Từ đầu năm đến nay thị trường xăng dầu trong nước có nhiều bất ổn, thể hiện rõ nhất qua việc căng thẳng nguồn cung, nhà kinh doanh thua lỗ nên không dám nhập hàng, nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa... Dù các bộ, ngành đã vào cuộc xử lý nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Vậy cần làm gì để thị trường xăng dầu ổn định trở lại? Đâu là giải pháp căn cơ, cốt lõi để giải quyết bài toán xăng dầu?... Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), về những vấn đề trên.
Giải quyết ngay vấn đề giá, chi phí
. Phóng viên: Thời gian qua thị trường xăng dầu có nhiều bất ổn, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Ông nhìn nhận về vấn đề này ra sao?
+ TS Nguyễn Quốc Việt (ảnh): Chúng ta thấy thị trường xăng dầu cả nước từ đầu năm đến nay đã có những biểu hiện căng thẳng về nguồn cung. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Chẳng hạn do tình hình thế giới biến động khó lường, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, định mức lợi nhuận của các công ty xăng dầu.
Bên cạnh đó, sự bất ổn của thị trường xăng dầu còn do lúng túng trong điều hành giá của cơ quan chức năng. Trong đó, vấn đề hài hòa lợi ích và rủi ro trong chuỗi cung ứng xăng dầu chưa được nhận diện rõ ràng. Như nhiều nhà bán lẻ phản ánh có thời điểm họ nhận chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm nên không trụ nổi. Đáng chú ý, việc quản lý xăng dầu vẫn còn mang tính xin - cho, điều hành bằng mệnh lệnh hành chính chứ chưa theo quy luật thị trường, từ tín hiệu của thị trường.
. Vậy theo ông, trước mắt để người dân không gặp khó khăn khi mua xăng dầu đầy đủ, cửa hàng không đóng cửa… cần tháo gỡ ngay điểm nghẽn nào?
+ Để giải quyết bài toán trước mắt thì liên bộ Tài chính - Công Thương cần rà soát, cập nhật, phản ánh ngay định mức chi phí, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu để giúp nhà kinh doanh vượt qua khó khăn. Nếu không giải quyết ngay và thấu đáo, nguồn cung sẽ tiếp tục bất ổn dẫn đến nhiều hệ lụy bao gồm cả mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh năng lượng.
Nhà nước hỗ trợ, giám sát chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty xăng dầu.
Nhà nước không thể làm thay nhà kinh doanh
. Có ý kiến cho rằng việc điều hành của cơ quan quản lý “có vấn đề”, nhất là chưa tính đúng, tính đủ khiến các công ty đầu mối bị lỗ, dẫn đến cả chuỗi cung ứng trong tình trạng gặp khó khăn?
+ Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì hãy để các DN được quyền tự chủ, tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh. Như vậy, họ mới chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của mình. Nghĩa là Nhà nước không nên và không thể làm thay, tính thay nhà kinh doanh được.
Bởi dù bộ máy nhà nước có lớn đến mấy, phương án tính toán siêu đẳng đến mấy… cũng sẽ lạc hậu với diễn biến của thị trường. Đó là chưa kể với bộ máy mang tính chất quản lý công về lý thuyết không thể có độ nhạy bằng thị trường với sự điều hòa của cung - cầu, giá cả.
. Ý ông là nên để các công ty xăng dầu tự xác định các chi phí hình thành giá xăng dầu thay vì Nhà nước làm như lâu nay. Nhưng có ý kiến cho rằng nếu như vậy dẫn đến rối loạn thị trường, Nhà nước sẽ không quản lý được xăng dầu?
+ Tôi cho rằng về giá cơ sở xăng dầu nên để Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tự kê khai và chịu trách nhiệm. Đặc biệt cần trao quyền tự chủ xác định giá cho hiệp hội điều phối trên cơ sở thống nhất của các công ty đầu mối, trung gian, tổng đại lý và nhà bán lẻ.
Thực tế hiện nay động lực của cả hệ thống cung ứng xăng dầu bị tác động không nhỏ vì chính sách cố định khi giá bán lẻ ở các cửa hàng, ngoại trừ vùng sâu, vùng xa được phép dao động 2% so với giá do liên bộ Công Thương - Tài chính đưa ra. Điều này khiến nhiều công ty xăng dầu thua lỗ, mà thực tế không có nhà bán lẻ nào có thể chịu đựng được thua lỗ mãi.
Khẩn trương sửa Nghị định 95
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2022 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh chưa được xử lý triệt để. Công tác phối hợp của một số bộ, ngành có nơi, có lúc còn chưa được chặt chẽ…
Do đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.
Sửa nghị định theo hướng thị trường
. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đang xem xét giao đầu mối quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sửa đổi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
+ Ngay khi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu vừa có hiệu lực đã có nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung tại nghị định này “có vấn đề”, nhất là những bất cập về quyền tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh của DN. Ví dụ nghị định này quy định công ty đầu mối, phân phối được quy định giá bán lẻ cho cửa hàng xăng dầu và đại lý nhưng không được cao hơn giá điều hành. Điều này đồng nghĩa về cơ bản liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định giá bán lẻ xăng dầu.
Việc quy định một mức giá cứng nhắc và điều chỉnh thiếu linh hoạt, không tính đúng, đủ mọi chi phí phát sinh khiến cả hệ thống cung ứng đều bị động và dễ gánh chịu rủi ro thua lỗ nhất là trong bối cảnh hiện nay giá dầu thế giới biến động liên tục.
Hay Nghị định 95 quy định tổng đại lý, địa lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập hàng ở một đầu mối. Trong khi đó, nếu cửa hàng nhập hàng nhiều đầu mối khác nhau có thể tránh độc quyền trong phân phối xăng dầu. Nên nhớ trong cơ chế thị trường thì việc được tự do ký hợp đồng với đầu mối rất là quan trọng.
. Ý ông là cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 theo hướng thị trường?
+ Tôi đồng ý với quan điểm rằng việc sửa đổi Nghị định 95/2021 nên được thực hiện theo hướng thay đổi toàn diện, theo hướng thị trường chứ không chỉ dừng ở việc đưa mặt hàng này về một đầu mối quản lý. Bởi việc một bộ, liên bộ hay giao về cho ai quản lý giá cũng không thể tính toán thay được thị trường.
Điều quan trọng nữa là Nhà nước nên tạo ra được hành lang pháp lý an toàn, chống các rủi ro, trục lợi, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này cũng có nghĩa là ta nên từ bỏ tư duy mệnh lệnh hành chính, cơ chế xin - cho trong quản lý xăng dầu.
Đây sẽ là yếu tố then chốt để thị trường xăng dầu Việt Nam phát triển lành mạnh.
. Xin cám ơn ông.
Thế giới tiếp cận theo cơ chế thị trường
. Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến đề nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về điều hành, quản lý xăng dầu?
+ TS Nguyễn Quốc Việt: Hiện nay, ngay cả các nước lớn ở châu Âu như Đức, Pháp… cũng đưa ra các gói hỗ trợ, tài trợ để giúp kìm giá năng lượng và hỗ trợ cho người dân lẫn nhà kinh doanh. Mỗi quốc gia đều phải cân đối các mục tiêu từ vĩ mô, lạm phát, an ninh năng lượng cho đến đảm bảo cuộc sống của người dân, sự phát triển của DN.
Nhưng về cơ bản, họ tiếp cận theo cơ chế thị trường. Những giải pháp hỗ trợ của Nhà nước hết sức linh hoạt thông qua chính sách thuế, chính sách trợ giá… chứ họ không phải can thiệp trực tiếp, đặc biệt là dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp vào thị trường. Đây là kinh nghiệm tôi thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới đang áp dụng.
. Theo ông, liệu kinh nghiệm này có thể áp dụng vào Việt Nam?
+ Để làm được điều này, chúng ta phải tin tưởng vào các DN. Họ sẽ tự vận hành, có cách của mình để rút ngắn các chi phí, giảm thiểu các rủi ro, qua đó tạo sự bình ổn thị trường.
Nhà nước nên thay đổi cách điều hành xăng dầu theo hướng linh hoạt, từng bước trao quyền tự chủ có kiểm soát. Ví dụ nới biên độ giá, cho phép cửa hàng bán lẻ lấy từ nhiều đầu mối, điều chỉnh giá xăng dầu từ ba ngày một lần thay vì một tháng ba lần như hiện nay…
Hàng loạt sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và OCOP được nông dân, doanh nghiệp mang đến Phiên chợ nông sản 2024 tại TP.HCM để giới thiệu với người tiêu dùng, tăng cường xúc tiến thương mại dịp Tết.
Nhiều sàn thương mại điện tử Việt Nam đang chọn bán nông sản online để cạnh tranh
Nhiều doanh nghiệp đang ưu tiên giỏ quà Tết tiết kiệm từ 100.000-200.000 đồng cho Tết Nguyên đán 2025 do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP.HCM năm 2024 đạt 567.982 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023 (cùng kỳ tăng 9,6%).
Từ ngày 18/12/2024 đến Tết Dương lịch 2025, người dân TP.HCM có thể thỏa sức mua hàng hiệu giảm giá lên đến 80%. Chương trình còn được livestream để người dân cả nước mua sắm online.
Không khí bán hàng Tết Nguyên đán tại chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) đã rộn ràng lên vì chỉ hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025.