Vì thế sông rạch đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân nơi đây.
Dấu ấn trong giao tiếp
Trong cách nói năng hằng ngày, những từ ngữ đầy ấn tượng về sinh hoạt và văn hóa sông nước thường được sử dụng. Ví như người Tây Nam Bộ nói "lội bộ" thay cho "đi bộ", do trước kia đường bộ chưa phát triển, người ta chủ yếu đi lại bằng ghe xuồng nếu là đường xa, nếu đi gần thường đi bộ - mà trước đây mặt đường thường xuyên ngập nước nên đi lại bì bõm trên đường ngập nước là việc thường. Tương tự, một người quen ở xa đến thăm dù đi bằng ôtô, tàu hỏa hay máy bay, người ta cũng nói là "lặn lội" đến thăm. Cũng do dấu ấn sông nước mà từ "xe đò" được dùng thay cho xe khách, gợi hình ảnh đò ngang, đò dọc ngày trước... Hay việc đi nhờ xe hiện nay cũng nói là "có giang" nói trại từ "quá giang" để chỉ việc đi nhờ ghe ngày trước: “Chuyện quá giang (nói trại là có giang) trở thành phổ biến, nhờ xuồng đưa qua sông, nhờ chiếc ghe lạ đưa giùm quãng đường dài trong đôi ba ngày là dễ dàng, người quá giang được đối xử bình đẳng, cơm nước như chủ ghe, lẽ dĩ nhiên khi chủ ghe mệt mỏi thì tự nguyện chèo chống tiếp sức”.
Ở vùng Tây Nam Bộ, phương thức diễn đạt dùng những hình ảnh, hoạt động, tính chất có liên quan tới vùng sông rạch để so sánh hoặc tạo lối nói ẩn dụ, hoán dụ khá phổ biến. Trong trường hợp này, cần tìm thấy mối dây liên tưởng tương đồng hay tương cận của hai đối tượng mới và cũ là có thể nhận ra ý biểu đạt. Ý biểu đạt này thiên về tư duy hình ảnh nên dễ nhận biết và thường có sắc thái biểu cảm. Chẳng hạn như thay vì gọi "anh em bạn rể", người dân vùng này quen nói "anh em cột chèo". Cách nói này gợi lên hình ảnh quen thuộc về một vùng sông nước: người đồng bằng dùng phương tiện di chuyển ghe, xuồng gắn hai cọc (cột) chèo: một ở đằng mũi, một ở đằng lái và hình ảnh hai người đàn ông đứng chèo là cơ sở cho sự tiếp cận, gần gũi để trở thành anh em bạn rể trong một gia đình và cách nói anh em cột chèo là cảm nhận có sự gần gũi, chân tình.
Còn nhiều câu chuyện liên tưởng thú vị khác. Ví dụ như đi hớt tóc, gặp người thợ chưa có tay nghề, mái tóc được cắt thường có những vệt tối, sáng khó coi. Nhìn mái tóc có những vệt đậm nhạt, người đồng bằng nghĩ tới con cá sặc rằn, một loại cá phổ biến, mà bảo "cái đầu sặc rằn". Hay như ai ở vùng sông nước mà chẳng đôi lần gặp phải hoặc chứng kiến cảnh tượng chìm xuồng với xuồng và tất cả những gì trong xuồng bị nước cuốn trôi đi mất. Trong đời sống xã hội, người ta dùng từ "chìm xuồng" để chỉ việc bưng bít một vụ việc tiêu cực nào đó mà người ta muốn giấu nhẹm đi, không để lọt ra ngoài. Hoặc một vụ việc nào đó lý ra phải được giải quyết, nhưng vì những lý do tiêu cực, người xử lý vụ việc cố tình trì hoãn, không chịu giải quyết, người dân sông nước gọi đó là "neo" hay "ngâm tôm". Neo là dùng một phương tiện nặng, có cạnh, móc thả xuống đáy sông, rạch để giữ ghe, xuồng ở lại vị trí cũ, không bị trôi đi. Còn "ngâm tôm" là hình thức giữ tôm cá dưới nước, bằng chiếc lồng thả xuống sông, rạch, để tôm cá có thể sống như ở môi trường tự nhiên. Neo, ngâm là sự ứng xử tích cực trong cuộc sống; còn cách nói hình ảnh này lại có ý phê phán. Còn ai đó lắm mồm, lắm miệng, hoặc nói năng có vẻ linh hoạt, người dân đồng bằng bảo là "tép lặn, tép lội". Cách diễn đạt này làm người nghe có ấn tượng hình ảnh về sự nhanh nhẹn, lanh lẹ trong nói năng, còn ý khen chê thì tùy ngôn cảnh biểu cảm...
Dấu ấn trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội
Tục thờ Bà Cậu, thờ Cá Ông, lễ Tống Ôn, lễ hội Nghinh Ông... là những sinh hoạt mang đậm dấu ấn sông nước.
Bà Cậu trong tâm thức dân gian là những vị thần chuyên giúp những người sống bằng nghề liên quan đến sông nước mỗi khi họ gặp bất trắc. Từ niềm tin này, những chiếc ghe thương hồ có tục thiết lập bàn thờ Bà Cậu trên ghe để hằng ngày hương khói cầu mong được phù hộ bình an, tôm cá đầy khoang. Lễ vật cúng Bà Cậu thường là cặp vịt với niềm tin con vịt không bao giờ bị chìm, luôn vượt mọi chướng ngại vật trên sông. Từ tập tục thờ cúng Bà Cậu này mà nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ có tổ chức lễ Tống Ôn để cầu mong bình an cho gia đình và thôn xóm, cũng là cầu cho cả xóm làng một cuộc sống ấm no đủ đầy.
Còn cá Ông, được những người sống bằng nghề biển tin rằng có thể cứu giúp con người thoát khỏi những trận cuồng phong bão tố để an toàn vào bờ. Người ta tin rằng, mỗi khi ra khơi đánh bắt, hễ ghe thuyền gặp nạn sắp chìm thì kêu cá Ông là Ông lập tức đến cứu. Hằng năm những ngư dân ven biển miền Tây đều có tổ chức lễ hội Nghinh Ông. “Lễ cúng cá Ông thường gồm 3 giai đoạn: lễ Nghinh Ông, lễ cúng Tiền Hiền và Hậu Hiền, lễ Chánh tế, sau đó là phần vui chơi và ăn uống. Quang cảnh ở Lăng Ông trong ngày lễ được tổ chức hết sức rực rỡ và trang nghiêm. Các nhà trong vạn ghe nghề đều kết hoa, treo đèn lồng, nhiều người bày hương án có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi trước nhà. Các ghe thuyền hôm ấy đều đậu ở bến, không ra khơi làm nghề”. Có thể nói, lễ hội Nghinh Ông hàng năm của ngư dân vùng biển Tây Nam Bộ chính là việc thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là để tạ ơn cá Ông đã giúp họ được bình an trên bước đường mưu sinh. Và “Lễ Nghinh Ông chính là dịp để thỏa mãn nhu cầu đền ơn, báo nghĩa. Cái lõi hiện thực của tục thờ cúng cá Ông và việc tổ chức lễ hội hằng năm của cư dân ven biển có lẽ cũng là ở chỗ đó”.
Dấu ấn trong văn nghệ dân gian
Ngày xưa, trên các dòng sông, kinh rạch ở Tây Nam Bộ, đêm đêm vẳng lên tiếng hò man mác của những người chèo ghe, những khách thương hồ, những cô gái chở hàng bông đi chợ, những anh chàng giăng câu, thả lưới. Môi trường sông nước cũng chính là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, ướm hỏi, tỏ tình:
Sông sâu sóng bủa láng cò
Thương em vì bởi câu hò có duyên.
“Hò có nhiều giọng, giọng Bến Tre, giọng Rạch Giá, giọng Cần Thơ... Cùng một giọng, mỗi người hò cũng một khác, tựa như chúng ta ngâm thơ vậy: khi nhấn vào chỗ này, khi nhấn vào chỗ khác; lúc thì tình tứ, lúc thì nghiêm trang... Cho nên hò là cả một nghệ thuật và người biết nghe có thể đoán được xứ sở, có khi gia thế cùng tâm sự người hò nữa”.
Ghe lui còn để dấu dầm
Người thương dẫu vắng chỗ nằm còn đây.
Tóm lại, sông rạch ở Tây Nam Bộ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, mà còn góp phần hình thành nên tính cách, lối sống, quan niệm, tập quán… của người Tây Nam Bộ.
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.