Từ nuôi tôm đến con cá dứa, nông dân Cần Giờ thành “đại gia” nức tiếng

Lê Giang Thứ hai, ngày 16/10/2023 11:46 AM (GMT+7)
Liên tục thay đổi mô hình chăn nuôi để phù hợp với thời cuộc và đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Đặng Văn Út trở thành “đại gia” nông dân nổi tiếng ở Cần Giờ. Bên cạnh đó, ông còn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo khi chuyển giao kinh nghiệm sản xuất.
Bình luận 0

Xoay nhiều mô hình để tăng hiệu quả kinh tế

Về Cần Giờ, nhắc tên ông Đặng Văn Út hầu hết nông dân trong vùng đều biết. Cách đây 25 năm, người dân Cần Giờ chủ yếu sống bằng nghề đánh cá biển và khai thác thuỷ sản ở vùng đất còn hoang sơ. Khi đó, ông Đặng Văn Út nhận đất rừng ngập mặn và bắt đầu triển khai nuôi tôm sú. 

Với kiến thức tìm hiểu được cùng sự học hỏi kinh nghiệm, nông dân sinh năm 1969 này thành công bước đầu khi tôm đạt năng suất và giá cao. Có thêm niềm tin, ông mở rộng mô hình nuôi tôm và nhanh chóng trở thành "đại gia" ngành tôm ở Cần Giờ chỉ sau vài năm.

Từ nuôi tôm đến con cá dứa, nông dân Cần Giờ thành “đại gia” nức tiếng - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Út giới thiệu mô hình nuôi cá chốt trứng của mình tại Cần Giờ. Ảnh: Lê Giang.

Thời điểm đó, mô hình nuôi tôm của ông còn được lãnh đạo trung ương đến tận nơi để tham quan và chọn làm mô hình điểm để phát triển kinh tế địa phương. Không giấu nghề, ông Đặng Văn Út chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tư vấn bà con nông dân trong địa phương nuôi tôm từ khâu đào ao, hệ thống lọc nước đến con giống và thức ăn cho tôm. Nhờ đó, cả vùng cùng giàu nên nhờ nuôi tôm trên vùng đất ngập mặn.

Sau khi thành công với mô hình nuôi tôm, ông Út tiếp tục thử nghiệm nuôi tôm thẻ. Có kinh nghiệm từ những năm tháng nuôi tôm sú trước đây, ông Út gặp thuận lợi và trúng nhiều vụ tôm thẻ liên tiếp. Tuy nhiên, sau thời gian nuôi tôm, việc xử lý nguồn nước ngày càng khó khăn khi các hộ nuôi tôm không áp dụng đồng bộ quy trình an toàn môi trường. Mô hình nuôi tôm của ông cũng gặp không ít thử thách vì tôm nhiễm bệnh nhiều vụ.

Đối mặt với khó khăn, ông tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi nhiều nơi. Sau đó mạnh dạn đầu tư vào con cá dứa, cá chim vây vàng. Trên diện tích 13.000 m2 , ông Út thả 39.000 con giống với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm, ông áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu cải tạo ao, cung cấp nước, cho cá ăn và theo dõi chăm sóc… một cách nghiêm ngặt.

"Từ những kinh nghiệm nuôi tôm trước đây, tôi chuyển sang nuôi cá. Với cá dứa, quá trình thả giống cho đến thời gian thu hoạch là 15 tháng. Giá cá dứa bán từ 150.000 - 170.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí và công lao động mỗi vụ tôi có lãi trên 5 tỷ đồng", ông Đặng Văn Út chia sẻ.

Theo ông Út, cá dứa có thể chọn để nuôi luân canh với tôm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế cao, phải tuân thủ đúng quy trình nuôi và các khuyến cáo mùa vụ của ngành nông nghiệp. Bà con nên thả cá khi bắt đầu mùa mưa, đến khi cá trưởng thành đã vào mùa nắng, độ mặn cao sẽ giúp hình dáng cá đẹp và chất lượng thịt cá ngon.

Từ nuôi tôm đến con cá dứa, nông dân Cần Giờ thành “đại gia” nức tiếng - Ảnh 2.

Ông Đặng Văn Út dẫn khách đi tham quan mô hình nuôi cá dứa của mình tại Cần Giờ. Ảnh: Lê Giang.

Năm 2022, ông tiếp tục nghiên cứu mô hình nuôi cá chốt trứng đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Trong năm 2023, ông tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ để sinh sản con giống từ cá chốt mẹ trong ao nuôi.

Cùng nông dân làm giàu trên vùng đất mặn

Là người đi đầu trong phong trào nuôi tôm ở Cần Giờ từ con tôm sú đến tôm thẻ, ông Đặng Văn Út được người dân nơi đây yêu quý khi luôn đồng hành cùng nông dân địa phương làm giàu. Những năm qua, ông Đặng Văn Út được nông dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ.

Với mô hình nuôi cá dứa, ông Út cho đây là mô hình phù hợp hộ nghèo, cận nghèo do chi phí thấp, hạn chế dịch bệnh, ít rủ ro. Vì thế, ông tích cực chuyển giao công nghệ và tư vấn cho nông dân nuôi cá dứa.

Đặc biệt, ông ký kết với Công ty ANT cung cấp trực tiếp thức ăn cá cho nông dân từ nhà máy với giá gốc để giảm chi phí đầu vào. Nhờ đó, 10 hộ sản xuất áp dụng mô hình nuôi cá dứa đạt hiệu quả, tăng thu nhập góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Hiện nay, trên địa bàn 4 xã (An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Bình Khánh, Lý Nhơn), mô hình này đang được nhân rộng, góp phần tăng giá trị đất nông nghiệp, nâng chất xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Kết quả, năm 2022 có 324 hộ hội viên nông dân vượt nghèo.

Từ nuôi tôm đến con cá dứa, nông dân Cần Giờ thành “đại gia” nức tiếng - Ảnh 3.

Ông Đặng Văn Út luôn hỗ trợ nông dân địa phương xây dựng những mô hình chăn nuôi phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Giang.

Ông Đặng Văn Út cho biết: "Hiện nay, giá bán mỗi kg cá dứa tươi lên tới 150.000 đồng. So với tôm, cá dứa có giá cao gấp đôi, còn so với việc làm muối - một nghề truyền thống khác ở Cần Giờ, lợi nhuận cá dứa mang lại gấp trăm lần".

Cùng với đó, ông thường xuyên xuống địa bàn tham gia với Chi hội, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tuyên truyền hướng dẫn vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với những đóng góp trong những năm qua, ông Đặng Văn Út đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen Trung ương Hội nông dân Việt Nam, UBND TP.HCM và Hội Nông dân Thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem