Đáng nói, không chỉ riêng Hà Nội mà tại nhiều khu du lịch, khu “phố Tây” ở các đô thị khác, đủ loại âm thanh ồn ào cũng bủa vây du khách và người dân.
Cách nào cải thiện hình ảnh du lịch, phát triển kinh tế đêm mà không làm đảo lộn cuộc sống cư dân?
Có mặt giữa phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm vào thời điểm 9h tối một ngày trong tuần, chúng tôi ghi nhận cường độ âm thanh ở mức khoảng 85 dBA, vượt tiêu chuẩn khoảng 15 dBA. Tiếng ồn sẽ giảm dần ở các vị trí xa hơn, nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân xung quanh là điều khó tránh khỏi bởi tiếng nhạc xập xình đến khuya từ các hàng quán, tiếng cười nói ồn ào của du khách.
Anh N. V. T, nhà ở mặt sau phố Tạ Hiện cho biết, dù đã trang bị hệ thống cửa cách âm nhưng tiếng ồn vẫn len lỏi vào gia đình, nhiều lần ảnh hưởng giấc ngủ của ông bà và các con.
“Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, kể cả ánh sáng, mùi xào nấu,… nói chung là thường xuyên. Khách nước ngoài có nhu cầu hoạt động về đêm, âm thanh thu hút khách du lịch phải là nhạc mạnh cơ. Hôm nào chơi khuya quá, công an “đi đuổi” thì đỡ đi. Có những hôm 3h-4h sáng, khách nước ngoài còn cãi lộn. Bà con lối xóm cũng có người kinh doanh trực tiếp ở đây, nếu hoạt động mà văn minh hơn thì tốt, còn không thì chỉ biết chấp nhận”, anh T nói.
Tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, giấc ngủ và sức khỏe của người dân xung quanh khu vực mà còn khiến nhiều du khách có trải nghiệm không ưng ý. Chị Đỗ Hải My, ở quận Hà Đông, Hà Nội chưa có ý định trở lại Hạ Long vì ký ức về bờ biển Bãi Cháy buổi tối như “bãi chiến trường âm thanh”, tiếng nhạc “giật đùng đùng” phát ra từ hàng loạt bar, pub ngoài trời san sát.
“Trong lúc mình ngồi café ở đấy, bên tay phải là quán mở nhạc remix xập xình, bên trái thì lại là quán mở dân ca và nhạc cổ truyền, cả hai đều mở với âm lượng rất lớn. Khá là bực vì mình muốn ngồi café ngắm biển nhẹ nhàng một chút thì hai bên rất là ồn ào. Ngay buổi hôm sau mọi người quyết định không ra bãi biển chơi nữa. Cá nhân mình thấy cứ duy trì như thế này thì lượng khách cũng sẽ bị ảnh hưởng”, chị Hải My cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, một trong những đặc trưng của đời sống đô thị hiện đại là các hoạt động xuyên đêm hoặc rất khuya, kèm theo các dịch vụ trong nhà, ngoài trời có độ ồn khá lớn.
Đây là một mâu thuẫn khi chúng ta muốn phát triển kinh tế đêm nhưng vẫn cần đảm bảo an ninh trật tự và sức khỏe cho nhân dân.
Để giải quyết mâu thuẫn này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, các thành phố có cán bộ chuyên trách và bộ phận giúp việc chuyên sâu để quản lý khu vực dịch vụ ban đêm, học tập kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước như Anh, Nhật Bản hay Singapore,…:
“Những khu phố có dịch vụ ban đêm cần có cơ chế quản lý riêng ngoài những chính sách chung của thành phố, bao gồm quy định cụ thể về địa giới, độ ồn theo quy định. Có hướng dẫn cụ thể để chủ cửa hàng cung cấp dịch vụ biết được thế nào là độ ồn cho phép, những biện pháp cần thiết để triệt tiêu tiếng ồn: cách âm, đặt cây và những biện pháp khác”, ông Phong nói.
“Thứ hai là cần niêm yết công khai những quy định về tiếng ồn để tuyên truyền cho người dân, du khách, kèm theo đó là những chế tài. Thứ ba là kết hợp phạt hành chính với yêu cầu tạm đóng cửa, nhắc nhở, nêu tên nơi công cộng,… Cần phải làm một cách bài bản, tập trung và thống nhất, tránh hiện tượng bỏ mặc hoặc luộm thuộm, nhát gừng như hiện nay”, ông Phong cho hay.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng rất khó để xây dựng những khu vực phát triển kinh tế đêm cách xa để không gây ảnh hưởng đến khu dân cư, bởi các tiêu chí phát triển hoạt động du lịch về đêm đều nằm ở những khu thương mại, dịch vụ sầm uất có sẵn. Do đó, sự đồng thuận, phối hợp từ cả chính quyền và người dân là cách để khắc phục những bất cập.
“Khi mình phát triển kinh tế đêm thì đương nhiên nó sẽ gây ra tiếng ồn, vấn đề môi trường, an ninh,… Nhưng tất cả quốc gia phát triển kinh tế đêm đều phải trải qua giai đoạn đó. Đồng thuận của đa số người dân là được, chứ 100% thì khó, nhóm thiểu số phải hướng đến tự điều chỉnh. Ví dụ như cho thuê lại chỗ đấy để chuyển đi chỗ khác, đầu tư thêm phần cách âm,… Từ góc độ quản lý, địa phương nên xem xét những cách hỗ trợ các gia đình. Hàng quán cố định tại một địa điểm thì tìm cách chống tiếng ồn, còn hàng quán nào di động thì mình có thể điều chỉnh phù hợp hơn. Phải từ cả hai phía, một phía từ người quản lý hoạt động kinh tế đêm, một phía là người dân địa phương chủ động thích ứng”, ông Thắng bày tỏ.
Hoạt động kinh tế đêm ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng như một động lực tăng trưởng mới. Nhưng bên cạnh lợi ích thì cơ quan quản lý cũng cần nhận diện rõ rủi ro tiềm ẩn, trong đó có ô nhiễm tiếng ồn.
Để niềm vui của người này không trở thành nỗi “ám ảnh” của người khác, cần sự vào cuộc trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương và sự đồng thuận, hợp tác của các tổ chức, cá nhân.