Loạt dự án hạ tầng "tiếp sức" cho thị trường bất động sản phục hồi

Gia Linh Thứ hai, ngày 25/09/2023 11:38 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, sự mở rộng của các dự án hạ tầng, giao thông sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành các khu đô thị, giải quyết bài toán nhà ở cho TP.HCM.
Bình luận 0

Nhiều dự án hạ tầng được đầu tư

Thời gian qua, TP.HCM cũng một số địa phương lân cận đã triển khai nhiều dự án hạ tầng nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng. Những dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các đô thị, gián tiếp tạo động lực cho thị trường bất động sản

Theo đánh giá của TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, nhiều dự án hạ tầng giao thông nội đô và dự án mang tính liên kết vùng đang được TP.HCM tích cực đầu tư. Đơn cử, tuyến metro số 1 dự kiến được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 7/2024 là dự án tiêu biểu được thực hiện nhằm cải thiện giao thông trong thành phố.

Loạt dự án hạ tầng "tiếp sức" cho thị trường bất động sản phục hồi - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM. Ảnh: Gia Linh

Vị chuyên gia đánh giá tuyến metro là một nỗ lực của TP.HCM và Chính phủ trong nhiều năm qua nhằm cải thiện tình hình kẹt xe và ùn tắc giao thông trong thành phố. Từ đó, hỗ trợ hoạt động kinh tế, thương mại và chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu vực có tuyến metro đi qua. Các tuyến tàu điện ngầm đang được xây dựng và nằm trong kế hoạch phát triển sẽ giúp liên kết các khu vực trong thành phố cũng như với các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố đôi khi không thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị gia tăng mạnh mẽ này.

"Theo đó, tuyến metro nội đô cũng không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề về giao thông của TP.HCM. Vì vậy, cần đẩy mạnh đầu tư thêm các dự án hỗ trợ về thương mại, logistic", TS Khương nói thêm.

Ở bức tranh rộng hơn, TS Sử Ngọc Khương cho biết trong tháng 6 vừa qua, hai dự án lớn là tuyến đường Vành đai 3 và Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được khởi công là một tín hiệu đáng mừng giúp giải quyết những tắc nghẽn trong liên kết vùng giữa TP.HCM và các địa phương vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Loạt dự án hạ tầng "tiếp sức" cho thị trường bất động sản phục hồi - Ảnh 3.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Gia Linh

"Cùng với những công trình hiện hữu như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 5, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... các dự án này sẽ giúp làm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa được sản xuất và xuất khẩu trong khu vực. Sự tăng trưởng kinh tế vùng được kéo theo nhờ cơ sở hạ tầng giao thông, từ đó giúp bức tranh của nền kinh tế 2024 và trong thời gian tới khởi sắc hơn", ông nói.

Bất động sản "đón sóng" hạ tầng

Ở góc độ phát triển bất động sản, các chuyên gia cho rằng sự mở rộng của các dự án hạ tầng sẽ giúp gia tăng quá trình hình thành các khu đô thị, giải quyết bài toán nhà ở cho TP.HCM. Đây là trợ lực, giúp thị trường bất động sản sớm phục hồi sau thời gian dài tê liệt.

Khảo sát thực tế, tại TP.HCM, nhiều trục đường chính như xa lộ Hà Nội, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Văn Đồng... sau khi được xây dựng, các dự án bất động sản mọc lên san sát 2 bên đường, giá cũng tăng qua nhiều đợt. Nhiều dự án như Metro Star, Global City,  Vinhomes Grand Park, The Classia... được đầu tư để đón sóng hạ tầng.

TS Sử Ngọc Khương cho rằng, người dân tại những dự án bất động sản nhà ở nằm trên các trục đường có thể tiếp cận với các công trình giao thông liên kết vùng này sẽ thuận tiện hơn trong quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố với mật độ dân số cao như TP.HCM, đặc biệt là nhóm người trẻ.

Loạt dự án hạ tầng "tiếp sức" cho thị trường bất động sản phục hồi - Ảnh 4.

Các dự án nhà ở có ưu điểm kết nối hạ tầng giao thông được khách hàng ưu tiên. Ảnh: Gia Linh

Nhờ dự án đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4 trong tương lai, việc vận chuyển hàng hóa liên vùng sẽ diễn ra thuận tiện hơn. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư, kéo theo nhu cầu về thuê mua bất động sản khu công nghiệp như trung tâm dữ liệu, kho lạnh… và nhu cầu thuê văn phòng.

Bên cạnh đó, sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm trung chuyển cho hai tuyến đường vành đai này. Sự kết hợp giữa các công trình giao thông sẽ rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm chi phí, từ đó thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước trong khu vực.

Đồng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở, Công ty CBRE Việt Nam đánh giá hạ tầng là yếu tố tác động rất nhiều đến thị trường bất động sản. Kế hoạch đầu tư công của Chính phủ đối với khu vực phía Nam rất nhiều từ sân bay, vành đai, các đường cao tốc… khiến thị trường bất động sản được hưởng lợi.

Vị chuyên gia cho rằng thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển của các dự án bất động sản liền thổ ra các khu vực vệ tinh. Những khu vực lân cận trung tâm có điều kiện thuận lợi để phát triển, hạ tầng được đầu tư đồng bộ và quỹ đất sạch còn nhiều... là các yếu tố thu hút nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem