Người Raglai huyện Bác Ái của Ninh Thuận đi làm việc ở nước ngoài, trở về có đời sống tốt hơn

Đức Cường Thứ tư, ngày 29/11/2023 13:58 PM (GMT+7)
Tuyên truyền, vận động người đồng bào dân tộc Raglai đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang là hướng đi hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Bác Ái tỉnh Ninh Thuận. Thực tế cho thấy, các lao động “xuất ngoại” trở về địa phương đều có nguồn thu nhập ổn định, gia đình trở nên khá giả...
Bình luận 0

Một ngày cuối tháng 11, PV Dân Việt tìm về huyện miền núi Bác Ái ở tỉnh Ninh Thuận và chứng kiến cuộc sống khởi sắc của người đồng bào Raglai nơi đây. 

Minh chứng rõ ràng nhất chính là những ngôi nhà khang trang, khắp đường làng ngõ xóm như khoác lên mình một màu áo mới sạch đẹp.

Người Raglai thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Theo UBND huyện Bác Ái, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nên diện mạo nông thôn miền núi địa phương đã có nhiều khởi sắc... 

Đồng bào Raglai ở huyện miền núi Bác Ái tỉnh Ninh Thuận đi nước ngoài làm ăn để thoát nghèo - Ảnh 1.

Chính quyền địa phương thăm hỏi gia đình chị Pur Pur Thị Lem ở xã Phước Thành, huyện Bác Ái. Ảnh: Đức Cường

Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền mà người đồng bào Raglai ngày càng tiếp cận được các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhờ đó, nhiều hộ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ tâm lý ngại đi xa để xuất khẩu lao động vươn lên làm giàu.

Chị Pur Pur Thị Lem ở thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành (huyện Bác Ái) là một trong những người điển hình đã thoát nghèo bền vững nhờ xuất khẩu lao động.

Chị Lem cho biết, trước đây gia đình chỉ biết trông chờ và mấy cây bắp, lúc được lúc không nên kinh tế gia đình rất khó khăn. 

Năm 2019, nhờ tiếp cận được nguồn thông tin về xuất khẩu lao động ở địa phương nên chị quyết định "xuất ngoại" để làm việc ở Ả Rập Xê Út.

Cũng theo chị Lem, tại Ả Rập Xê Út chị được giao làm công việc nhà với mức thu nhập gần 20 triệu/tháng. Sau 3 năm làm việc, chị trở về địa phương để phát triển kinh tế.

"Số tiền tích góp sau 3 năm lao động được tôi để dành xây nhà mới hơn 200 triệu đồng và mua thêm cặp bò để đầu tư chăn nuôi. Nếu không đi xuất khẩu lao động thì không có được như ngày hôm nay, gia đình giờ cũng thoát được hộ nghèo rồi…", chị Lem phấn khởi nói.

Đồng bào Raglai ở huyện miền núi Bác Ái tỉnh Ninh Thuận đi nước ngoài làm ăn để thoát nghèo - Ảnh 3.

Căn nhà khang trang được xây dựng từ tiền lương xuất khẩu lao động của chị Lem. Ảnh: Đức Cường

Thấy được hiệu quả của việc đi lao động ở nước ngoài nên nhiều gia đình đã khuyến khích con em mình tham gia.

Như gia đình bà Katơr Thị Thanh ở thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại (huyện Bác Ái). Hiện cả 3 người con của bà Thanh đều đang làm việc ở nước ngoài.

Theo bà Katơr Thị Thanh, trước đây chủ yếu làm nông nên kinh tế gia đình rất bấp bênh. Năm 2022, được sự tuyên truyền và vận động của chính quyền địa phương cả 3 người con của bà đều tham gia xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út. 

Hiện nay, mỗi tháng 3 người con của bà Thanh gửi về hơn 20 triệu đồng. Nhờ nguồn tiền này, gia đình bà Thanh đã thoát được hộ nghèo, cuộc sống gia đình hiện đầy đủ, khang trang hơn.

"Nhà nước đến tận nhà tuyên truyền, vận động đăng ký đi làm nên mình cũng khuyên con đi làm để kiếm tiền. Mấy tháng nay, ngày nào con cũng gọi về hỏi thăm nên gia đình rất yên tâm. Nhờ đi làm nước ngoài mới có tiền ổn định, thoát được hộ nghèo…", bà Thanh vui giọng.

Đồng bào Raglai ở huyện miền núi Bác Ái tỉnh Ninh Thuận đi nước ngoài làm ăn để thoát nghèo - Ảnh 4.

Vợ chồng chị Pur Pur Thị Lem và cặp bò mới mua từ tiền lương xuất khẩu lao động. Ảnh: Đức Cường

Theo UBND huyện Bác Ái, việc tuyên truyền, vận động người đồng bào dân tộc Raglai đi làm việc ở nước ngoài đang là hướng đi hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, các lao động "xuất ngoại" trở về địa phương đều có nguồn thu nhập ổn định, gia đình trở nên khá giả.

Khoảng 10 năm trở lại đây, huyện Bác Ái đã tạo điều kiện cho gần 270 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Riêng năm 2023 có 10 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài và nguồn thu nhập ổn định. Nhiều gia đình có người đi xuất khẩu lao động có thu nhập ổn định đã phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn Ninh Thuận

Theo ông Trần Quý Dương – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái (Ninh Thuận) cho biết, bằng các hình thức tuyên truyền khác nhau đã làm thay đổi nhận thức và tư duy làm giàu trong đồng bào dân tộc Raglai ở địa phương. Trước đây nhiều người có tâm lý e dè, chưa từng đi làm xa thì nay đã mạnh dạn tìm kiếm cơ hội việc làm để nâng cao thu nhập.

"Địa phương cũng thường xuyên triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ đó, đã giúp hàng trăm lao động ở địa phương đi làm việc ở ngoài tỉnh, chuyển đổi nghề để thoát nghèo bền vững…", ông Dương cho hay.

Đồng bào Raglai ở huyện miền núi Bác Ái tỉnh Ninh Thuận đi nước ngoài làm ăn thế nào mà thoát nghèo - Ảnh 5.

Cán bộ nông nghiệp xã Phước Chính, huyện Bác Ái hướng dẫn trồng và chăm sóc rau xanh tại nhà người Raglai. Ảnh: Đức Cường

Theo UBND huyện Bác Ái, qua các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2023, toàn huyện Bác Ái đã giới thiệu giải quyết việc làm cho 1.343 lao động. Trong đó, có 398 lao động làm việc trong tỉnh và 941 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập để kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 34,81% (tháng 10/2023).

Ông Ngô Thanh Lâm - Phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xuất khẩu lao động nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

"Huyện sẽ tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay, phối hợp doanh nghiệp để tuyển dụng lao động, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, làm việc ngoài tỉnh, giúp người lao động có  điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững…", ông Lâm cho hay.

Đồng bào Raglai ở huyện miền núi Bác Ái tỉnh Ninh Thuận đi nước ngoài làm ăn thế nào mà thoát nghèo - Ảnh 6.

Huyện Bác Ái phối hợp với Trường Trung cấp nông dân Việt Nam mở lớp đào tạo nghề Thú Y cho người dân địa phương. Ảnh: Đức Cường

Công tác thông tin tuyên truyền được tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm, mới đây nhất Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Phan Rang-Tháp Chàm tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho 120 cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông thuộc cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ làm công tác thông tin cơ sở năm 2023.

Tại đây, các học viên đã được truyền đạt những nội dung cơ bản về: Nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của cán bộ thuộc cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội; kỹ năng lập kế hoạch thông tin, tuyên truyền; kỹ năng khai thác thông tin, viết tin, chụp ảnh tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội; kỹ năng triển khai, điều hành, xử lý thông tin, tuyên truyền; kỹ năng giám sát, đánh giá kết quả thông tin, tuyên truyền các hoạt động, sự kiện diễn ra.

Thông qua tập huấn nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng thông tin, tuyên truyền cho cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem