Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đoàn Văn Việt vừa ký Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Nhiều tỉnh, thành cùng nhập cuộc
Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, các địa bàn gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Đồng thời, tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện đề án ít nhất 1 đêm.
Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên chiều 20-7, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp và chuyên gia du lịch đều đánh giá đề án này rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại để "xới" lại câu chuyện kinh tế đêm vốn chưa được đầu tư tương xứng, đúng mức và bài bản.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, cho hay quốc gia nào phát triển du lịch cũng cần kinh tế đêm để tăng chi tiêu, giữ chân du khách và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, nhất là ở những trung tâm du lịch lớn.
"Các đoàn khách quốc tế luôn quan tâm tới nhu cầu vui chơi, giải trí buổi tối nhưng thực tế là sản phẩm du lịch về đêm vẫn chưa nhiều. Khách hỏi nhưng công ty lữ hành chỉ dừng ở tư vấn chứ chưa thể đưa vào chương trình tour, do đó cần thêm mô hình sản phẩm du lịch về đêm, kinh tế đêm ở các địa phương" - ông An nói.
Hiện nay, hoạt động du lịch về đêm ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước phần lớn dừng ở đi ăn uống, quán bar, phòng trà hoặc dạo chợ đêm, phố đi bộ đêm... mà chưa đa dạng sản phẩm du lịch đêm.
Ông Nguyễn Thành Lưu, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, phân tích TP HCM và Hà Nội có một số sô diễn nghệ thuật về đêm, sản phẩm du lịch đêm gần đây được đầu tư phục vụ khách nhưng chưa nhiều. Ngành du lịch kỳ vọng đề án của Bộ VH-TT-DL với những quy định cụ thể, trong đó có cả điều kiện hoạt động, khai thác sản phẩm dịch vụ ban đêm đến 6 giờ hôm sau ở những điểm đến du lịch lớn, sẽ góp phần thúc đẩy du lịch.
"Câu chuyện hiện tại là làm sao kêu gọi để triển khai sản phẩm du lịch, có sự đầu tư bài bản của cả nhà nước và tư nhân hoặc hợp tác công - tư để có mô hình kinh tế đêm, sản phẩm du lịch đêm phát triển tương xứng, chất lượng với chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng..." - ông Nguyễn Thành Lưu nói.
Phát huy sáng tạo, giữ gìn bản sắc
Đề án xác định 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm gồm: biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm và mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Là một trong 12 địa phương nằm trong đề án, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho rằng hoạt động kinh tế đêm cần tính đến vấn đề bảo đảm trật tự an toàn xã hội, áp lực ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, Hà Nội trước mắt thí điểm phát triển kinh tế đêm ở những khu vực có tiềm năng lớn về dịch vụ, thương mại, du lịch chứ không phát triển tràn lan. Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất cần quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm cũng như bổ sung nhân lực bảo đảm an ninh trật tự, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm…
PGS-TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, nhận định các chính sách phát triển và quản lý kinh tế đêm cần chú trọng tới nhu cầu trải nghiệm an toàn của người dân, khách du lịch, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, tôn trọng không gian sống của người dân. Cần phân quyền rõ ràng và khuyến khích triển khai các công tác quản lý hoạt động kinh tế đêm mang tính đặc thù, phát huy sáng tạo, giữ gìn bản sắc của địa phương.
Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích khu vực kinh tế đêm. Đồng thời, tập trung nhiều vào cơ chế quản lý hoạt động kinh tế đêm cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng nền tảng cho kinh tế đêm. Bên cạnh đó, khung pháp lý cần phù hợp với từng đối tượng, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau; cần tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế đêm trong hoạt động du lịch mang lại và những mặt trái tiềm ẩn của nó…
Để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch, Chính phủ cần phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch và chính sách cụ thể phát triển kinh tế đêm, trong đó bao gồm cả quyền thành lập tổ chức chuyên trách về quản lý phát triển kinh tế đêm. Đa dạng hóa các dịch vụ trong hoạt động kinh tế đêm trên cơ sở khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa và ẩm thực địa phương kết hợp các hiệu ứng ánh sáng hiện đại để đáp ứng yêu cầu thị trường. Chú trọng xây dựng các chương trình biểu diễn thực cảnh hoành tráng tái dựng lại đời sống văn hóa truyền thống địa phương như show diễn "Ký ức Hội An" tại Hội An, "Huyền thoại làng chài" tại Phan Thiết hay "Tinh hoa Bắc Bộ" tại Hà Nội hoặc về những truyền thuyết mang tính lịch sử hay tâm linh.
Sau khi xác định định hướng, chiến lược, làm sao để triển khai hiệu quả? Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly cho rằng cần sự đầu tư căn cơ, bài bản và cách dễ nhất là nhìn sang mô hình của các nước đã thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản để học hỏi và triển khai. Hoặc với các địa phương chưa có kinh tế đêm, sản phẩm du lịch đêm thì tham khảo những nơi đã, đang xây dựng sản phẩm du lịch đêm khá thu hút như Huế, Hội An, Hà Nội.
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings:
Xác định kỹ để đầu tư xứng tầm
Đề án lần này của Bộ VH-TT-DL tiếp tục "làm nóng" câu chuyện phát triển kinh tế đêm của ngành du lịch. Kinh tế đêm không đơn thuần chỉ là một số hoạt động nhất định, không phải là những mảnh ghép rời rạc. Muốn phát triển kinh tế đêm, cần đánh giá tầm quan trọng và triển vọng, định hướng chiếm bao nhiêu phần trăm doanh thu của nền kinh tế, tạo ra bao nhiêu việc làm, đóng góp vào tăng trưởng GDP?... Khi đó sẽ có chủ trương, chính sách, cơ chế cụ thể để phát triển và quan trọng là bố trí nguồn lực để triển khai tương xứng.
Theo đề án, Bộ VH-TT-DL nêu rõ có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Sau khi tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tại các địa phương, từ sau năm 2026 sẽ xem xét nhân rộng tại các điểm đến còn lại. Tuy nhiên, cần xác định điểm đến du lịch nào là trung tâm và tiềm năng để có sự đầu tư xứng tầm và phù hợp.
Theo Người Lao Động
Các huyện nông thôn mới tại TP.HCM đang tăng cường làm du lịch nông nghiệp - nông thôn. Du lịch đang giúp nông dân có thêm thu nhập, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương và khiến vùng nông thôn thành phố trở thành nơi đáng sống.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, tổng thu du lịch tháng 10/2024 trên địa bàn thành phố ước đạt 16.251 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Lễ hội Ẩm thực Chợ Lớn Food Story lần 2 với chủ đề “Mỹ vị Mì và Bánh”, thể hiện những tinh túy của nền ẩm thực truyền thống đặc trưng của đồng bào người Hoa ở Sài Gòn
Danh hiệu Quả bóng vàng (Ballon d'Or) danh giá của bóng đá thế giới không đi kèm với khoản thưởng tiền mặt nào, nhưng đó là ước mơ cả cuộc đời của mọi cầu thủ chuyên nghiệp. Vinh dự kèm theo còn mang tới những hợp đồng quảng cáo lớn sau đó.
UBND Thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hôm nay khởi công Dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân ở Bãi Sau với mục tiêu tạo được không gian mở, sống động, đẳng cấp phục vụ người dân và tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách.
Ngành du lịch tàu biển đang nhộn nhịp hơn vào dịp cuối năm. Đây là phân khúc cao cấp, khách có tiền và chi tiêu cao cho các hoạt động. Vì vậy, đây là cơ hội lớn cho ngành du lịch.