Chạy theo cơn sốt đất ảo vùng ven TP.HCM, nhà đầu tư chật vật tìm cách thoát hàng

Gia Linh Thứ hai, ngày 11/09/2023 15:47 PM (GMT+7)
Cơn sốt đất đi qua, dưới áp lực dòng tiền, nhiều người đang cố gắng ra hàng, thậm chí bán cắt lỗ vẫn hết sức khó khăn sau thời gian chạy theo các thông tin "đón đầu" thị trường mua nhà đất với giá cao.
Bình luận 0

"Đau đầu" tìm cách bán đất

9 tháng qua, chị Thanh Tâm (nhà đầu tư, 32 tuổi) đang cố gắng tìm mọi cách để bán được 4 nền đất tại xã Thông Tây Hội (huyện Củ Chi). Theo chị Tâm, 2 năm trước, nghe thông tin về tiềm năng tại Củ Chi, như thông tin quy hoạch lên quận, xây dựng hạ tầng giao thông... chị đã sốt sắng mua 4 nền đất, mỗi nền 100m2 với giá 2,2 tỷ đồng. Mức giá này khá cao (22 triệu/m2 với đất khu vực nông nghiệp) nhưng nhà đầu tư này vẫn xuống tiền mua vì cho rằng tiềm năng khu vực là rất lớn.

Tuy nhiên, các động thái quy hoạch đô thị chưa được khởi động thì giá nhà đất tại Củ Chi đã hạ nhiệt, khiến chị Tâm "đứng ngồi không yên". Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh thua lỗ, ngân hàng lại siết  việc cho vay, khiến chị rơi vào cảnh thiếu dòng tiền nghiêm trọng.

Chạy theo cơn sốt đất ảo vùng ven, nhà đầu tư chật vật tìm cách thoát hàng - Ảnh 1.

Nhà đất nhiều khu vực đã hạ nhiệt khi cơn sốt đất đi qua. Ảnh: Gia Linh

"Để có tiền xoay sở kinh doanh, tôi đã rao bán 4 nền đất ở Củ Chi nhưng mãi chưa ra được hàng. Ban đầu, tôi rao chênh lệch 100 triệu cho mỗi nền (tức giá bán 2,3 tỷ). Tuy nhiên, nhiều tháng chờ đợi mỏi mòn không có người mua, tôi đành phải liên tục hạ giá. Bây giờ, tôi đang kí gửi bên môi giới với giá chỉ 2 tỷ, chấp nhận cắt lỗ 200 triệu/nền để có tiền mặt, nhưng vẫn chưa thấy tiến triển", chị Tâm chia sẻ.

Trường hợp khác, anh Trần Quốc Bảo (kinh doanh ô tô) cho biết mình đang "đau đầu" để đẩy 2 nền đất tại huyện Hóc Môn, vì "ngâm vốn" quá lâu. Anh Bảo chia sẻ thời điểm đất vùng ven TP.HCM như Củ Chi, Hóc Môn lên cơn sốt, anh cũng cùng bạn bè tìm về các địa phương để săn lùng đầu tư đất.

Do không có kinh nghiệm, anh đã trót tin lời môi giới là thị trường rất dễ lướt sóng, nên anh đã xuống tiền mua vội vàng 2 mảnh đất nông nghiệp chưa có sổ hồng với giá 1,2 tỷ đồng/mảnh. Tuy nhiên, sau khi mua xong, anh Bảo chật vật rao bán thì lại không tìm được khách.

Chạy theo cơn sốt đất ảo vùng ven, nhà đầu tư chật vật tìm cách thoát hàng - Ảnh 3.

Nhiều nhà đầu tư khó khăn tìm cách rao bán nhà, đất đã mua. Ảnh: Gia Linh

Anh Bảo cho hay mình đã phải kí gửi cho rất nhiều môi giới và hứa hẹn sẽ chia hoa hồng cao, nhưng mãi không bán được hàng. Các môi giới cho biết do đất anh mua không có sổ nên rất khó để tìm khách. Người mua thời điểm này rất thận trọng với tính pháp lý của sản phẩm nhà đất. Những mảnh đất không có sổ, họ không dám xuống tiền mua dù giá bán có rẻ hơn mặt bằng chung trên thị trường nhiều lần.

Đất nền sẽ khó tạo cơn sốt

Thị trường bất động sản bắt đầu hạ nhiệt từ cuối năm 2022. Các khu vực từng trải qua cơn sốt đất liên tục mất giá, đến nay có những sản phẩm được "rao" giảm giá đến 50%.

Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" như 2 trường hợp trên. Nhiều trường hợp người mua vì chạy theo các thông tin để "đón đầu" thị trường mà vội vàng xuống tiền mua các sản phẩm nhà đất với giá cao, pháp lý không hoàn chỉnh. Để rồi khi cơn sốt đất đi qua, nhà đầu tư dưới áp lực dòng tiền cố gắng ra hàng bằng mọi cách, thậm chí bán cắt lỗ vẫn hết sức khó khăn.

Anh Quốc Bảo cho biết sẽ cố gắng chờ thêm 3 tháng cuối năm, hy vọng sẽ có khách mua. Nếu thêm 3 tháng nữa mà vẫn không tìm được khách thì anh sẽ dừng việc rao bán. Anh sẽ xem tình hình pháp lý của các mảnh đất có thể xin làm sổ được không rồi tính tiếp.

Chạy theo cơn sốt đất ảo vùng ven, nhà đầu tư chật vật tìm cách thoát hàng - Ảnh 4.

Giá đất nền được dự báo sẽ không trên đà tăng mạnh như thời gian trước. Ảnh: Gia Linh

Ông Phạm Lâm - Chủ tịch DKRA Group, cho biết lượng giao dịch, thanh khoản của phân khúc đất nền tại TP.HCM và các địa phương lân cận chưa có nhiều khởi sắc trong tháng 8/2023. Tỷ lệ tiêu thụ mới đất nền cũng chỉ ghi nhận 5 nền, giảm 94% so với cùng kỳ.

Trong đó, các yếu tố hạn chế quỹ đất sạch, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn mới, các rủi ro về vấn đề pháp lý... đã tác động rất lớn đến tình hình khan hiếm nguồn cung mới trong thời gian qua. Đất nền vốn là phân khúc ghi nhận biến động tăng giá mạnh những năm qua, thì giờ không còn là mặt hàng dễ lướt sóng, "mì ăn liền" như trước.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho hay khoảng cuối quý III/2023, các giao dịch sẽ xuất hiện trở lại, nguồn cung ra thị trường nhiều hơn. Nhưng về giá bán, đất nền ở những vùng giá đã tăng mạnh sẽ tiếp tục giảm, để điều chỉnh về mức phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem