Đa dạng sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại tham gia chương trình OCOP

Quang Sung Thứ ba, ngày 13/09/2022 11:16 AM (GMT+7)
Tham gia chương trình OCOP có nhiều sản phẩm là đặc sản, thương hiệu lâu đời của địa phương. Bên cạnh đó, cũng có nhiều sản phẩm bắt nguồn từ sự sáng tạo và đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu vốn có tại địa phương.
Bình luận 0

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang phát huy được những hiệu quả nhất định. Sau giai đoạn 1 (2018-2020), Chính phủ đã ra quyết định 919/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2 (2022-2025) vào ngày 1/8/2022. Từ chương trình OCOP, nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương được nâng cao giá trị, trở thành sản phẩm tiêu biểu. Bên cạnh đó, tư duy của thế hệ doanh nhân trẻ tại các địa phương cho ra nhiều sản phẩm độc đáo, sáng tạo.

Làm OCOP từ sản phẩm truyền thống

Tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) nổi tiếng với những đặc sản được chế biến từ thủy hải sản, đây là lĩnh vực được địa phương ưu tiên phát triển. Hợp tác xã (HTX) Cần Giờ Tương Lai là đơn vị chuyên chế biến đặc sản Cần Giờ, có 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hiện đơn vị đang gửi hồ sơ, đề xuất công nhận thêm 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đây cũng là đơn vị có số sản phẩm đạt chuẩn OCOP cao nhất thành phố.

Đa dạng sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại tham gia chương trình OCOP - Ảnh 1.

Công nhân tại HTX Cần Giờ Tương lai đang sơ chế hải sản. Ảnh: QS

Tất cả sản phẩm đã và đang phấn đấu đạt OCOP của HTX đều là những mặt hàng đặc sản của địa phương. Tiêu biểu như: xoài cát, khô cá dứa một nắng, tôm sú một nắng, tôm thẻ một nắng, tôm khô, tôm sú thiên nhiên, tôm thẻ tươi đông lạnh, cá đù một nắng, cá dứa tươi, bạch tuộc sông, hàu tươi, khô cá chim một nắng, khô cá lưỡi trâu.

HTX đã chủ động mua sắm máy móc, cải tiến quy trình để nâng tầm những sản phẩm vốn đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Nhờ đó, sản phẩm của HTX Cần Giờ tương lai có sự đồng nhất về chất lượng, hương vị, đảm bảo những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai cho biết: “Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực cho HTX Cần Giờ Tương Lai khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chúng tôi liên tục thay đổi, nâng cấp, cải tiến và hoàn thiện các công đoạn sản xuất, phát triển sản phẩm ngày càng tốt hơn”.

Cùng với việ sản xuất và kinh doanh đặc sản Cần Giờ, HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) đang sở hữu 1 mặt hàng đạt OCOP 4 sao. 

Đa dạng sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại tham gia chương trình OCOP - Ảnh 3.

Sản phẩm tôm thẻ chân trắng do HTX Thuận Yến nuôi theo mô hình đã được cải tiến. Ảnh: QS

Dựa vào vị trí địa lý, thổ nhưỡng, môi trường và định hướng phát triển của huyện Cần Giờ, trong năm 2020, HTX đã lựa chọn 3 sản phẩm để đầu tư phát triển mạnh. Cụ thể là duy trì sản phẩm chủ lực: yến sào, tôm thẻ chân trắng và cá dứa nước lợ nổi tiếng của đất Cần Giờ. Riêng sản phẩm tôm thẻ đã được cấp OCOP 4 sao và xuất bán đi nhiều nơi.

Để có được thành quả trên, bà Nguyễn Thị Nhiệm - Giám đốc HTX Thuận Yến cho biết, HTX đã có những cải tiến trong mô hình nuôi tôm so với việc nuôi theo cách truyền thống. HTX sử dụng mô hình nuôi công nghệ cao vào đầu năm 2019. Mô hình này sử dụng quy trình nuôi semi-Biofloc, tuần hoàn nước khép kín và ứng dụng công nghệ Micro-oxygen với quy mô 12.000m2.

Chia sẻ về việc phấn đấu đưa các sản phẩm của HTX Thuận Yến đạt chuẩn OCOP, bà Nguyễn Thị Nhiệm - Giám đốc HTX cho biết: “Sau thành công của sản phẩm tôm thẻ chân trắng, chúng tôi đã thấy được lợi ích của việc sản phẩm được công nhận OCOP trên thị trường. Do đó, năm 2022, kế hoạch của HTX là làm tất cả các công việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký OCOP cho các sản phẩm yến sào, khô dứa một nắng và nấm đông trùng yến”.

Sản phẩm hiện đại từ nguyên liệu truyền thống tham gia OCOP

Không chỉ cải tiến, thay đổi cách sản xuất, nhiều doanh nghiệp tại các huyện ngoại thành TP.HCM còn áp dụng khoa học, kỹ thuật để cho ra những sản phẩm mới, từ nguồn nguyên liệu vốn có. 

Đa dạng sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại tham gia chương trình OCOP - Ảnh 5.

Nhiều sản phẩm chế biến từ gấc của Công ty cổ phần MeKong Herbals tham gia xúc tiến thương mại. Ảnh: QS

Tại huyện Củ Chi - nơi có nguồn liêu liệu rau củ quả phong phú, nhiều doanh nghiệp địa phương đã tận dụng, tiến hành những quy trình chế biến hiện đại để cho ra những sản phẩm độc đáo. Tiêu biểu có thể kể đến Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi, TP.HCM) là đơn vị có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đó là các sản phẩm bột được chế biển từ các loại rau quen thuộc, được trồng tại địa phương như: bột rau má, bột diếp cá, một chùm ngây, bột lá sen, bột lá tía tô. Hiện sản phẩm rau má của đơn vị đang được đề cử lên OCOP 5 sao.

Bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt cho biết, nguồn nguyên liệu được đơn vị chủ động canh tác theo mô hình trang trại sinh học chuẩn VietGAP. “OCOP là một chương trình mục tiêu quốc gia dài hạn, chúng tôi đang nỗ lực cùng với ban ngành thành phố thúc đẩy toàn diện quảng bá sản phẩm OCOP. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi luôn thay đổi, cải tiến để cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng và tiện dụng nhất”, bà Hương cho hay.

Không chỉ có các sản phẩm từ rau, tại Củ Chi, nhiều sản phẩm từ trái cây cũng đang trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn OCOP. Trong đó, mặt hàng trái cây, rau củ sấy được nhiều doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh. 

Hiện Củ Chi có 2 doanh nghiệp đang phấn đấu đưa mặt hàng trái cây sấy lên OCOP 4 sao gồm: Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huynh Đệ Tề Hùng, Công ty TNHH kinh doanh Thịnh Phát Đạt.

Đa dạng sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại tham gia chương trình OCOP - Ảnh 7.

Trái cây sấy đang là mặt hàng được nhiều doanh nghiệp tại Củ Chi quan tâm sản xuất và phấn đấu đạt OCOP. Ảnh: Q.S

Đại diện cả 2 doanh nghiệp cho biết, trong tương lai họ sẽ nỗ lực đưa nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP hơn nữa. Đồng thời giải quyết về đầu ra cho nông sản trồng tại địa phương, đặc biệt là các loại cây ăn trái như: mít, chuối...

Ngoài những sản phẩm nổi bật trên, tại Củ Chi còn có nhiều sản phẩm khác được chế biến từ nông sản tham gia OCOP. Vừa qua, tại Ngày hội du lịch văn hóa ẩm thực Củ Chi 2022, nhiều sản phẩm được chế biến từ nông sản đã tham gia xúc tiến thương mại như: bột sả gừng chanh uống liền, tinh dầu gấc, nấm mối đen, snack làm từ nấm bào ngư xám...

Đa dạng sản phẩm từ truyền thống đến hiện đại tham gia chương trình OCOP - Ảnh 8.

Thế mạnh của huyện Củ Chi là lĩnh vực trồng trọt rau củ quả ngắn ngày. Ảnh: QS

Điểm chung là các sản phẩm này đều được áp dụng khoa học, công nghệ trong khâu chế biến. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, cho ra nhiều mặt hàng tiêu dùng mới lạ, thiết thực. Góp phần tăng giá trị nông sản địa phương, đa dạng mặt hàng cho ngành nông nghiệp huyện nhà. Từ đó đóng góp vào công cuộc chuyển dịch kinh tế tại địa phương.

Sáng 9/9, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Theo Bộ NN&PTNT, chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn.

Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung triển khai một cách linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.

Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; tiếp thị và phát triển thị trường. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem