TP.HCM: Khách hàng thanh lý bất động sản với chủ đầu tư, mòn mỏi chờ tiền về túi

Gia Linh Chủ nhật, ngày 02/07/2023 15:43 PM (GMT+7)
Khi thị trường bất động sản khó khăn, không có tính thanh khoản, nhiều khách hàng lựa chọn phương án thanh lý với chủ đầu tư nhưng vẫn chưa biết khi nào tiền về túi.
Bình luận 0

Chờ tiền thanh lý bất động sản

4 tháng qua, kể từ ngày thanh lý sản phẩm căn hộ tại một dự án trên địa bàn TP.Thủ Đức, TP.HCM, chị Võ Nga (32 tuổi) vẫn chưa nhận được đầy đủ tiền.

"Chủ đầu tư bất động sản thông báo do tình hình kinh doanh khó khăn nên doanh nghiệp đã cạn tiền. Ngân hàng không cho vay mới cũng như không chịu giải ngân các khoản vay cũ nên công ty không có tiền trả đủ cho khách hàng. Dù số tiền tôi đã đóng vào chưa đến 1 tỷ đồng, công ty vẫn hứa hẹn sẽ chia nhỏ số tiền trên ra nhiều phần và trả dần cho khách hàng", chị Nga nói.

TP.HCM: Khách hàng thanh lý bất động sản với chủ đầu tư, mòn mỏi chờ tiền về túi - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng mỏi mòn chờ tiền thanh lý bất động sản. Ảnh: Gia Linh

Trường hợp khác, anh Hùng (45 tuổi) cho biết từ cuối năm 2022, anh đã nhờ bên môi giới rao bán dự án High Intela trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) nhưng không bán được. Công trình mới xây dựng xong phần móng, đã nằm "đắp chiếu" nhiều năm do vướng pháp lý, chưa đóng tiền sử dụng đất.

Sau khi nhiều lần rao bán không được, anh Hùng đã quyết định thanh lí lại sản phẩm cho chủ đầu tư nhưng không được tính lãi.

"Tôi đã chôn vốn hơn 800 triệu vào dự án trên đã 3-4 năm nay, không sinh lợi được đồng nào. Bây giờ tôi yêu cầu thanh lí thì chủ đầu tư đưa ra tờ giấy dự án nằm trong diện điều kiện bất khả kháng, không phải trả tiền lãi khi thanh lí cho khách hàng. Đã vậy, chủ đầu tư cũng không có tiền trả dứt điểm một lần cho tôi mà hứa hẹn trả thành nhiều đợt vì công ty đã cạn tiền", anh Hùng cho hay.

Anh Nguyễn Minh Sang (môi giới công ty Uniland) cho biết: "Hiện nay, nhiều dự án cũ khách hàng mua vào rất khó ra hàng bởi thị trường không có thanh khoản, nguồn tiền dường như bị chặn đứng từ ngân hàng. Ngoài ra, thời điểm này các nhà đầu tư không mấy mặn mà bỏ tiền vào thị trường thứ cấp. Tâm lý cũng là một trong những yếu tố tác động đến việc chọn mua sản phẩm. Các nhà đầu tư sẽ cân nhắc mua sản phẩm mới, giá ổn định còn hơn là mua sản phẩm đã qua F1, F2 vì giá cao hơn và nếu muốn thanh lý cũng không còn nhiều lợi nhuận".

Doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó

Cũng theo anh Sang, hiện nay, vì một số chủ đầu tư còn hạn hẹp nguồn tiền, nên việc chạy marketing để bán hàng tồn, hỗ trợ khách bán hàng cũng bị hạn chế. Nhiều khách hàng cần nguồn tiền buộc phải bán hạ giá, bán ngộp, đặc biệt là thanh lý với chủ đầu tư.

TP.HCM: Khách hàng thanh lý bất động sản với chủ đầu tư, mòn mỏi chờ tiền về túi - Ảnh 3.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang gặp khó. Ảnh: Gia Linh

Tuy nhiên, nếu thanh lý sản phẩm từ chủ đầu tư thì sẽ gặp rất nhiều vấn đề như thanh lý phạt lãi, thanh lý trả chậm, hoặc thanh lý nhưng chủ đầu tư sẽ chia làm nhiều đợt để trả. Chưa chắc ở thời điểm khó khăn này, đến hạn chuyển tiền, người mua nhận được thanh toán từ phía chủ đầu tư.

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản có nhiều dự án tại TP.HCM cho biết thời gian qua, sau ảnh hưởng dịch bệnh cộng với liên tiếp các yếu tố khó khăn về tài chính, pháp lý, thủ tục dự án..., nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh cạn kiệt dòng tiền.

"Mặc dù mỗi dự án đều có quỹ dự phòng nhưng doanh nghiệp không được sử dụng đến, phải để dự phòng cho các trường hợp rủi ro. Trong khi đó, số lượng khách thanh lí sản phẩm trong thời gian qua rất nhiều. Chủ đầu tư không có sẵn lượng tiền mặt lớn nên chỉ có thể xin chi trả thành nhiều đợt", vị này cho hay.

TP.HCM: Khách hàng thanh lý bất động sản với chủ đầu tư, mòn mỏi chờ tiền về túi - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh cạn kiệt dòng tiền. Ảnh: Gia Linh

Chia sẻ với Dân Việt, ông Hà Văn Thiện - Phó Tổng Giám đốc Trần Anh Group cho hay: "Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn và muốn chuyển nhượng lại sản phẩm bất động sản hoặc thanh lý lại các sản phẩm để thu hồi nguồn tiền. Nhưng các chủ đầu tư cũng gặp phải khó khăn vì bị hạn chế nguồn vốn từ ngân hàng, có những khoản tiền, hợp đồng thanh lý đã ký kết nhưng ngân hàng vẫn không giải ngân cho khách bởi vướng các thủ tục về tín dụng giữa một số bên".

Đơn cử như một tập đoàn lớn ở Việt Nam cũng phải thừa nhận với nhà đầu tư, truyền thông rằng họ đang bị giữ hơn 20.000 tỷ đồng trong các ngân hàng và không thể sử dụng đến. Điều này làm cho nguồn tiền của các chủ đầu tư bị eo hẹp, hoặc chưa thể chuyển tiền thanh lý cho người mua nhà.

"Thời điểm này, nhà đầu tư và chủ đầu tư cần hiểu và chia sẻ cho nhau, lựa chọn việc kéo dài thêm thời gian cho chủ đầu tư có nguồn tiền cũng là một biện pháp để những khách hàng thanh lý sản phẩm có thể thu hồi trọn dòng tiền trong thời gian sớm", ông Thiện chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem