Thứ sáu, 29/03/2024

Gỡ nút thắt giao thương tại cửa khẩu biên giới

29/12/2021 1:00 PM (GMT+7)

Khi cửa khẩu ách tắc, doanh nghiệp vẫn cứ đưa hàng lên, vượt quá khả năng thông quan đã khiến điểm nghẽn tại cửa khẩu thành nút thắt khó gỡ.

Mặc dù việc ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc đã được Bộ Công Thương dự báo từ trước cũng như ban hành nhiều văn bản, khuyến cáo gửi đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để triển khai biện pháp tiêu thụ. Thế nhưng, khi cửa khẩu ách tắc, doanh nghiệp vẫn cứ đưa hàng lên, vượt quá khả năng thông quan đã khiến điểm nghẽn tại cửa khẩu thành nút thắt khó gỡ. Hơn nữa, vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm, một chiều nên nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp căn cơ lúc này là thúc đẩy tiêu dùng nội địa và nêu cao vai trò của địa phương.

Gỡ nút thắt giao thương tại cửa khẩu biên giới - Ảnh 1.

Hàng dài xe hàng nối đuôi nhau trên cầu Bắc Luân II - cửa khẩu Móng Cái chờ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Ùn tắc trên diện rộng

Theo Bộ Công Thương, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa là do phía Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu; trong đó, có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu bình thường rất lớn như: Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).

Với các cửa khẩu còn tạm thời mở cửa như Hữu Nghị, Chi Ma, quy trình giao nhận hàng hóa được siết rất chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng.
Ngoài ra, phía Việt Nam đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt nhưng phía Trung Quốc vẫn hết sức quan ngại và chủ động tăng cường thêm các biện pháp. Mới nhất là ngày 11/12/2021, Trung Quốc ra công điện số 14/2021 gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu.
Sau khi công điện số 14/2021 được ban hành, có thêm một số cửa khẩu bị đóng, đầu tiên là Chi Ma rồi đến Tân Thanh và sau đó là Móng Cái đã dẫn đến ùn tắc phát sinh khi Việt Nam vào thời điểm chính vụ thu hoạch một số nông sản, trái cây tươi xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng đề cập việc Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn tất. Vì vậy, rất nhiều nông sản đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất vào Trung Quốc, nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây của Việt Nam được chính thức xuất khẩu vào thị trường này.
Các địa phương tuy đã quan tâm tới sản xuất, xuất khẩu nông sản nhưng cũng có lúc, có nơi chưa được thực sự sâu sát. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng thương mại, logistics cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương. Trong khi đó, kết nối đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc qua 2 cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu và Đồng Đăng – Bằng Tường chưa đồng bộ cũng khiến đường sắt không thể phát huy đầy đủ vai trò trong vận tải, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm tải cho đường bộ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, ngay sau khi nhận được văn bản số 9249/VPCP-KTTH của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công Thương đã lập tức triển khai nhiều hoạt động.
Cụ thể, đối với các địa phương, tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương tiếp tục khuyến cáo chuyển đổi xuất khẩu sang chính ngạch. Bên cạnh đó, tăng cường nắm thông tin tình hình tại cửa khẩu để có giải pháp chủ động điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu, đặc biệt trong dịp Trung Quốc nghỉ lễ, Tết. Đối với các địa phương khu vực biên giới, tiếp tục thực hiện các giải pháp mà Bộ đã từng trao đổi trước đây là tăng cường trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc để tăng thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua khu vực cửa khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có công hàm gửi các nước Lào, Campuchia, Thái Lan đề nghị phía bạn không đưa hàng quá cảnh sang Việt Nam trong bối cảnh các cửa khẩu tại Việt Nam đang bị ùn ứ như hiện nay để giảm thiệt hại cho phía bạn.

Theo ông Trần Quốc Toản, thời gian qua, mặt hàng thủy sản đã được vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường biển rất hiệu quả, tránh được rất nhiều rủi ro như khi đi qua đường bộ. Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nên lựa chọn vận tải theo những phương thức đường biển, đường sắt để giảm rủi ro trong xuất khẩu.

Đối với việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có vùng trồng chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động tiêu thụ nội địa.

Cùng tháo gỡ

Để giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu, tại cuộc họp mới đây do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì kết nối với 24 điểm cầu trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề xuất các bộ, ngành phối hợp với UBND các địa phương khuyến cáo thương nhân điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc, nhất là cửa khẩu đang ùn tắc, gồm cả trường hợp phía Trung Quốc đã thanh toán.

Nếu xe vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu điều tiết sớm lượng xe này vào chờ tại các địa phương phía sau. Bởi, từ nay tới Tết Nguyên đán chỉ có thể xử lý các xe đang tồn tại cửa khẩu, nhất là khi lao động phía Trung Quốc có thể nghỉ tới 21 ngày trước Tết để kịp hoàn thành thời gian cách ly.

Trường hợp khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng và vẫn đề nghị đưa hàng lên biên giới, thương nhân trao đổi với khách hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh như Cao Bằng nhằm giảm ùn tắc tại Lạng Sơn, Quảng Ninh hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác.

Ngoài ra, UBND các tỉnh biên giới, nhất là Lạng Sơn và Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bởi với lượng lái xe, phụ xe tập trung quá đông, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất lớn.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề nghị, UBND các tỉnh biên giới phối hợp với các bộ, ngành trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc về quy trình giao nhận chặt chẽ, bảo đảm an toàn mở lại các cửa khẩu quan trọng đang đóng như: Kim Thành, Chi Ma, Tân Thanh, Móng Cái. Đồng thời, tăng thời gian thông quan để giúp giải tỏa ùn tắc hàng hoá trước Tết Nguyên đán.

Về lâu dài, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp nâng tầm nông sản Việt, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như xuất khẩu tiểu ngạch.

Ngoài ra, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn tìm hiểu mô hình kết nối sớm để tiêu thụ nông sản sang Trung Quốc của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương để vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho dân. Điều này vừa giúp giảm bớt tình trạng ùn ứ tại các tỉnh biên giới khi vào vụ thu hoạch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng thêm số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc; đẩy nhanh đàm phán các Nghị định thư cần thiết với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cẩm nang xuất khẩu chính ngạch hỗ trợ thương nhân chuyển nhanh, chuyển mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và sang các thị trường khác; trong đó, lưu ý việc tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt.

Bên cạnh việc phối hợp với Bộ Tài chính xem xét lại hình thức trao đổi cư dân biên giới ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến xuất khẩu trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong các phương thức làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu qua biên giới; trong đó, xuất khẩu nông sản, trái cây, Bộ Công Thương không chỉ có công thư mà có cả công hàm, giao thiệp trực tiếp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các địa phương nước cần coi tiêu thụ nông sản là trách nhiệm và xây dựng kế hoạch sản xuất theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn truy xuất hàng hoá tránh ngẫu hứng.

Cùng với đó, các địa phương có cửa khẩu cần thông tin kịp thời từng ngày, thậm chí có thể từng giờ về tình hình ùn ứ để các địa phương điều tiết; tạo điều kiện cho lái xe nghỉ ngơi, hình thành kho tạm trữ. Các ngành chức năng tạo điều kiện thông thoáng trong lưu thông, vận chuyển hàng hoá nông sản.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tuân thủ quy luật và tín hiệu thị trường. Các bộ, ngành địa phương phối hợp nhuần nhuyễn hơn trong việc thông tin, tiếp cận thông tin, tránh đổ lỗi mà có những nhìn nhận đánh giá khách quan. Hiện tại, Bộ Công Thương đã  thành lập đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn đến thực địa tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.