Những ngày gần đây, các nhà thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng rất đông người đến mua kit xét nghiệm (kit test) Covid-19, máy đo Spo2... Anh Trần Văn Minh, nhà ở quận Liên Chiểu cho biết, mấy ngày qua, anh tiếp xúc gần với một trường hợp mắc Covid-19. Lo lắng cho sức khoẻ nên anh đã chủ động đi mua kit xét nghiệm về nhà tự kiểm tra. Gia đình anh đông người, lại có trẻ nhỏ nên phải chủ động mua kit test dự phòng trong nhà. Anh Trần Văn Minh cho biết, kit test mỗi nơi bán một giá. Kit BioCredit test Covid-19 của Hàn Quốc có nơi bán 80.000 đồng/bộ, nhưng có nơi bán đến 90.000 đồng/bộ, còn loại test nhanh của Trung Quốc có giá 75.000 đồng/bộ.
“Tôi mua 2 loại có loại là 90.000 đồng và loại 80.000 đồng thì tôi đi tìm thêm chỗ nào giá thấp hơn bởi vì mua nhiều. Giá que test không ổn định, có chỗ người ta bán 80.000 đồng và có chỗ bán giá 70.000 đến 75.000 đồng. Giờ giá chung như thế thì mọi người mua mình cũng mua như thế”, anh Trần Văn Minh nói.
Ông Mai Văn Dũng, nhà ở quận Hải Châu cho biết, trước Tết Nguyên Đán, ông đã mua một bộ test nhanh xuất xứ Trung Quốc, giá 65.000 đồng nhưng hôm nay qua tiệm thuốc hỏi mua thì đã tăng thêm 10.000 – 13.000 đồng. Ông Dũng cho rằng, giá thì mỗi nơi mỗi kiểu chất lượng thì không biết thế nào: “Mua test về nhà dùng cho mấy đứa con với ông bà nội giờ đây họ bán giá 75.000 đây, trước tôi mua 65.000 thôi, đắt quá. Thực tế mà nói, nhiều người họ có tiền thì họ mua, nhưng không có tiền lấy gì mua để test. Kinh tế khó khăn, ngày mô bỏ ra 75.000 để mua test, khổ lắm. Bây giờ chịu thôi chứ nhà nước đâu hỗ trợ, dân tự test hết”.
Hiện, các loại kit test Covid-19 đang được bán với nhiều mức giá khác nhau tuỳ xuất xứ, đắt nhất vẫn có xuất xứ Mỹ, tiếp đó là Hàn Quốc.
Trước thực trạng này, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra đột xuất, kiểm tra có kế hoạch để giám sát các cơ sở kinh doanh vật tư, trang thiết bị y tế. Ông Trần Phước Trí, Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết, ngoài kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi tăng giá, không niêm yết giá...
“Tăng theo hình thức người ta nhập hàng đầu vào nó cao lên do điều kiện đi lại chậm, thời gian lưu hàng lâu, rồi kho bãi... họ tăng lên thì trong ngưỡng rồi. Ví dụ trước đây họ nhập 50.000 đồng, bán 65.000 đồng, chứ không có hiện tượng hàng nhập 50.000 đồng mà bán ra 75.000 đồng”, ông Trần Phước Trí thông tin.