TP.HCM có thêm không gian OCOP mới, tập trung kể câu chuyện nhân văn trong từng sản phẩm

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 22/09/2023 18:31 PM (GMT+7)
Không gian OCOP Nhân văn tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tập trung kể câu chuyện nhân văn trong từng sản phẩm, với thông điệp “Giá trị nhân văn thăng hoa sản phẩm Việt”.
Bình luận 0

Bên cạnh Diễn đàn Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP tổ chức ngày 22/9, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã khánh thành Không gian OCOP Nhân văn. 

Không gian OCOP Nhân văn đặt tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng, quận 1 với sứ mệnh đa dạng hóa hình thức phục vụ cộng đồng của nhà trường.

TP.HCM có thêm không gian OCOP mới, tập trung kể câu chuyện nhân văn trong từng sản phẩm - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM khánh thành Không gian OCOP Nhân văn, ngày 22/9. Ảnh: Hồng Phúc

Không gian OCOP Nhân văn hoạt động theo thông điệp “Giá trị nhân văn thăng hoa sản phẩm Việt” với các kệ trưng bày sản phẩm OCOP của nhiều doanh nghiệp, chủ thể sản xuất OCOP.

Sản phẩm của những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều sản phẩm của các chủ thể OCOP khác được trưng bày trên “Chiếc thuyền nhân văn”.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM cho biết nhà trường thực hiện nhiều hoạt động, dự án phục vụ cộng đồng và “trăm nghe không bằng một thấy”, khi có thể cụ thể hóa những sản phẩm OCOP của các địa phương tại Không gian OCOP Nhân văn này.

“Không gian OCOP Nhân văn có cốt lõi và bản chất là Giá trị nhân văn - thăng hoa sản phẩm Việt. Cũng nói thêm về vị trí không gian này. Đây là tòa nhà lịch sử, có tuổi đời khoảng 150 năm từ thời Pháp và xây trên nền thành Gia Định. Giá trị nhân văn, giá trị lịch sử đó cũng hiện hữu trong không gian này”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh.

TP.HCM có thêm không gian OCOP mới, tập trung kể câu chuyện nhân văn trong từng sản phẩm - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam tham quan Không gian OCOP Nhân văn. Ảnh: Hồng Phúc

Theo bà Lan, để có không gian này là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ NNPTNT, giao nhiệm vụ 1-2 năm trước, hiện nay đã chính thức đón khách.

Các doanh nghiệp có sản phẩm được lựa chọn để trưng bày tại đây mang ý nghĩa là doanh nghiệp cộng đồng, thể hiện vai trò, ý nghĩa trong chia sẻ và hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng, cùng chung “câu chuyện” nhằm đẩy mạnh phát triển “môi trường” nông nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao Không gian OCOP Nhân văn bởi ý tưởng cũng như ý nghĩa từ không gian OCOP này.

“Định hướng của Chương trình OCOP trong thời gian tới là hướng đến kinh tế xanh và giá trị nhân văn. Sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc sản, khơi dậy sức sáng tạo của người dân khu vực nông thôn nên giá trị nhân văn và kinh tế xanh luôn đồng hành với nhau”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói thêm.

TP.HCM có thêm không gian OCOP mới, tập trung kể câu chuyện nhân văn trong từng sản phẩm - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Ngọc Hương - chủ thương hiệu bột rau má Quảng Thanh (trụ sở tại Củ Chi), sở hữu nhiều sản phẩm OCOP 4 sao từ bột rau sấy lạnh. Ảnh: Hồng Phúc

Ông bày tỏ sự kỳ vọng Không gian OCOP Nhân văn sẽ đi vào hoạt động hiệu quả, đồng thời có thêm sự hợp tác của các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất OCOP để lan tỏa sản phẩm nông sản địa phương, đặc biệt là câu chuyện nhân văn được truyền tải trong từng sản phẩm để tiếp cận khách hàng, du khách.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết thời gian qua Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ và cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình này. 

Trong phát triển sản phẩm OCOP, cần quan tâm đến sự liên kết, xây dựng được chuỗi sản xuất và truyền tải câu chuyện nhân văn, gắn kết với hoạt động du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn là tất yếu.

Chương trình OCOP (viết tắt của One Commune One Product - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) bắt nguồn tại Nhật Bản từ những năm 1970. Đến nay, đã có hơn 40 nước học tập kinh nghiệm và triển khai thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.

Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, Việt Nam chính thức đưa OCOP trở thành chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là nhằm tìm kiếm những sản phẩm địa phương nhằm phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế khu vực nông thôn.

Sản phẩm OCOP được xác định sẽ giúp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP cũng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn bền vững tại các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem