Xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng được biết đến là địa phương có đàn ngựa bạch nhiều nhất tỉnh Lạng Sơn. Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi nên nhiều hộ gia đình dân tộc Tày và Nùng ở Hữu Kiên đã mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi hàng hóa tập trung, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu.
Do đó, chăn nuôi ngựa bạch đã và đang là hướng phát triển kinh tế chính của địa phương này, giúp nhiều hộ vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Ở Hữu Kiên, những đồng cỏ thuộc khu vực thảo nguyên Khau Sao rộng lớn lên tới 140ha đã nổi tiếng từ lâu với việc chăn thả gia súc, đặc biệt là ngựa bạch. Giống ngựa bạch Hữu Kiên thường có thân thon nhỏ, lông màu trắng, mũi, mắt, móng màu hồng, trọng lượng trung bình từ 70-100kg, người dân nuôi ngựa để lấy thịt, nấu cao và bán con giống.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hữu Kiên Ma Văn Xuân, hiện nay địa bàn xã có trên 1.200 con ngựa bạch thuần chủng. Người dân chăn nuôi ngựa bạch đã trở thành truyền thống, ngựa sinh trưởng rất tốt vì hợp thổ nhưỡng khí hậu, giá trị kinh tế rất cao, gấp hai lần so với ngựa thường và cao gấp 3-4 lần so với vật nuôi khác.
Ngựa bạch đang là sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương. Xã Hữu Kiên đang tập trung phát triển sản phẩm thịt ngựa, cao ngựa bạch thành sản phẩm thương hiệu trên thị trường, tiến tới sản phẩm OCOP ở địa phương.
Mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao với khoảng 60-90 triệu đồng/con nhưng đầu năm 2022, anh Hoàng Văn Hà, ở thôn Co Hương, xã Hữu Kiên vẫn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trên 20 con ngựa bạch.
Theo anh Hà, gia đình chăn nuôi ngựa bạch đã từ lâu và không mất nhiều công sức vì phù hợp với các điều kiện nơi đây, thị trường tiêu thụ lại rất ổn định. Năm 2022, ngựa bạch được các thương lái mua với giá cao hơn hẳn so với mọi năm, tăng từ 10-20 triệu đồng/con so với năm trước.
Anh Hoàng Văn Hà cho hay, thời gian tới, gia đình vẫn phải đầu tư, mở rộng thêm chuồng trại để nhân giống ngựa bạch thuần chủng. Gia đình anh cũng tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để đưa sản phẩm ngựa tốt ra thị trường, phát triển kinh tế từ ngựa bạch rất ổn định, nhiều năm nay được giá nên không chỉ gia đình anh mà bà con chăn nuôi ngựa trong xã cũng rất phấn khởi.
Theo người chăn nuôi, ngựa bạch 5 tháng tuổi có giá bán khoảng từ 25-60 triệu đồng, khi trưởng thành, ngựa bạch có thể bán với giá trên 100 triệu đồng/con. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ và chăn nuôi ngựa bạch Hữu Kiên, xã Hữu Kiên đã được thành lập, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch như cao ngựa, giò ngựa và các món ẩm thực.
Các thành viên của hợp tác xã được tập huấn các kỹ thuật chăn nuôi, phát triển ngựa, kiến thức trong phòng và trị bệnh cho ngựa bạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo đàn, tuyển chọn và nhân giống ngựa bạch cũng như được hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu...
Đặc biệt, trong năm 2021, hợp tác xã được thụ hưởng các chính sách của Dự án “Phát triển và bảo tồn nguồn gen ngựa bạch” do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai. Qua đó, ngoài việc được hỗ trợ giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc thì các hộ dân tham gia dự án sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua ngựa giống.
Ông Nông Quốc Mao, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ và chăn nuôi ngựa bạch Hữu Kiên, xã Hữu Kiên chia sẻ, trước đây gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ bình thường, chăn thả tự do chủ yếu trên bãi cỏ trên thảo nguyên, tối lại lùa về chuồng. Từ khi vào hợp tác xã và được thụ hưởng dự án, có cán bộ hướng dẫn chăm, cách làm và chế biến thức ăn cho ngựa thì thấy ngựa sinh trưởng, phát triển đều và tốt hơn.
“Chính quyền địa phương đang tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển đàn ngựa bạch, bảo tồn nguồn gen ngựa bạch Hữu Kiên. Cùng với đó, xã đã vận động nhân dân tích cực trồng cỏ voi, ủ tinh bột để chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm ngựa bạch, đáp ứng yêu cầu thị trường,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hữu Kiên Ma Văn Xuân cho biết thêm.
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.