hà Thanh, Serenity Phước Hải…, Phát Đạt sẽ kết hợp mô hình bán sỉ và bán lẻ với mục tiêu kiểm soát dòng tiền chặt chẽ, tối ưu hóa lợi nhuận và thu tiền về nhanh nhất.

"Thời gian qua, Phát Đạt đã xây dựng một công ty con chuyên về mảng bán lẻ là Phát Đạt Realty để phục vụ cho việc bán lẻ sản phẩm", ông Đạt nói.

Đến M&A hoặc bắt tay với các ngân hàng để tìm "lối thoát"

Một hướng đi khác của các DN BĐS trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, đó là xu hướng M&A (mua bán, sáp nhập) các dự án, hoặc bắt tay với các ngân hàng để tìm hướng ra cho sản phẩm.

Chẳng hạn, thương vụ mới đây của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (HoSE: KDH) khi chuyển nhượng 49% vốn tại hai dự án khu dân cư liền kề tại TP.Thủ Đức cho Tập đoàn Keppel (Singapore) và Quỹ Keppel Việt Nam (KVF), thu về 3.180 tỷ đồng, khoảng 187,1 triệu USD.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mức giá này giảm đến vài chục phần trăm so với lúc thị trường sôi động.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) cũng chia sẻ tại đại hội cổ đông rằng năm ngoái ông đã chịu nhiều thiệt hại để giúp công ty vượt qua đợt cao điểm trả nợ đáo hạn.

"Một tài sản 3.000 tỷ đồng tôi chấp nhận bán 2.000 tỷ đồng. Tài sản gia đình và cá nhân tôi cũng bán hoặc thế chấp để có tiền đưa công ty vượt qua khó khăn", ông Đạt nói.

Hoặc trước đó vào đầu tháng 4, Tổng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) đã ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng cụm dự án ở TP.Thủ Đức gồm chung cư An Phú Riverview và chung cư An Phú Residences cho Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside. Nếu việc chuyển nhượng diễn ra thành công, công ty có thêm nguồn thu 600 - 650 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản hết lòng “chiều khách” để kích cầu thị trường - Ảnh 3.

Một số DN khác thì tiến hành M&A hoặc bắt tay với ngân hàng để khởi động dự án, bán hàng. Ảnh: Quốc Hải

Trong khi đó, một số DN khác tìm cách bắt tay với ngân hàng để tài trợ các dự án vượt qua khó khăn. Có thể kể đến như trường hợp OneHousing gần đây đã hợp tác với Techcombank (TCB) cung cấp gói vay mua nhà ưu đãi cho người mua thứ cấp tại một dự án của Vinhomes, với ân hạn gốc 24 tháng và lãi vay chỉ 7%/năm để kích cầu trên thị trường thứ cấp ở dự án này.

Đây là một chính sách bán hàng khá mới trên thị trường vì các ưu đãi này thường chỉ áp dụng cho người mua sơ cấp, nhưng hiện nay có thể mở rộng áp dụng cho người mua thứ cấp để kích cầu.

Hoặc mới đây, Novaland (HoSE: NVL) cũng bắt tay với VPBank và các đối tác nhà thầu, ký kết hợp tác để tái khởi động, tiếp tục triển khai thi công dự án Đô thị sinh thái thông minh Aqua City.

Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, những dự án buộc phải M&A đa số trước đó là vay ngân hàng, nay đến thời gian đáo hạn, buộc chủ đầu tư phải bán để có dòng tiền quay vòng.

"Giải pháp M&A hay giảm giá đẩy hàng tồn kho chỉ là nhất thời để giúp DN trụ vững qua khó khăn. Còn muốn kéo thị trường sôi động lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác, như ngân hàng mở room cho doanh nghiệp bất động sản, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ 'ngấm' vào thị trường, các dự án được gỡ vướng… Có như vậy thì thị trường mới tốt lên", ông Phương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem