Nữ Chủ tịch dành hết tâm huyết làm việc thiện, lan tỏa yêu thương ở Bình Định

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 05/12/2023 08:51 AM (GMT+7)
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân (Bình Định) Ngô Thị Kim Anh luôn đau đáu trên con đường giúp đỡ người khó khăn, mảnh đời bất hạnh. Nhiều năm qua, cùng với cộng sự của mình, người phụ nữ này đã dành hết tâm huyết để làm việc thiện, kết nối mạnh thường quân với những cảnh đời cơ cực.
Bình luận 0

Ấn tượng với nữ Chủ tịch Hội… chu đáo 

Tôi có duyên gặp được bà Ngô Thị Kim Anh khi được lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân, Bình Định kết nối, để hỗ trợ Báo NTNN/ điện tử Dân Việt tặng quà cho học sinh vượt khó học giỏi tại vùng đất trung du Hoài Ân.

Dù không quen biết, nhưng chỉ sau cuộc gọi chưa đầy 2 phút, tôi đã được bà Anh nhiệt tình gật đầu đồng ý giúp đỡ trong việc, lựa chọn và mua xe đạp cho các em với giá "bình dân" nhất có thể.

Nữ Chủ tịch dành hết tâm huyết làm việc thiện, lan tỏa yêu thương ở Bình Định  - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân (Bình Định) Ngô Thị Kim Anh cùng phóng viên Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tại Bình Định trao xe đạp cho học sinh vượt khó học giỏi tại huyện Hoài Ân. Ảnh: DT.

Chiều 16/8, Văn phòng đại diện tại miền Trung Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Ân (Bình Định) trao quà cho học sinh vượt khó học giỏi, nhân dịp đầu năm học mới.

Dịp này, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã trao tặng nhiều phần quà với tổng trị giá lên tới 100 triệu đồng cho học sinh khó khăn vượt khó học giỏi tại huyện trung du Hoài Ân.

Đây là những phần quà ý nghĩa do các nhà hảo tâm, bạn đọc tại Bình Định thông qua nhà báo Dũ Tuấn – phóng viên thường trú của Báo NTNN/Điện tử Dân Việt tại Bình Định, gửi tặng cho học sinh nghèo.

Cụ thể, chương trình đã trao tặng 50 xe đạp (mỗi chiếc trị giá 1,4 triệu đồng) và 25 suất học bổng dành cho học sinh vượt khó học giỏi (mỗi suất 1 triệu đồng cùng 1 phần quà). 

Ngoài ra, chương trình cũng đến tận nhà trao suất học bổng trị giá 5 triệu đồng cho trường hợp đặc biệt khó khăn của 2 chị em Hoàng Quỳnh Oanh và Mạc Thị Thanh Thuý tại xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân. 

Nữ Chủ tịch dành hết tâm huyết làm việc thiện, lan tỏa yêu thương ở Bình Định  - Ảnh 2.

Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã trao tặng nhiều phần quà với tổng trị giá lên tới 100 triệu đồng cho học sinh khó khăn vượt khó học giỏi tại huyện trung du Hoài Ân vào tháng 8. Ảnh: DT.

Hôm đấy, bà Ngô Thị Kim Anh cũng có mặt, tất bật cùng chúng tôi lo liệu, nhờ vậy chương trình diễn ra rất chu đáo, ấm cúng. 

"Tôi cũng rất hay đọc báo Dân Việt, có nhiều thông tin và chương trình ý nghĩa đối với công tác xã hội", bà Kim Anh bảo. 

Chu đáo, nghĩa tình là 2 từ có thể nói lên được công việc của Hội Chữ thập đỏ vùng trung du Hoài Ân.

Cách đây 2 năm, khi dịch Covid-19 bùng phát nặng nề ở TP.Hồ Chí Minh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định về việc ủng hộ, nhận quyên góp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho những "Chuyến xe nghĩa tình" để gửi vào ủng hộ người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19.

Các tổ chức hội, đoàn thể từ thôn, xã trên địa bàn huyện Hoài Ân, đặc biệt bà con nhân dân rất hăng hái quyên góp các sản phẩm nông nghiệp với tinh thần "của ít, lòng nhiều" tiếp sức cho miền Nam, kèm thông điệp nghĩa tình "hướng về Sài Gòn thân yêu".

Người dân ở quê nhà trồng được gì mang góp nấy, người góp túi ớt, túi chanh, người vài ký gạo. Thậm chí, có vợ chồng cụ già "nhường" 5 gói mì tôm dành để ăn sáng, 1 kg gạo mang đến quyên góp. Hay có trường hợp người đang chiến đấu với bệnh ung thư, nhưng cũng dành 20.000 đồng để giúp đỡ miền Nam.

Nữ Chủ tịch dành hết tâm huyết làm việc thiện, lan tỏa yêu thương ở Bình Định  - Ảnh 3.

Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân, Bình Định trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: HÂ.

"Cảm thấy thương vô cùng, khi mở những gói quà ra, chúng tôi muốn bật khóc, vì đó là tấm lòng người dân quê. Đó cũng là động lực để chị em chúng tôi làm việc quên ngủ, nghỉ mà vẫn thấy vui, khỏe", bà Kim Anh nghẹn ngào nhớ lại.

Theo một lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân, khi tỉnh Bình Định nói chung và người dân Hoài Ân nói riêng gặp thiên tai lũ lụt nặng nề, người dân TP.Hồ Chí Minh vượt gần cả nghìn km, "nghĩa hiệp cứu trợ, gần như không sót lần nào".

Người Hoài Ân nợ người dân miền Nam một món nợ ân tình, nghĩa đồng bào. Lúc người dân TP.Hồ Chí Minh gặp khó khăn do dịch bệnh, vậy nên họ sẵn sàng góp chút tấm lòng gửi về, để tiếp thêm sức, báo đáp miền Nam yêu thương.

Món quà của người Bình Định gửi vào TP.Hồ Chí Minh như sự tiếp sức và tri ân tấm lòng của người miền Nam từng giúp Bình Định, vùng đất Hoài Ân, trong những thời điểm khốn khó nhất.

Nữ Chủ tịch dành hết tâm huyết làm việc thiện, lan tỏa yêu thương ở Bình Định  - Ảnh 4.

Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân cùng mạnh thường quân trao tặng xe lăn cho người già, đi lại khó khăn. Ảnh: HÂ.

22h khuya, điện thoại báo tin nhắn nhận 10 triệu đồng của người con quê hương Hoài Ân 

Gắn đời với nghề "đi xin tiền" để làm từ thiện, trong ký ức của bà Ngô Thị Kim Anh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân, đầy ắp những kỷ niệm khó quên. 

"Còn nhớ vào 1 dịp Tết Trung thu, lòng tôi đang đau đáu không biết kiếm đâu ra 10 triệu đồng để mua bánh kẹo làm trung thu cho các cháu đồng bào thiểu số ở các xã vùng cao. Tôi chia sẻ tâm nguyện muốn làm chương trình "Trung thu cho em" với khoản tiền cần có lên Facebook kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ", bà Kim Anh kể. 

22h đêm hôm ấy, bà Anh vui mừng nghe điện thoại ting ting, kiểm tra thì thấy tài khoản của mình vừa được cộng 10 triệu đồng, người chuyển tiền là 1 con em người Hoài Ân, đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. 

"Tôi mừng đến nỗi giữa khuya mà gọi điện khoe với chị em và hoạch định chương trình mừng trung cho các cháu ở những vùng cao", bà Kim Anh xúc động.

Nữ Chủ tịch dành hết tâm huyết làm việc thiện, lan tỏa yêu thương ở Bình Định  - Ảnh 5.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân (Bình Định) Ngô Thị Kim Anh cùng Hội Chữ thâp đỏ xã Ân Đức trong trao tiền hỗ trợ của mạnh thường quân cho cụ bà Nguyễn Thị Học, hộ nghèo neo đơn nuôi con khuyết tật. Ảnh: HÂ.

Huyện Hoài Ân là địa bàn bị chia cắt, vào những mùa mưa lũ, học sinh đi học phải đi đò qua sông hoặc phải lội qua suối nên thường xảy ra tình trạng đuối nước thương tâm. 

Từ thực tế trên, từ năm 2010 đến nay, năm nào Hội Chữ Thập Đỏ huyện Hoài Ân cũng mở 2 lớp dạy bơi miễn phí vào dịp học sinh nghỉ hè để phổ biến kiến thức phòng tránh đuối nước cho học sinh.

"Kinh phí mở lớp dạy bơi chúng tôi cũng… xin. Thầy dạy bơi là những cán bộ Phòng Giáo dục huyện và 1 thanh niên ở địa phương được đào tạo chuyên môn bài bản và được cấp chứng chỉ dạy bơi. Họ đứng lớp cũng với tinh thần từ thiện, mỗi lớp như thế có 30 em được dạy bơi và nắm bắt kiến thức phòng tránh đuối nước. Nhờ đó, tình trạng học sinh bị đuối nước trong những mùa mưa lũ trên địa bàn được giảm thiểu rõ rệt", bà Kim Anh bộc bạch.

Kết nối những mảnh đời bất hạnh với mạnh thường quân 

Không chỉ giúp cảnh ngặt nghèo, làm từ thiện ở huyện Hoài Ân (Bình Định) còn tạo sinh kế để những đối tượng dễ bị tổn thương bớt khổ, không bị tự ái và có thêm tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Bình Định đang vào mùa mưa, những vùng đất trung du, miền núi như huyện Hoài Ân mưa càng bất chợt. 

Thế nhưng, những người làm từ thiện ở vùng đất này vẫn không quên "mệnh lệnh của trái tim" là đi cấp phát gạo định kỳ mỗi tháng 1 lần cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người già, người đau yếu, người neo đơn, người khuyết tật. 

Con đường dẫn đến nhà của những đối tượng kể trên cũng không được hanh thông như cuộc đời của họ, rất trắc trở. 

Thành viên của Câu lạc bộ Người tình nguyện huyện Hoài Ân phải vật vã với những chiếc xe máy trên đoạn đường đất "nhão như cháo" để đưa gạo đến cho chị Nguyễn Thị Mai (SN 1965) ở xã Ân Thạnh, 1 trong 23 người trong danh sách nhận gạo hỗ trợ hàng tháng.

Nữ Chủ tịch dành hết tâm huyết làm việc thiện, lan tỏa yêu thương ở Bình Định  - Ảnh 6.

Câu lạc bộ Người tình nguyện Hội Chữ thâp đỏ huyện Hoài Ân trao tiền của mạnh thường quân, cho gia đình em Bùi Bá Dương ở TT. Tăng Bạt Hổ, có hoàn cảnh khó khăn gặp tai nạn trong lúc đi làm. Ảnh: HÂ.

Hoài Ân là huyện trung du, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, lại là vùng đất thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên những người có hoàn cảnh bi đát cần giúp đỡ rất nhiều. 

Để bù đắp cho hết những hoàn cảnh khó khăn nói trên, ngành chức năng cần phải vận động nhiều. Đây là nhiệm vụ khá gian nan, trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Cũng may, những nhà hảo tâm ở Hoài Ân không chỉ là người giàu có, mà cả những người không kinh doanh, mua bán gì, cả đời gắn với nghề nông cũng sẵn sàng mở lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương. 

Đó là chưa kể con em của huyện Hoài Ân làm ăn ở xa, người thành đạt thì hỗ trợ nhiều, người không thành đạt thì hỗ trợ ít, nhờ đó mà Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân, có nguồn kinh phí dồi dào để làm công tác từ thiện.

Từ những tâm sự của nữ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân, chúng tôi nhận ra nhiều câu chuyện hay, trong cách làm từ thiện ở vùng đất trung du này.

Trong năm 2023, ngay từ đầu năm, Hội Chữ Thập Đỏ huyện Hoài Ân đã vận động được 3.339 xuất quà với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng. 

Những suất quà nói trên được gửi đến người dân có hoàn cảnh khó khăn thêm điều kiện để đón Tết Nguyên đán Ất Mão 2023.  

Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" tiếp tục được mở rộng, giúp đỡ thường xuyên được trên 150 đối tượng. 

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân còn vô số cuộc vận động như: Ủng hộ mua 50 thẻ bảo hiểm y tế và trao hàng trăm chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động hỗ trợ người bị bệnh hiểm nghèo, gặp hoạn nạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn và còn nhiều, nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Và không phải ngẫu nhiên mà Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân vận động được nhiều nguồn hỗ trợ đến vậy.

"Trước khi vận động quyên góp, chúng tôi đã điều tra thực tế, khi đưa trường hợp ấy ra là có đủ minh chứng trường hợp ấy cần được giúp đỡ, nhờ đó đánh động được trái tim những nhà hảo tâm. Đó là chưa kể Hội Chữ Thập Đỏ huyện luôn được sự ủng hộ hết mình của Huyện ủy, UBNĐ huyện Hoài Ân trong công tác từ thiện", bà Kim Anh đúc kết.

Ông Trần Ngọc Hữu (SN 1973, ở xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, Bình Định) phát hiện mình bị bệnh tim từ năm 20 tuổi nhưng gia đình, lại không có tiền chữa trị.

Để đến năm 2018, ông Hữu bị tai biến, bệnh chuyển biến nặng, nếu không mổ thì có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo ông Hữu, khi biết tin mình lâm cảnh ngoặc nghèo, bà Kim Anh cùng các hội đoàn thể đã chung tay giúp đỡ, kết nối với những mạnh thường quân đến tận nhà hỗ trợ.

"Chị Kim Anh thấy bệnh tình tôi khó khăn quá, nên đã tận tình hướng dẫn dẫn làm hồ sơ thủ tục, để chữa trị. Nhờ có kinh phí, được động viên tôi quyết định ra Huế mổ tim, hoàn thành ca mổ giờ đây bệnh tình đã thuyên giảm nhưng tôi không thể làm việc nặng. Tôi rất biết ơn chị Kim Anh và những mạnh thường quân, nhiều lúc khó khăn nằm viện, chị còn nhờ người mang mì tôm, sữa vào thăm tôi, rất nghĩa tình", ông Hữu nói.

Nữ Chủ tịch Hội là người năng động, tâm huyết với công việc làm việc thiện ở quê hương

Cách đây hơn 10 năm, từ nguồn của Hội Hữu nghị Việt-Pháp, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định mua bò giống cấp cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng cao, vùng khó khăn, trong đó có huyện Hoài Ân. Những hộ được nhận bò giống khi ấy có cuộc sống đỡ vất vả hơn sau khi "bò mẹ đẻ bò con, bò con đẻ bò cháu". 

Thậm chí, những con bò còn cho những hộ được nhận bò giống sửa chữa được nhà ở khang trang, cho con cháu họ cơ hội đi học nghề, tạo lập cuộc sống. 

Nhận thấy việc cho hộ khó khăn "cần câu cơm" bằng con bò mang lại hiệu quả cao, những năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân triển khai cho các Hội Chữ thập đỏ cơ sở vận động, quyên góp rồi mua bò tặng cho hộ khó khăn là người dân trong xã.

Nữ Chủ tịch dành hết tâm huyết làm việc thiện, lan tỏa yêu thương ở Bình Định  - Ảnh 7.

Những món quà nghĩa tình kịp thời đến với người dân khó khăn ở vùng trung du Hoài Ân, Bình Định. Ảnh: HÂ.

"Trước khi đi quyên góp, chúng tôi tổ chức khảo sát thực tế và đưa ra nhân vật cụ thể cần giúp đỡ khi đi vận động. Những người quyên góp theo chương trình này sẵn lòng "mở hầu bao", bởi họ thấy đồng tiền mình quyên góp đã góp phần mở ra được cho người dân địa phương cơ hội thoát nghèo", bà Ngô Thị Kim Anh nói.

Mà không phải hộ dân nào Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân cũng trao "cần câu cơm" bằng bò giống, mà bò giống chỉ trao cho những hộ ở miền núi hoặc ở những vùng còn đồng cỏ hoặc có thể trồng cỏ để làm thức ăn cho bò. 

Còn ở những vùng khác thì tùy thực tế từng địa phương mà hỗ trợ tạo điều kiện để người dân theo nghề truyền thống để kiếm kế sinh nhai. Những hộ dân ở những vùng có điều kiện nuôi gà, thì hỗ trợ gà giống để phát triển chăn nuôi, giúp dân thoát nghèo.

Chứng kiến nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ân Hảo Tây hồi sinh, Hội Chữ thập đỏ xã vận động, trao tiền hỗ trợ cho những đối tượng "dễ bị tổn thương" mua tằm về nuôi. Nhận được 500.000 đồng không phải là số tiền lớn, nhưng họ mua được 2 hộp tằm, sau khi nuôi bán được 6-7 triệu đồng và cứ thế càng ngày họ càng nhân rộng quy mô nuôi. 

Đúng như ông bà từng nói: "Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay", nghề trồng dâu nuôi tằm đã vực dậy, cuộc sống của những người trước đây phải sống nhờ vào gạo cứu trợ.

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Văn Thơm – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, Bình Định đánh giá, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực đảm bảo công tác an sinh xã hội, là cầu nối với nhà hảo tâm, mạnh thường quân đến với người nghèo, đối tượng yếu thế cần giúp đỡ trên địa bàn trung du Hoài Ân.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ huyện có đóng góp công sức rất lớn, trong việc cùng chính quyền, chăm lo đời sống người dân khó khăn, công tác an sinh xã hội.

"Cá nhân bà Ngô Thị Kim Anh – Chủ tịch Hội là người năng động, tâm huyết với công việc làm việc thiện ở quê hương, đây là cầu nối đặc biệt nối liền giữa nhà hảo tâm với những mảnh đời cơ cực", ông Thơm nhận xét. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem