Tháng 4, PwC Việt Nam công bố kết quả khảo sát về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023. Báo cáo nêu rõ những sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt giữa cuộc khủng hoảng giá cả toàn cầu và lạm phát vẫn đang tiếp tục lan rộng nhiều quốc gia trên thế giới.
Người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn trong thói quen chi tiêu của mình. Khảo sát của PwC cho thấy 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu.
Việc cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng nhiều hơn đến các mặt hàng không thiết yếu. 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%) và điện tử (38%). Chỉ có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, thấp hơn so với trung bình toàn cầu là 24%.
Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ngành bán lẻ theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Theo VTV, ở nước ta thương hiệu trung tâm thương mại Parkson có thể sớm biến mất khi tập đoàn bán lẻ từ Malaysia này vừa thông báo đang làm thủ tục phá sản tại Việt Nam, do thua lỗ kéo dài từ thời điểm đại dịch Covid-19.
Một trong những nguyên nhân khác nữa, theo nhận định từ các chuyên gia, là do sức mua giảm bởi bối cảnh vĩ mô khó khăn. Trong năm tài khóa 2022, Parkson ghi nhận khoản lỗ khoảng 1,7 triệu USD (tương ứng gần 40 tỷ đồng) tại Việt Nam.
Ngoài Parkson, quý I vừa qua, hai ông lớn bán lẻ trong nước là Thế giới di động và FPT Retail đều bị sụt giảm hơn 90% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Ghi nhận mức lợi nhuận quý thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo nhiều doanh nghiệp, ngoài nguyên nhân người dân thắt chặt chi tiêu, thì việc phải tốn chi phí khuyến mãi, các đối tác cho vay trả góp thu hẹp hoạt động đã khiến hoạt động kinh doanh kém sắc.
"Đối với mặt hàng công nghệ thì nhìn thấy sức mua giảm rõ rệt, mảng này chúng tôi đang giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn mảng nhà thuốc tổng thể vẫn đang tăng trưởng tốt do mặt hàng thuốc là thiết yếu, chưa thấy tín hiệu giảm chi tiêu ở đây", bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc Điều hành FPT Retail.
Theo giới phân tích, các ngành hàng giá trị cao như thiết bị di động, điện máy chịu ảnh hưởng lớn. Nhưng một số mặt hàng thiết yếu như bách hóa, thực phẩm, dược phẩm vẫn ghi nhận sức mua ổn định, tăng trưởng nhẹ.
Bnews dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 510.700 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.007,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%). Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%).
So với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.581 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%); trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,5%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,1%.
Điều này phần nào cho thấy hiệu quả từ sự điều hành của Chính phủ cũng như nỗ lực của doanh nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đang được ngành công thương tích cực triển khai giải pháp.
"Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để làm thế nào để hàng hóa trong nước đưa vào hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài. Tiếp tục phối hợp với các địa phương để triển khai bình ổn thị trường tại các thành phố lớn, đảm bảo hàng hóa thiết yếu luôn đến được tay của người dân", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết.
Dù chịu sự tác động của lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, song giới chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều dư địa phát triển khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. Đây là lý do để các nhà bán lẻ tiếp tục đầu tư mở rộng.
Báo Đại Đoàn Kết dẫn thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ xếp thứ 4 với tổng số vốn đăng ký đạt gần 372 triệu USD. Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường khoảng 142 tỷ USD. Dự báo, tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP.
Mới đây, Tập đoàn Central Retail Corporation (CRC) - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan công bố khoản đầu tư lớn, trị giá 50 tỷ bath (1,45 tỷ USD) vào Việt Nam. Khoản đầu tư này sẽ triển khai giai đoạn từ 2023-2027, với mục tiêu 600 cửa hàng trong năm 2027. Giám đốc điều hành Yol Phokasub cho biết, CRC coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng.
Không chỉ có “ông lớn” bán lẻ CRC lên kế hoạch đầu tư tại thị trường Việt Nam, nhiều nhà bán lẻ ngoại cũng tăng cường rót vốn cho ngành hàng bán lẻ. Trước đó, MM Mega Market cũng mở 3 kho cung ứng mới trong vòng 12 tháng gần đây tại Sa Pa (tháng 5/2022), Bình Thuận (tháng 7/2022), và Thanh Hóa (tháng 3/2023).
Ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc điều hành của MM Mega Market Việt Nam cho rằng, đơn vị liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, kho cung ứng thực phẩm ở các tỉnh. Việc đầu tư này nhằm đang dạng hóa nguồn cung ứng và tăng chất lượng sản phẩm.
Đầu tư hơn 5 tỷ USD vào thị trường Việt Nam và coi là thị trường quan trọng thứ ba sau Hàn Quốc, Nhật Bản, nhà bán lẻ Lotte Mart cũng cho biết, đang tiến hành mở rộng mạng lưới bằng việc tăng thêm số trung tâm thương mại, tập trung phát triển mảng thực phẩm thiết yếu, bình ổn giá…
"Chúng tôi tận dụng thời gian này để tái cơ cấu, sửa chữa hệ thống, nâng cấp, nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng online. Tăng cường trải nghiệm, sản phẩm cho khách hàng. Trong trung và dài hạn thì thị trường Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài", ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc ngành Thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam cho biết.
Không đứng yên, các nhà bán lẻ nội cũng ra sức lên kế hoạch phát triển thị trường, nắm bắt xu hướng và kịp thời chuyển đổi số để thích ứng xu hướng tiêu dùng mới. Tới nay ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng phát triển nhanh chóng và hiện đại.
Về phát triển thị trường, WinCommerce dự kiến mở thêm 1.000 cửa hàng và đạt doanh thu cấp cửa hàng tăng 25% năm nay. Đồng thời chuyển hướng sang mô hình nhỏ (cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini) ở cả thành thị và nông thôn. Hiện đơn vị này đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước.
Saigon Co.op là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, hiện đang sở hữu nhiều mô hình bán lẻ hiện đại nhất cả nước. Năm 2022, đơn vị dẫn đầu thị trường bán lẻ, chiếm 35,8% thị phần bán lẻ hiện đại khối nội, doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, đón tiếp 1 triệu lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm mỗi ngày. Saigon Co.op đã hình thành nên hệ sinh thái đa dạng và phong phú trên nền tảng cốt lõi là phân phối bán lẻ với hơn 800 điểm bán trên 43 tỉnh thành, bao gồm: kết nối các mô hình hợp tác xã, thành lập công ty logistics, xuất nhập khẩu, đầu tư, sản xuất, thương mại điện tử, khai thác và kết nối các vùng nguyên liệu.
Tiếp đà phát triển, trong năm 2023, Saigon Co.op đặt doanh số phấn đấu năm 2023 tăng 4% so với cùng kỳ; phát triển 50 - 60 điểm bán mới… Mục tiêu đến năm 2025, Saigon Co.op đạt 1.000 điểm bán, tạo trải nghiệm mua sắm mới lạ, hiện đại cho khách hàng.
Ông Matthieu Francois, Giám đốc Hợp danh, McKinsey Việt Nam đánh giá: "Năm 2023 sẽ tương đối khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ không cao. Tuy nhiên tôi cho rằng nhìn chung người Việt Nam vẫn có thu nhập tăng, đặc biệt ở các khu vực ngoài các thành phố lớn. Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, chỉ là chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thị trường bật tăng trở lại".
Để vượt qua khó khăn trong ngắn hạn, các nhà bán lẻ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ vòng quay tiền mặt, giảm hàng tồn kho. Ngoài ra cũng rất trông chờ vào các chính sách hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng, từ đó tạo sức bật cho ngành bán lẻ.
Hôm 7/5, Chính phủ có tờ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng. Theo đó đề xuất tất cả hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế giá trị gia tăng 10% được giảm về mức 8%.Thời gian áp dụng trong 6 tháng, tức đến hết năm 2023. Tiếp tục cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, sớm đưa ngành bán lẻ trở lại trạng thái tăng trưởng.
Tháng 11, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, giá điện và giá nhà thuê là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng tăng lên.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 18 thuộc Cục QLTT TP.HCM liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc ở huyện Hóc Môn. Đặc biệt, đã chuyển 1 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu cho cảnh sát để điều tra.
Các lò giết mổ công nghiệp tại TP.HCM vẫn "ế" khách dù chi phí đầu tư cao và thành phố đã chấm dứt hoạt động giết mổ thủ công từ ngày 1/4/2023.
Không khí mua sắm hiện nay phần nào phản ánh nỗi lo lớn của doanh nghiệp về doanh số hàng Tết. Dự báo người Việt sẽ chi tiêu dè dặt và tiết kiệm hơn cho Tết 2025.
Việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử (TMĐT) tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước kết thúc vào ngày 30/11/2024, cạnh tranh trên thị trường ô tô Việt Nam sẽ càng gay gắt hơn.