Hành trình vượt lên số phận của chàng trai người dân tộc Thái

Thứ sáu, ngày 06/01/2023 18:15 PM (GMT+7)
Tuy mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh nhưng anh Tòng Văn Tân, người dân tộc Thái, Bí thư Chi đoàn bản Cang, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) đã vượt lên số phận, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Bình luận 0

Không những vậy, anh Tân còn giúp đỡ, hướng nghiệp, truyền nghề cho người có hoàn cảnh khó khăn để họ có công việc, có cái ăn, cái mặc ổn định cuộc sống.

“Phải có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân”

Tôi biết đến anh Tòng Văn Tân trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, tôn vinh 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Nhìn ngoại hình, anh Tân không giống người khuyết tật, nhưng trò chuyện, tôi mới biết anh bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh-một căn bệnh làm suy giảm đáng kể sức khỏe của người bệnh, do mất máu thường xuyên.

Anh Tân kể: “Cuộc đời tôi gắn liền với con số 7. Tôi là con thứ 7 trong gia đình, sinh ra và lớn lên ở miền núi, điều kiện y tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy mà lúc mới sinh, không ai biết tôi bị bệnh cả. Bố mẹ chỉ biết tôi bị vàng da, trông không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Mãi đến năm tôi 7 tuổi, bố mẹ đưa đi khám ở bệnh viện tuyến trên thì mới phát hiện tôi bị bệnh tan máu bẩm sinh. Nhưng bố mẹ chỉ biết thế thôi chứ cũng không biết chạy chữa thế nào. Gia đình khó khăn nên tôi đi học đến lớp 7 thì phải nghỉ giữa chừng vì sức khỏe quá yếu. Nhìn thấy bạn bè được đi học, tôi rất thèm muốn và tủi thân”.

Bố Tân, ông Tòng Văn Hôm cho biết: “Ngày đó, gia đình tôi nghèo lắm, lại đông con nên không có tiền chạy chữa cho Tân. Gia đình chỉ cho cháu uống thuốc Nam để cầm chừng. Mỗi lần cháu bị mất máu mà không được truyền hồng cầu là chân tay co quắp, bủn rủn, đau đầu... Mãi đến năm cháu 17 tuổi, gia đình mới có điều kiện cho cháu xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để điều trị và truyền máu”. Tuy được hưởng trợ cấp hằng tháng nhưng anh Tân không muốn dựa mãi vào nguồn trợ cấp mà muốn chứng minh nghị lực, khát khao vươn lên của người khuyết tật. Anh quyết tâm phải học nghề để tự nuôi sống bản thân, xa hơn là để đỡ đần bố mẹ. Chính vì vậy, anh đã đi học nghề sửa chữa điện tử, nghề khá khó nếu như người học chưa trải qua chương trình học phổ thông.

Năm 2010, anh Tân được anh Nguyễn Văn Tiên ở bản Pá Công (xã Huổi Một, huyện Sông Mã) nhận dạy nghề điện tử rất nhiệt tình. Khó khăn không khuất phục được ý chí của chàng trai nhỏ bé, chỉ nặng hơn 40kg. Anh vừa học vừa mày mò tối ngày, rồi nhận sửa thiết bị miễn phí cho bà con hàng xóm để nâng cao tay nghề. Sau hơn một năm theo học, anh Tân đã trở thành thợ lành nghề, chinh phục được nhiều “ca bệnh khó” của điện thoại, ti vi, tủ lạnh, đồ điện dân dụng... 

Hành trình vượt lên số phận của chàng trai người dân tộc Thái - Ảnh 1.

Tòng Văn Tân (ngoài cùng, bên trái) cùng đại diện Đoàn xã Chiềng Khoong (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) tặng quà người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Năm 2014, anh Tân mạnh dạn đầu tư, mở một cửa hàng sửa chữa điện tử. Tay nghề cẩn thận, lấy giá phải chăng, lại thân thiện với khách hàng nên cửa hàng của anh khá đông khách. Ngoài ra, anh Tân còn sẵn lòng dạy nghề miễn phí cho một số thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã, trong đó có anh Lò Văn Xiên ở xã Chiềng Cang. 

Đến nay, anh Xiên đã thành nghề và mở được một cửa hàng riêng. Hiện tại, cửa hàng sửa chữa điện tử giúp anh Tân có thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh Lò Văn Xiên chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ, dạy nghề của anh Tân, đến nay, tôi đã mở được một cửa hàng sửa chữa điện tử và cho thu nhập ổn định. Hiện tại, chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với nhau về chuyên môn để không ngừng nâng cao tay nghề. Tôi cũng sẵn sàng dạy nghề cho những bạn thanh niên khác trong xã nếu họ muốn học. Tôi coi đây như một cách tri ân anh Tân đã từng giúp đỡ tôi”.

Đưa nhãn chín sớm về đất rừng Tây Bắc

Tuy công việc sửa chữa đồ điện tử đem lại thu nhập ổn định nhưng anh Tân vẫn luôn đau đáu tìm cách làm giàu trên chính những thửa đất cằn cỗi của gia đình. 

Anh cho biết: “Trước kia, gia đình tôi chỉ trồng lúa, ngô, sắn và nhãn mùa từ ngày xưa để lại, nói đến việc chuyển sang trồng nhãn chín sớm, bố mẹ tôi khá bất ngờ nhưng ủng hộ nếu như tôi quyết tâm”. 

Trong một lần được dự tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn quả do huyện Sông Mã tổ chức, anh Tân nhận thấy được giá trị kinh tế mới từ cây ăn quả lâu năm, trong đó có nhãn chín sớm nên anh nhen nhóm ý định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Tôi bàn với vợ và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng. Ban đầu cũng khá lo vì nhãn chín sớm có kỹ thuật trồng khác với nhãn mùa. Hơn nữa, thổ nhưỡng ở vùng núi có nhiều khác biệt, nhưng tôi tin vào kỹ thuật đã được học ở lớp tập huấn đủ để mình làm được”, anh Tân chia sẻ.

Tuy cứ 3 tháng một lần anh Tân phải xuống Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để truyền máu, sức khỏe suy giảm liên tục nhưng điều đó không làm anh nản chí. 

Anh chia sẻ: “Ở bệnh viện, tôi thấy có rất nhiều người ốm đau, khuyết tật còn nặng hơn mình nhưng họ vẫn luôn lạc quan và phấn đấu trong công việc. Thấy vậy, tôi rất cảm phục và quyết tâm phải cố gắng hơn, tiếp tục ý tưởng trồng nhãn chín sớm để làm giàu, không thể chịu nghèo mãi được”. Vợ chồng anh đã tận dụng 4.000m2 đất trước kia trồng nhãn mùa của gia đình để chuyển sang trồng nhãn chín sớm bằng phương pháp cắt, ghép mầm. 

Ngoài ra, anh còn chuyển đổi 1.000m2 đất ruộng sâu sang trồng nhãn chín sớm. Đầu tư vào mô hình nhãn chín sớm kết hợp chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao, mỗi năm, vợ chồng anh có thu nhập 100-150 triệu đồng. 

Thấy mô hình trồng nhãn chín sớm của anh thành công, thu được lợi nhuận cao, nhiều thanh niên trong bản đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng nhãn chín sớm kết hợp chăn nuôi trâu, bò. Anh Tân đã chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật với mọi người trong xã, cùng nhau giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo.

Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Không những mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm giàu cho gia đình, anh Tân vẫn luôn dành nhiều tâm huyết để tham gia công tác thanh niên tại địa phương. 

Năm 2016, anh nhận nhiệm vụ Bí thư Chi đoàn Bản Cang. Trên cương vị này, anh Tân khởi xướng và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện ý nghĩa trên địa bàn, tiêu biểu như: Tổ chức trồng nhiều cây xanh tại sân nhà văn hóa bản, xây dựng tuyến đường hoa; đoàn thanh niên dọn dẹp đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh đường Nà Hạ dài gần 3km; đoàn thanh niên phối hợp với tổ chức đoàn các cấp tập huấn kỹ thuật phòng, chống đuối nước, trang bị kỹ năng bơi lội, sơ cứu đuối nước cho trẻ em tại địa phương... Ngoài ra, các dịp Tết Thiếu nhi, rằm Trung thu, Ngày Vì người nghèo.... chi đoàn thường xuyên tổ chức quyên góp, tặng quà các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong bản; chi đoàn còn tổ chức thu hoạch vụ lúa cho các gia đình có quân nhân tại ngũ và người đang ốm đau; khắc phục sạt lở khu vực cầu treo bản Cang sau những trận mưa lớn...

 Đặc biệt, tháng 8/2021, trong thời gian dịch Covid-19 căng thẳng, anh Tân tuy sức khỏe yếu nhưng là thành viên tích cực trong Chương trình “Chuyến xe yêu thương - cùng Phù Yên vượt qua đại dịch” do Huyện đoàn Sông Mã và các tổ chức thiện nguyện thực hiện để cứu trợ bà con huyện Phù Yên (Sơn La) trong đại dịch.

Anh Lò Văn Hoàng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Chiềng Khoong nhận xét: “Anh Tòng Văn Tân là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình và sáng tạo. Tuy mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh nhưng anh luôn nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình và giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên trong xã, như: Dạy nghề sửa chữa điện tử, chia sẻ kinh nghiệm mô hình trồng nhãn chín sớm... Anh Tân nhiều năm liền được Huyện đoàn, UBND xã tặng giấy khen và là một tấm gương thanh niên vượt lên số phận điển hình của địa phương”.

 

Nguyễn Văn Công (Quân Đội Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem