Chủ nhật, 05/05/2024

Ăn cơm hàng phố cổ

21/08/2022 7:00 AM (GMT+7)

Bàn về chuyện nấu nướng mâm cơm Bắc, nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm chia sẻ: “Các cụ xưa ăn uống tinh tế lắm, món nào ra món nấy, mỗi lần nhà xong bữa cỗ như dịp Tết là tôi ốm vì phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn, thức đêm thức hôm để làm”. Đấy là chuyện xưa, còn bây giờ muốn ăn cơm Bắc: Dễ ợt!

Thịt đông, canh bóng thịt thăn, chim quay, gà luộc, canh măng chân giò, canh măng mực, tôm nướng, mực xào, bắp bò ngâm nước mắm, cá kho, bún thang, nem, chả, xôi, chè… tên gọi của nhiều nhiều trong số những món ngon làm nên phong vị cơm Bắc, chỉ cần nghe qua đã khiến vị giác phải cựa mình, bởi món nào cũng mang những nét hấp dẫn và quyến rũ riêng biệt, từ kỹ thuật chế biến đến khẩu vị. 

Ăn cơm hàng phố cổ - Ảnh 1.

Góc nhộn nhịp bày bán xôi, chè kho, gà cúng.


Nghe thì thèm, ăn thì sướng, nhưng để bắt tay làm chỉ một trong số những món ngon ấy thôi, đủ toát mồ hôi hột. Hỏi nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm trong lần gặp cô làm mâm cơm truyền thống, nghe tả chỉ riêng món canh măng mực, nào là phải chọn măng khô từ Yên Bái, đem luộc qua ít nhất bốn lần nước để sạch chất đắng, măng trở nên mềm nhưng vẫn có độ giòn, sau đấy xé sợi. Cứ làm thử phần xé sợi măng mới thấy nói thì dễ chứ làm thì nhọc công cực kỳ.

Đến phần chọn mực, cũng phải là giống mực cái mua từ Thanh Hóa, cô Lâm lý giải con mực cái nó mới ngọt và thơm nước. Ngẫm thật thương cho con mực đực, tính ra chẳng được tích sự gì! 

Ăn cơm hàng phố cổ - Ảnh 2.

Tiệm bán chim câu rán trên phố Gia Ngư.


Chọn được mực đúng chuẩn giới tính, công đoạn chế biến phải tắm táp gội rửa cho con mực láng mướt, ngâm qua rượu pha gừng, vừa để tẩy trần, vừa để mực ngấm rượu, dậy mùi thơm, sau đó mới thỉnh mực qua lò nướng than. Con mực cũng phải được nướng thật khéo, đều lửa, rồi lại đến phần xé nhỏ, kỹ thuật phải tính sao cho sợi mực đều tay, khi nấu nhìn mới đẹp mắt.

Mực xé xong được chuyển qua phần xào, chảo nóng vừa đủ, đảo mực liên tục cho đến khi màu mực vàng ươm cánh gián, nhưng không được già quá, sợi mực sẽ bị giòn, mất ngon. Chỉ nghe cô Lâm kể đến công đoạn làm sơ chế nguyên liệu cho hai thứ măng và mực, chưa qua phần nước lèo, thịt, cùng nêm nếm các thứ đi kèm khác… đã thấy gian nan tứ bề. Đấy mới chỉ là cách làm sương sương của một món, trong khi để hoàn thiện một mâm cỗ đủ lễ bộ, có đến hơn chục món, thật quả để hậu thế đu theo cũng thật khó mà bằng. 

Ăn cơm hàng phố cổ - Ảnh 3.

Món cá kho đặc trưng trong mâm cơm Bắc, dễ dàng mua được ở chợ Hàng Bè.


Cô Lâm đạt được đẳng thượng thừa, nghệ nhân, cũng phải qua nhiều năm trui rèn từ nề nếp gia đình, rồi khi lấy chồng được mẹ chồng huấn luyện, săm soi, làm phải đâu ra đấy, món ngon nấu ra phải chuẩn vị, đúng màu, đúng mùi… Cô Lâm kể thêm: “Thầy mẹ tôi, các dì, rồi các cô, đến khi lấy chồng thì mẹ chồng chỉ bảo, ai cũng khắt khe lắm mới học thành được. Bây giờ thì không thế đâu, làm dâu bây giờ… dễ hơn thời chúng tôi nhiều”. 

Cô Lâm nói chí phải, bởi thời này, kiếm được nguyên liệu đúng bài bản, cũng là một thử thách, đến chuyện phải chuẩn bị bao thứ linh tinh đi kèm, cùng thời gian sơ chế, mới cho ra được một món mà nếu chưa qua tôi luyện thuần thục, độ ngon, độ quyến rũ… chưa có gì đảm bảo. Cách làm mâm cơm dễ chịu, dễ tiếp nhận, và cũng dễ… đổ thừa (do quán nấu), ấy là lên phố cổ, tha hồ chọn món ngon, đủ sắp thành một mâm, ăn cũng ưng mà đãi khách cũng chịu.

Ăn cơm hàng phố cổ - Ảnh 4.

Bày biện bắt mắt, đa dạng món ngon, những tiệm bán đồ ăn sẵn kiểu Hà Nội đang lên ngôi trong bữa cơm gia đình.


Với những cư dân bận rộn Hà Nội, “ăn phố cổ” như một thành ngữ. Bởi dân phố cổ tinh mồm lắm, kỹ tính, soi gắt, hàng quán mà nấu sai vị, sai bài, cộng thêm phần chọn nguyên liệu cho món ngon lởm khởm… đều khó tồn tại được lâu. Thế nên quán nào trụ được nơi phố cổ, lại có thâm niên, đều thuộc hàng chiếu trên, dù chưa thể xuất sắc như món ngon mẹ nấu (kể cả mẹ chồng!) nhưng ít ra cũng đủ tự hào rằng phong vị ẩm thực Bắc có một món ngon… bán về ăn sẵn mà rất ổn! 

Trong phố cổ có đủ món, từ các thể loại linh tinh nem thịt, nem hải sản, nem cua bể, nem chay, cho đến thịt đông, canh bóng thịt thăn… thứ gì cũng có sẵn. Ngay cả con gà cúng xếp cánh tiên, mỏ ngậm hoa hồng, cũng được hoàn thiện chu đáo, người mua chỉ cần bê về là các cụ bàn thờ ở nhà đã có món ngon xinh đẹp nghía không chán mắt. Rồi các món rán, món bánh chưng, chè kho, xôi vò, chè đường, đồ chua… chẳng thứ gì gọi là thiếu.

Ăn cơm hàng phố cổ - Ảnh 5.

“Kính thưa” các loại nem gói sẵn, người mua chỉ việc về rán lại là ngon lành!


Ở cái thời thức ăn thừa mứa, rượu thịt ê hề, lích kích nấu một món ngon có khi mất đôi ngày, có những món kiểu như cá kho, canh măng chân giò… phải nấu cả một nồi to tướng các thứ mới đủ độ rền, ngấm, ngon… nhưng nấu xong chỉ để ăn một bữa thì không phải phép cho lắm. Nên cách xử lý chuyện vừa đạt độ ngon, vừa chống dư thừa, lý tưởng nhất là ra các hàng quán trong khu 36 phố phường Hà Nội, chọn món ngon tuyển về nhà, bảo đảm những lo lắng dư dôi sẽ được giải quyết êm đẹp. 

Khái niệm ăn được món ngon mẹ nấu theo kiểu phong vị xưa, đang dần thành một thứ xa xỉ. Đảm đang bây giờ, nấu là chuyện chưa cần bàn, nhưng biết chỗ làm ra món ngon để tìm chọn, tăng thêm độ phong phú, thi vị cho bữa cơm gia đình, cũng là một nhịp sống thú vị của cư dân Hà thành thời hiện đại. Cứ nhìn vào những hàng quán bán món ngon ở chợ Hàng Bè, đoạn Gia Ngư - Cầu Gỗ… với tấp nập mua bán, sẽ thấy độ hấp dẫn, quyến rũ của phong vị ẩm thực hàng chợ. Có cầu ắt phải có cung. 

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM

Khách du lịch nườm nượp đến TP.HCM từ đầu năm đến nay. 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu ngành du lịch thành phố ước khoảng 60.046 tỷ đồng.

Canh chua và văn hóa chống nóng

Canh chua và văn hóa chống nóng

Miền Tây Nam Bộ gần xích đạo nên rất nóng, đặc biệt năm nay, tình hình này lại kéo dài và gay gắt hơn các năm trước. Trong lĩnh vực ẩm thực, người xưa có nhiều cách đối phó với thời tiết nắng nóng. Nắng nóng (dương) cần có nước (âm) để quân bình lại. Một trong những món ăn điển hình là canh chua.

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cháo sườn, một phần ký ức của người Hà thành

Cùng với những món ăn đặc sản Hà Nội như chả cá, phở cuốn, bún chả… thì món cháo sườn cũng trở nên rất quen thuộc, trở thành một phần trong ký ức của mỗi người Hà thành.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

TP.HCM đẩy mạnh phát triển du lịch đêm và du lịch cộng đồng

Từ những kết quả tích cực của quý I/2024 và lễ 30/4 - 1/5, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy sản phẩm du lịch ban đêm, đường thủy và du lịch cộng đồng trong quý II/2024.

Doanh thu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đợt lễ tăng 12,5%

Doanh thu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đợt lễ tăng 12,5%

Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 630.000 lượt du khách trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tăng 25% so với năm ngoái; doanh thu du lịch đợt này ước đạt gần 670 tỉ đồng, tăng 12,5%, theo Sở Du lịch tỉnh.

TP.HCM đón nhiều khách đến chơi lễ, ngành du lịch phấn chấn

TP.HCM đón nhiều khách đến chơi lễ, ngành du lịch phấn chấn

Dù nắng nóng, lượng khách đến TP.HCM vui chơi dịp lễ 30/4 - 1/5 tăng so với năm ngoái. Các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn đều ghi nhận kết quả khả quan trong 5 ngày nghỉ lễ.